Chị Vũ Thị Tuất, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thương mại dịch vụ yến sào Dầu Tiếng (ấp Tân Phú, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng) là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Bình Dương. Từ mô hình nuôi yến đầu tiên của chị mang lại thành công ngoài mong đợi đã thu hút nhiều người dân xã Minh Tân. Không giấu nghề, chị Tuất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình nuôi chim yến với những ai muốn thực hiện mô hình này.
Trước đây, chị Tuất làm giáo viên, tích cực tham gia xóa mù chữ cho người dân xã An Lập, huyện Dầu Tiếng. Để có được thành công từ mô hình nuôi yến như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lâu dài của chị. Chị đã phải chuyển đổi nhiều hình thức sản xuất, kinh doanh mới có được thành công. Ban đầu, chị trồng mì, bắp, khoai, đậu, khi có chút vốn bắt đầu kết hợp mua bán vật tư nông nghiệp như phân bón, cây trồng... Sau đó, chị mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa, buôn bán thêm vật liệu xây dựng và phân bón, kết hợp làm cao su, chăn nuôi.
Chị Tuất kể, năm 2010, cơ duyên đến với chị khi trên tầng 3 ngôi nhà của gia đình có 6 con chim yến về làm tổ. Rồi trong một lần được tham gia lớp học về nghề nuôi chim yến do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, lúc này tại địa phương chưa có gia đình nào nuôi loài chim này; cùng lời khuyên của những người đi trước, chị quyết định đi tham quan thực tế mô hình nuôi yến ở TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) để có thêm kiến thức thực hiện mô hình này.
Sau đó, chị sửa sang lại nhà làm nơi trú ngụ cho chim. Chỉ một thời gian ngắn, chim yến kéo về thành từng đàn, mỗi ngày một nhiều. Từ đó, chị nghĩ đến cách nuôi chuyên nghiệp nên đã thuê chuyên gia về thiết kế lắp đặt máy móc, trang thiết bị.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc cho đàn chim yến, chị Tuất nói: “Về nơi ở của chim yến cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ. Do vậy, phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh bên trong và bên ngoài nhà yến để bảo vệ đàn chim yến không bị dịch bệnh và môi trường sống xung quanh được trong lành. Tôi thường tổng vệ sinh, xịt thuốc chống ẩm mốc, diệt gián, kiến, mối; phun thuốc sát trùng; hút sạch phân để giữ nơi ở luôn khô thoáng, sạch sẽ...”.
Theo chị Tuất, điều quan trọng để có được thành công là phải dám nghĩ, dám làm và không sợ thất bại, đặc biệt là cần chịu khó học hỏi áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
“Đặc điểm của chim yến là có thể tự đi kiếm ăn rồi chiều tối mới bay về tổ nên sẽ không tốn chi phí thức ăn cho loài chim này, chỉ tốn chi phí xây dựng, thi công nhà yến lúc ban đầu, tiền nhân công thu hoạch, sơ chế yến… Khoảng sau 1 năm, tôi đã có thể thu hồi lại vốn ban đầu”, chị Tuất chia sẻ thêm.
Đến nay, tổng diện tích nhà yến của gia đình chị Tuất khoảng 1.000m2, với số chim yến lên tới hàng chục ngàn con. Mỗi tháng gia đình chị thu hoạch 2 lần, tổng cộng hơn 20 kg yến. Với giá bán sỉ hiện nay 1kg yến chưa qua sơ chế là 20 triệu đồng, nếu sơ chế là 30 triệu đồng, trung bình mỗi tháng chị thu về hơn 400 triệu đồng. Ngoài nuôi chim yến, chị Tuất còn nuôi bò sữa và thu mua mủ cao su cũng rất thành công. Tổng nguồn thu hàng năm của chị là hơn 6 tỷ đồng.
Ngoài thành công trên con đường kinh doanh, chị Tuất còn được biết đến là người có tấm lòng nhân ái. Gia đình chị luôn tích cực tham gia các đợt vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Đặc biệt, gia đình chị tích cực đóng góp đầu tư làm đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của bà con nông dân trong xã. Ngoài ra, chị còn thường xuyên tuyên truyền đến hội viên phụ nữ học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc.