Sáng 4/7, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”.
Đề án nhằm nâng cao hiệu quả tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân Việt Nam một cách thực chất; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân; khơi dậy và phát huy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của giai cấp nông dân; phát huy tài nguyên bản địa…
Cùng với mục tiêu chung, Đề án còn đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể như: Từ năm 2023- 2025, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 600 HTX nông nghiệp, đến năm 2030 thành lập mới ít nhất 1.600 HTX. Đến năm 2030, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 40.000 lao động thường xuyên là hội viên, nông dân trong HTX.
Đồng thời, đến năm 2030, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 8.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo thêm 80.000 việc làm thời vụ cho hội viên, nông dân. Thông qua hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể nông nghiệp, đến năm 2030 có ít nhất 150.000 thành viên là hội viên, nông dân được đáp ứng nhu cầu hợp tác, nâng cao trình độ và kỹ năng nghề từ trình độ sơ cấp trở lên.
100% HTX nông nghiệp do Hội hỗ trợ thành lập, hoạt động theo quy định của Luật HTX; mỗi năm tăng 5% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. 100% cán bộ Hội các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên ngành…
Tham gia hội nghị trực tuyến, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhiều ý kiến đóng góp, tập trung vào các mục tiêu, giải pháp của Đề án. Trong đó, có nhiều ý kiến liên quan đến chất lượng của HTX, tổ hợp tác; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực kinh tế tập thể; hoàn thiện các văn bản vi phạm pháp luật của Hội Nông dân Việt Nam; đánh giá, dự báo về doanh thu của các mô hình kinh tế tập thể để đưa ra kế hoạch sát với tình hình thực tế trong thời gian tới …
Tại đầu cầu Bắc Kạn, sau khi nghiên cứu, thống nhất, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều ý kiến bổ sung vào Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”.
Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đề nghị tại mục 2, phần II về mục tiêu đến năm 2025 bổ sung: "Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập có trình độ từ cao đẳng trở lên đạt tối thiểu 20%, riêng đối với các tỉnh miền núi đạt tối thiểu 15%".
Tại gạch đầu dòng thứ nhất thuộc mục 2, phần IV về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Đề án, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đề nghị bổ sung từ "cán bộ" trước từ "công chức, viên chức". Câu đầy đủ là: "Các cấp Hội tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn trong và ngoài nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hỗ trợ phát triển KTTT,…".
Cũng tại mục 2, phần IV về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đề nghị bổ sung "Đào tạo, tập huấn, trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản cho đội ngũ lãnh đạo hợp tác xã do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập về chuyển đổi số, kỹ năng quản lý, quản trị, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của hợp tác xã; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã với các thành viên và giữa các thành viên với hợp tác xã nhằm xây dựng tổ chức hợp tác xã vững mạnh để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tham gia thị trường hiệu quả, đem lại lợi ích cho thành viên".
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn còn kiến nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm rõ nhiều nội dung trong phần vay vốn hỗ trợ…
Thông qua Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn cũng đã tham góp ở một số nội dung của Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”.
Cụ thể, ở phần mục tiêu, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn đề nghị sửa: "50.000 thành viên là hội viên, nông dân được đáp ứng nhu cầu hợp tác, nâng cao trình độ và kỹ năng nghề từ trình độ sơ cấp trở lên" thành: "50.000 thành viên là hội viên, nông dân được đào tạo, nâng cao trình độ và kỹ năng nghề từ trình độ sơ cấp trở lên". Xem xét điều chỉnh mục tiêu đến năm 2030 cho phù hợp.
Đối với nhiệm vụ và giải pháp, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn đề nghị bổ sung tại gạch đầu dòng thứ 3 về tổ chức tôn vinh, khen thưởng tổng kết các mô hình đề nghị đưa vào nhóm nhiệm vụ về công tác tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
Phần mục tiêu đến năm 2030 đưa ra: "100% cán bộ Hội các cấp làm công tác phát triển kinh tế tập thể, HTX được bồi dưỡng tập huấn kiến thức chuyên ngành, 80% cán bộ Hội các cấp được nâng cao kỹ năng…", tuy nhiên ở phần nội nhiệm vụ và giải pháp chưa có nội dung thực hiện để hoàn thành mục tiêu nêu trên. Do đó, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bổ sung để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Thông qua hội nghị, Ban Soạn thảo Đề án đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các địa phương và các Bộ, ngành có liên quan để hoàn chỉnh Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua trong thời gian sớm nhất.