Đặc sản ve sầu có giá đắt hơn thịt gà
Tháng 5 âm lịch, khi mật độ những cơn mưa mùa hạ bắt đầu dày đặc, cũng là lúc mùa ve sầu không còn, nhiều người đi “vét” lần cuối "đặc sản trời cho" là xác (vỏ) ve trôi từ trên những thân cây xuống đất.
Ông Phan Văn Hợp (SN 1974, ngụ xã Phước Cát, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, mùa ve sầu thường chớm vào đầu mùa quả điều nở rộ, kéo dài đến tháng 5 âm lịch thì kết thúc. Vào mùa ve sầu, mỗi tối nhiều gia đình có rẫy điều ở Lâm Đồng hoặc vùng Đông Nam Bộ thường rủ nhau đi từng nhóm từ 3-5 người, soi đèn pin lần mò trên từng cây điều để bắt những con ve vừa từ lòng đất trồi lên bám vào thân cây để lột xác.
“Việc bắt ve sầu thường diễn ra vào khoảng thời gian từ 18 giờ tối trở đi. Khi đó ve chui từ lòng đất lên, rồi từ từ bò lên thân cây và bám vào một chỗ nhất định để bắt đầu quá trình thoát xác từ ve nhộng chuyển thành ve già. Do đó nhiều người đi bắt ve, khi soi đèn pin thấy con nào đang lột xác, bắt cho vào thùng hoặc rổ đem theo, còn xác ve để riêng. Quãng thời gian ve sầu thoát xác, mọc cánh diễn ra trong khoảng 30 phút, sau đó cánh ve trở nên cứng (ve già) rồi bay đi”, ông Hợp nói.
Khi được hỏi vì sao không bắt ve vào ban ngày mà phải từ 18 giờ trở đi? Ông Hợp cùng nhiều người cho rằng có thể vào chiều tối khí hậu mát dần, khi đó ve từ dưới đất (âm) chui lên bắt đầu quãng đời làm ve, khi đó không bị ánh sáng làm cho ve mù mắt.
Chị Nguyễn Thúy Hằng (SN 1977, ngụ xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) nói: “Nếu đi bắt ve quá muộn (khoảng 20-21 giờ tối), lúc đó ve đã… già, thân cứng, ăn không ngon. Chưa kể, mình đi muộn thì người khác đã bắt hết còn đâu”.
Cũng theo chị Hằng, trong khi thịt gà thả vườn có giá chỉ từ 90.000-100.000 đồng/kg, nhưng vào mùa ve sầu giá mỗi kg ve được thương lái thu mua từ 160.000-180.000 đồng/kg, bán ra từ 200.000-250.000 đồng/kg, tùy thời điểm ve nhiều hay ít, ve ngon hay dở, ve lột xác hay ve sữa, và tùy khách có thích hay không. Trước kia ở chợ Đồng Xoài có một số sạp bán ve sầu, nhưng hiện nay rất hiếm, thời điểm này muốn ăn thì phải quen biết những người chuyên bán ve sầu, vì họ có tủ đông dự trữ cả năm, và giá luôn đắt hơn thịt gà.
Có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày từ ve sầu
Về lý do tại sao người đi soi ve thường lấy luôn cả xác ve? Chị Hằng chia sẻ: “Đối với xác ve khô được thương lái mua với giá 500.000 đồng/kg trở lên. Sau đó họ bán lại cho những người mua về làm thuốc với giá 1 triệu đồng/kg, hoặc hơn nữa vì tùy theo nhu cầu của khách”.
Còn ông Nguyễn Quốc An (SN 1956, ngụ xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết, vào mùa thu hoạch điều, ban ngày ông đi nhặt điều, đêm xuống ông đi bắt ve sầu để cải thiện bữa ăn và bán kiếm tiền.
“Mùa ve sầu năm ngoái, mỗi đêm ở trong rẫy tôi bắt được từ 8-10 kg, chừa 1 chút làm thức ăn và mồi nhắm rượu, số còn lại đem bán cũng được hơn 1 triệu đồng/ngày. Nhưng năm nay do nhiều chủ rẫy hạ cây điều để trồng loại cây khác nên chỉ bắt được khoảng 1-2 kg/đêm”, ông An nói.
Theo ông An, ve sầu đem chiên lên ăn có mùi rất thơm và giòn. Loại ăn ngon nhất phải là ve mới lột xác, lúc này thân ve mềm như con nhộng tằm. Sau khi thoát xác, thân ve sầu trong suốt rất đẹp, nhưng dễ bị tổn thương nếu dính nước. Do đó, ve sầu không bao giờ chui lên mặt đất khi trời mưa.
“Ấu trùng ve sầu thường làm ổ dưới lòng đất ở độ sâu khoảng 0,5-1m. Quá trình ve chui lên mặt đất phải bò qua quãng đường có nhiều vi khuẩn. Do đó để không bị ngộ độc khi ăn ve sầu, phải ngâm với nước muối khoảng 20 phút sau khi bắt ve, để chất bẩn bám theo con ve được rửa sạch rồi mới vặt cánh, tưới nước sôi thêm một lần rồi đưa lên chảo để chiên”, ông An chia sẻ.
Nhiều bài thuốc hữu hiệu từ xác ve sầu
Lương y Đinh Văn Thắng (SN 1972, ngụ quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết, đời sống của ve sầu khi còn là ấu trùng sống dưới lòng đất (đặc biệt tại các gốc cây cổ thụ, và đây cũng lý giải vì sao những cây cổ thụ có rất nhiều ve sầu kêu) có tuổi thọ 5 năm, và có một số loài sống khoảng 12-13 năm (nhưng rất ít, trừ loài Magicicada).
Tuổi đời thực của ve sầu sau khi thoát xác chỉ khoảng 30-40 ngày sống trên các ngọn cây, giao phối rồi đẻ trứng, kêu la rồi chết. Đây có thể xem là 2 giai đoạn sống của ve sầu. Trứng ve nở rơi xuống đất, ấu trùng ve tự đào hố ở ẩn và bắt đầu quãng đời mới. Cũng theo lương y Đinh Văn Thắng, trong đông y gọi vị thuốc từ xác ve sầu là “Trách thiền”, “Kim thiền” hay “Kim thuyền”, tên khoa học Cryptotympana japonica Kate, thuộc họ Ve sầu-Cicadidae.
“Theo đông y, xác ve sầu được dùng điều chế thành 9 bài thuốc. Cụ thể, trị đau đầu, chóng mặt, ù tai; trị phong tà làm cho mắt sưng đau; trị mắt có màng mộng; trị trẻ nhỏ bị sốt cao co giật; trị ôn bệnh mới phát, cơ thể và các khớp đau nhức, sợ lạnh, không có mồ hôi, mạch phù, hoạt; trị mụn nhọt thể dương mới phát ở vùng đầu mặt; trị mụn nhọt lở loét; trị lao hạch (loa lịch); trị cảm, ho, khàn tiếng, mất tiếng. Ngoài 9 bài thuốc nêu trên, còn một vị thuốc nữa là nhộng ve (ve sầu non chưa mọc cánh) đem ngâm rượu uống bổ thận tráng dương, hoặc tẩm bột chiên giòn nhậu rất ngon” - Lương y Đinh Văn Thắng cho biết.