Nuôi con kêu ộp ộp, phải thức cả đêm để “kèm”, một nông dân Quảng Nam thu lãi 200 triệu đồng

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ hai, ngày 03/07/2023 18:00 PM (GMT+7)
Từng là một Bí thư đoàn năng nổ, đi đầu trong các phong trào thanh niên lập nghiệp, đến nay, anh nông dân Lê Văn Thành (47 tuổi, trú khối phố Quảng Gia, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã vươn lên làm giàu với nghề nuôi ếch, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Bình luận 0

Khởi nghiệp trên đất cát

Lập gia đình năm 1998, anh Thành bắt đầu nghiên cứu nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế. Khi đó, anh chọn lập nghiệp với mô hình nuôi cá nước ngọt, nhưng sau nhiều năm, nhận thấy chi phí nuôi cá khá lớn, thường gặp khó khăn về đầu ra và nhiều lần mất trắng do lũ nên anh quyết định chuyển hướng.

Nuôi con kêu ộp ộp, phải thức cả đêm để “kèm”, một nông dân Quảng Nam thu lãi hàng trăm triệu  - Ảnh 1.

Anh Lê Văn Thành đã gắn bó với mô hình nuôi ếch giống và ếch thương phẩm gần 10 năm nay. Ảnh: T.N.

Anh Thành tâm sự: "Khoảng năm 2014, biết mô hình nuôi ếch ở nhiều địa phương phát triển mạnh nên tôi đánh liều nuôi thử. Sau khi tự học hỏi kỹ thuật nuôi, tôi tận dụng hồ xi măng nuôi cá lóc để chuyển sang làm hồ nuôi ếch, số lượng ban đầu khoảng 2.000 con giống/20m2".

Với lợi thế gần biển, anh tận dụng nguồn thức ăn tôm, cá vụn khai thác từ biển để nuôi ếch.

Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc nên ếch bị bệnh, chậm lớn và hao hụt một phần. Nhưng sự cố gắng của anh cũng được đền đáp khi sau 3 tháng thả nuôi, đàn ếch phát triển tốt. Thấy mô hình nuôi ếch đầy triển vọng, ếch thương phẩm trên thị trường có giá tương đối cao nên anh quyết định mở rộng mô hình.

Nuôi con kêu ộp ộp, phải thức cả đêm để “kèm”, một nông dân Quảng Nam thu lãi hàng trăm triệu  - Ảnh 2.

Từ 1 hồ nuôi thử nghiệm ban đầu, đến nay anh đã mở rộng diện tích nuôi ếch lên 21 hồ. Ảnh: T.N.

Anh Thành cho biết, ếch ưa sống trong môi trường mát mẻ, nên hồ nuôi cần bố trí mái che để cản bớt ánh nắng. Thành hồ cao từ 1,2-1,5m để tránh ếch nhảy ra ngoài, ở giai đoạn ếch còn nhỏ thì nên rào lưới che chắn trại để hạn chế kẻ thù như chim, mèo, rắn phá hại.

Nếu trời nắng kéo dài, thì che thêm lưới đen để làm mát hồ và chỉ che một phần vì ếch là loài lưỡng cư nên rất cần hấp thụ ánh sáng để tắm nắng, sưởi ấm cơ thể. Môi trường xung quanh phải yên tĩnh, tránh ồn ào, xáo động làm ếch hoảng sợ, lẩn trốn, ít ăn mồi nên chậm lớn.

Nuôi con kêu ộp ộp, phải thức cả đêm để “kèm”, một nông dân Quảng Nam thu lãi hàng trăm triệu  - Ảnh 3.

Anh Thành chọn những con ếch bố mẹ to, khoẻ mạnh để lai tạo, giúp tiết kiệm chi phí và chủ động nguồn giống nuôi ếch. Ảnh: T.N.

Nuôi con kêu ộp ộp, phải thức cả đêm để “kèm”, một nông dân Quảng Nam thu lãi hàng trăm triệu  - Ảnh 4.

Anh Thành cho ếch ăn cám viên và bổ sung cá tươi để ếch nhanh lớn, khoẻ mạnh. Ảnh: T.N.

Chia sẻ điều quan trọng nhất giúp nuôi ếch thành công, anh Thành nói: "Nuôi ếch không khó, chỉ cần chăm chỉ là được. Đặc biệt là phải luôn giữ cho môi trường nước sạch sẽ, không có mùi hôi, thay nước 2 lần/ngày. Vì nước hồ có thể thẩm thấu qua da ếch, cho nên nếu sống trong môi trường nước bẩn, ếch sẽ dễ nhiễm nhiều bệnh".

Để ếch phát triển đều, nhanh lớn và ít bị chết, thì sau khoảng 1 tháng nuôi anh sẽ lựa và tách ra nuôi những con giống đồng cỡ, cùng trọng lượng. Loại lớn vượt đàn sẽ cho ở bể riêng, loại nhỏ hơn cho ở cùng nhau.

Nuôi con kêu ộp ộp, phải thức cả đêm để “kèm”, một nông dân Quảng Nam thu lãi hàng trăm triệu  - Ảnh 5.

Anh Thành chỉ nuôi ếch trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 là nghỉ, vì vào mùa mưa lạnh ếch sẽ chậm lớn. Ảnh: T.N.

Việc chia tách như vậy sẽ giúp tránh tình trạng ếch lớn lấn lướt và cắn hại ếch bé, đồng thời để tăng giảm thức ăn phù hợp với từng bể nuôi và bể nào ếch vượt đàn thì bán trước rồi lần lượt bán các bể tiếp theo.

Thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm nhờ nuôi ếch

Ếch là loài vật dễ nuôi, ít bị bệnh, đem lại lợi nhuận cao bởi thịt ếch là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng được nhiều người ưa chuộng, chi phí đầu tư nuôi ếch không cao và kỹ thuật nuôi không khó.

Anh Thành chỉ nuôi ếch trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 là nghỉ, vì vào mùa mưa lạnh ếch sẽ chậm lớn. Mỗi năm anh chỉ nuôi 2 lứa, mỗi lứa nuôi trung bình khoảng 65 ngày là xuất bán ếch thịt.

Nuôi con kêu ộp ộp, phải thức cả đêm để “kèm”, một nông dân Quảng Nam thu lãi hàng trăm triệu  - Ảnh 6.

Mỗi năm anh Thành chỉ nuôi 2 lứa, xuất bán 20 tấn ếch thịt, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Ảnh: T.N.

Ếch là loài ăn tạp nên chúng có thể ăn các loại thức ăn như tôm, cá tạp, nội tạng động vật, trùn quế, giun đất…. Anh chủ yếu cho ếch ăn cám viên và bổ sung thức ăn cá tươi 2-3 lần/tuần để ếch nhanh lớn.

Mỗi ngày anh Thành cho ếch ăn 2 lần, trước khi cho ăn anh sẽ thay nước, vệ sinh bể để tránh cám ngấm nước bẩn hoặc ếch đớp phải phân gây nên các bệnh về đường ruột.

Anh Thành bộc bạch: "Khi cho ếch ăn chỉ nên cho vừa đủ và tranh thủ quan sát tình trạng sức khoẻ của đàn, nếu dịch bệnh xảy ra trên các cá thể thì phải nhanh chóng xử lý. Ếch thường mắc các bệnh như tụ huyết trùng, lở loét đỏ chân, sình bụng, mù mắt, đốm trắng....

Nuôi con kêu ộp ộp, phải thức cả đêm để “kèm”, một nông dân Quảng Nam thu lãi hàng trăm triệu  - Ảnh 7.

Thời gian sinh trưởng của ếch đến khi xuất bán thịt kéo dài khoảng 65 ngày. Ảnh: T.N.

Đặc biệt khi trời mưa bất thường sẽ khiến ếch bị bệnh mù mắt, nếu không chữa trị kịp ếch sẽ chết và lây lan rất nhanh. Thỉnh thoảng nên trộn men tiêu hóa vào thức ăn để hỗ trợ tiêu hóa, tăng tốc độ sinh trưởng cho ếch và trộn vitamin C định kỳ để tăng sức đề kháng".

Để tiết kiệm chi phí và chủ động trong việc nuôi ếch, anh Thành bắt đầu mày mò, học cách tự nhân giống ếch. Anh tìm đọc kiến thức qua sách báo, mạng internet rồi chọn những con ếch bố mẹ khỏe mạnh để lai tạo.

Thời điểm ếch giao phối, anh phải túc trực cả ngày lẫn đêm tại trại để "kèm" giống, duy trì tỷ lệ phối giống 1:1, nhằm đảm bảo đạt được những con giống chất lượng và khỏe mạnh.

Anh Thành chia sẻ: "Hiện nay tôi có 6 hồ ếch bố mẹ, để ếch có thể sinh sản quanh năm thì tôi làm hệ thống phun mưa nhân tạo như lúc mưa ngoài tự nhiên, kích thích ếch đẻ trứng. Đặc biệt, nên bổ sung cho ếch cái nhiều thức ăn cá tươi để sung trứng và chỉ nên tạo mưa khi thấy ếch cái mang trứng đã già, đủ ngày tháng, để tránh trứng bị non, tỷ lệ nở con thấp hoặc ếch giống không được khoẻ mạnh".

Nuôi con kêu ộp ộp, phải thức cả đêm để “kèm”, một nông dân Quảng Nam thu lãi hàng trăm triệu  - Ảnh 8.

Ngoài nuôi ếch giống và ếch thịt, anh Thành còn nuôi cá nước ngọt và trồng sen lấy hạt trên diện tích 3,5ha. Ảnh: T.N.

Nuôi con kêu ộp ộp, phải thức cả đêm để “kèm”, một nông dân Quảng Nam thu lãi hàng trăm triệu đồng - Ảnh 9.

Khi ếch nở thì sau ương 35 ngày anh có thể xuất bán ếch giống, với giá 1.000 đồng/con. Điều đó không chỉ giúp anh tiết kiệm được chi phí con giống mà còn cung cấp cho thị trường từ 10.000-20.000 con ếch giống mỗi năm.

Hiện nay, trên diện tích vườn rộng hơn 7.000m2, anh Thành có tổng 21 hồ nuôi ếch, xuất bán hơn 20 tấn ếch thương phẩm với giá 50.000-70.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, anh còn nuôi cá nước ngọt và trồng sen lấy hạt trên diện tích 3,5ha. Với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế và ý chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Thành là một nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của địa phương, trang trại của anh là địa điểm được nhiều người tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem