Đền Thánh Nguyễn đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989.
Đền Thánh Nguyễn có gì đặc biệt?
Đền Thánh Nguyễn thờ Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành (1073-1141), người làng Điềm Xá, thuộc phủ Tràng An xưa (nay thuộc xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Clip: Đền Thánh Nguyễn thờ Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Theo truyền thuyết, ông Nguyễn Minh Không là vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Không còn là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu…là thầy thuốc tài giỏi lúc bấy giờ.
Năm 1136, vua Lý Thần Tông hai mươi tuổi bị bệnh nặng. Lúc đó, trong cung không ai chữa khỏi, triều đình triệu nhà sư Nguyễn Minh Không vào cung và đã chữa khỏi bệnh lạ cho vua. Qua đó, được vua kính trọng phong là Quốc sư, chức vị cao nhất trong hệ thống tăng quan nhà Lý.
Ông Phạm Văn Lưu (xóm 4, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn), hiện đang làm trong ban khánh tiết đền Thánh Nguyễn kể: "Theo truyền thuyết khoảng năm 1121, ông Nguyễn Minh Không đã về quê Đàm Xá xây dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Phật, tên là Viên Quang (Viên Quang tự) để tu tập và hành đạo cứu người".
"Tháng 8 năm 1141, Quốc sư Nguyễn Minh Không mất, người đời sau tôn ông là Đức Thánh, để tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã chuyển chùa Viên Quang thành nơi thờ tự Ngài", ông Lưu kể thêm.
Lễ hội đền Thánh Nguyễn diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 8-10/3 âm lịch). Đây là dịp nhân dân địa phương tri ân đức Thánh Nguyễn Minh Không, người con của đất Gia Viễn. Lễ hội chính được tổ chức 5 năm một lần hoặc 10 năm một lần (tùy theo điều kiện kinh tế).
Đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), nằm trên mảnh đất dài 100m, rộng hơn 40m, xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Đền quay hướng Nam, nằm song song với đường Tiến Yết, hướng về Cố đô Hoa Lư nên được xem như một di tích thuộc "Hoa Lư tứ trấn". Công trình là điển hình kiến trúc của thời Hậu Lê, vừa hài hòa, vừa trang nghiêm.
Đầu tiên khi vào đền Thánh Nguyễn là Vọng Lâu được xây dựng trên nền chùa Viên Quang tự mà Nguyễn Minh Không đã lập vào năm 1121. Mặt trước Vọng Lâu đắp "Lưỡng long chầu nguyệt", mặt sau đắp "Phượng hàm thư" là hai chim phượng ngậm cuốn thư. Vọng Lâu kiến trúc mở nên không có các cánh cửa. Mặt trước và mặt sau đều có những bức Hoành phi và câu đối cổ.
Ngoài ra, bên hồi trái Vọng Lâu là cây sách, bên phải là cây đèn đá đều là hình lục giác cao hơn 1m đặt trên bệ đá, là biểu tượng của trí tuệ. Đền Thánh Nguyễn có bốn tòa kiến trúc theo kiểu "tiền nhất hậu công". Tiền Bái 5 gian có bốn hàng cột, vì kèo theo kiểu "Thượng rường hạ kẻ". Mái lợp bằng ngói ta không có màu, mũi lượn tròn, phía dưới là ngói chiếu.
Trong Tiền Bái có 5 bức cửa võng, đều được sơn son thếp vàng, chạm lưỡng long chầu nguyệt và tứ linh rất sinh động. Gian giữa trên cao ở phía ngoài có cuốn thư chạm khắc 4 chữ Hán "Thiên Khải Thánh sinh" (có nghĩa là Trời sinh ra Thánh). Phía trong treo bức đại tự "Tối Linh Từ" (Đền tối linh thiêng). Các cột trong Tiền bái đều được treo nhiều câu đối ca ngợi công đức của Nguyễn Minh Không.
Tiếp đến là Tòa đệ nhị với kiến trúc mang đậm kiến trúc dân gian độc đáo, hai mái giao nhau rất khớp về độ cao, ăn ý, hài hòa với nhau. Hai tòa đệ nhất và đệ nhị liền nhau tạo cho Tiền Bái có một không gian rộng và sâu.
Trong cùng là Chính tẩm năm gian theo phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ thứ XVII. Gian giữa có bài vị thờ Nguyễn Minh Không. Gian phía Đông của Chính tẩm có ban thờ bài vị Khải Thánh (thờ cha mẹ Nguyễn Minh Không). Gian phía Tây có ban thờ bài vị Tô Hiến Thành, người có tính cương trực, trọng nghĩa, khinh tài, một lòng trung thành vì dân, vì nước.
Ngoài các hiện vật cổ quý báu đền Thánh Nguyễn còn lưu giữ 50 bản sắc phong thời Lê và Nguyễn. Kiến trúc ngôi đền thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân xưa, hòa nhập với núi sông, mây trời ở vùng Cố đô Hoa Lư tạo thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Di tích lịch sử văn hóa đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989.
Sau khi chữa bệnh "hóa hổ" cho vua Lý Thần Tông và được ban quốc tính họ Lý, phong làm Quốc sư, được nhà vua cấp cho nhà ở, được miễn thuế má. Ông còn được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Ông cũng là một vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam. Hiện nay ở vùng châu thổ sông Hồng có rất nhiều nơi còn đền thờ ông như ở Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang...