Lần đầu tiên chứng kiến phong trào nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân lần đầu tiên livestream bán hàng trên không gian mạng. Điều này đã thúc đẩy thị trường thương mại điện tử nông thôn.
Đến nay, đã có rất nhiều sàn thương mại điện tử tham gia hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các gian hàng số; các địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng coi việc bán hàng, quảng bá nông sản trên các nền tảng số là một trong những mục tiêu quan trọng nên đã xây dựng các chương trình hỗ trợ cụ thể.
Thống kê từ sàn thương mại trực tuyến Shopee cho thấy, từ năm 2019 đến 2021, tổng giá trị các sản phẩm bán ra của Shopee đã tăng gần 4 lần, từ 424.000 tỷ đồng lên đến 1.483.000 tỷ đồng. Đồng thời, số lượng đơn mua hàng trên Shopee đã tăng gấp 5 lần, đạt tổng 6 tỷ đơn trong năm 2021. Như vậy, cứ mỗi giây có hơn 250 đơn hàng được bán ra trên Shopee. Kết quả này cho thấy kinh doanh qua TMĐT sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các startup trẻ trong việc thúc đẩy khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản trên các nền tảng số, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị online với chủ đề: "Kết nối hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số".
Tham gia Hội nghị có:
- Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.
- Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp
Ở các điểm cầu kết nối trực tuyến có:
- Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, chủ nhân của thương hiệu Bơ Ông Hoàng do chính anh Hoàng xây dựng và phát triển.
- Bà Phạm Thị Ngọc Tuyền - Đại diện ngành hàng TikTok Shop.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Hoài, Phó tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay chia sẻ: "Đây là hội nghị online rất ý nghĩa, mang tính thời sự, lần đầu tiên báo NTNN phối hợp Cục Phát triển thị trường (Bộ KHCN) thực hiện đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số.
Thực hiện Đề án này, báo NTNN/Dân Việt sẽ tham gia 4 hoạt động: Truyền thông về các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; tổ chức hội nghị offline tại các địa phương nhằm hỗ trợ thanh nhiên khởi nghiệp; tổ chức triển lãm, ngày hội, hội chợ giới thiệu sản phẩm của họ tới đông đảo người tiêu dùng; tổ chức hội nghị hỗ trợ thanh niên startup.
Đây là hội nghị online đầu tiên và trong năm nay sẽ có 6 hội nghị như vậy được tổ chức tại báo NTNN/Dân Việt nhằm truyền thông, hỗ trợ việc đào tạo, kêu gọi kết nối quảng bá sản phẩm của các startup.
Sau dịch Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, trong ối cảnh đó thì chuyện khởi nghiệp trên các nền tảng số phát huy hiệu quả rõ rệt và đang phát triển rất mạnh, do đó Báo NTNN/Dân Việt tổ chức hội nghị nhằm kết nối các startup với các chuyên gia, doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả, bền vững hơn".
Có thể thấy, quảng bá, kinh doanh nông sản trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử là một xu hướng đang được nhiều startup lựa chọn đến khởi nghiệp và không ít bạn trẻ đã bước đầu thành công.
Tại hội nghị, với vai trò là Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, bà Nguyễn Thị Thành Thực đã có những chia sẻ về tiềm năng khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản của các startup, các bạn trẻ trên các nền tảng số.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nhận định: Có thể nói rằng việc ứng dụng thương mại điện tử, đặc biệt nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch đã mang lại kết quả vô cùng to lớn. Ban đầu các bạn trẻ khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp có thể nói rằng vô cùng khó khăn, rủi do… Chúng tôi thấy các bạn khởi nghiệp đã vân dụng khá tốt các nền tảng xã hội, thương mại điện tử. Tại Hội nghị này, tôi rất tự hào khi bạn Đặng Dương Minh Hoàng, là một trong những bạn khởi nghiệp có thể nói là thành công nhất trong năm 2022. Trong thành công của bạn Hoàng thì chúng tôi đã tham gia xây dựng mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp số ở Bình Phước.
Tại Hội nghị này, tôi muốn nhấn mạnh, các bạn trẻ khi khởi nghiệp, khi sử dụng nền tảng xã hội, truyền thông trên mạng, thương mại điện tử thì rất nhanh và rất dễ, không quá tốn kém, nhưng để thành công được đòi hỏi gốc rễ của sự hiểu biết, cũng như xây dựng sản phẩm, phương án phải rất chỉn chu.
Cách đây hơn 1 năm khi chúng tôi xây dựng HTX dịch vụ nông nghiệp số ở Bình Phước thì bạn Đặng Dương Minh Hoàng là giám đốc HTX, các bạn cũng có nền tảng căn cơ nhưng còn khá lúng túng trong xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình thức.
Sau 1 năm gặp nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt, HTX dịch vụ nông nghiệp số ở Bình Phước dưới sự dẫn dẵn của Hoàng nhiều trang trại trồng sầu riêng đã được phía Trung Quốc đánh giá rất cao. Đây là niềm tự hào của chúng tôi cũng như của các bạn trẻ khi khởi nghiệp.
Thông qua Hội nghị này chúng tôi mong muốn các bạn trẻ khi khởi nghiệp cần học hỏi, trau dồi kinh nghiệp, kiến thức pháp luật, làm chủ công nghệ…
Thời gian qua, Tik Tok Việt Nam đã có nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ thanh niên, nông dân mở các gian hàng số, livestream quảng bá, kinh doanh nông sản; mới đây nhất là hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
Tham gia hội nghị, bà Phạm Thị Ngọc Tuyền - Đại diện ngành hàng TikTok Shop Việt Nam chia sẻ về hiệu quả của việc quảng bá, kinh doanh nông sản trên nền tảng số.
Theo bà Tuyền, Tik Tok Shop có mặt ở Việt Nam từ tháng 3/2022, ngoài Việt Nam Tik Tok Shop cũng có mặt ở các thị trường Phillipin, Indonesia, Malaysia... Tik Tok là nền tảng mạng xã hội có lưu lượng truy cập tự nhiên rất lớn. Tik Tok vốn là nền tảng giải trí nên việc mục đích của những người lập tài khoản Tik Tok ban đầu là giải trí. Tuy nhiên, do nhu cầu và xu hướng phát triển mà việc bán hàng trên Tik Tok dần dần hình thành và trở nên phổ biến như hiện nay.
Điểm khác biệt của TikTok Shop so với các nền tảng bán hàng khác, đó là khách truy cập để giải trí và có sau đó có nhu cầu mua hàng, khác với các nền tảng khác là có nhu cầu mới vào mua. Do đó, TikTok Shop có thể giúp cho những người kinh doanh có điều kiện tiếp cập nhanh hơn, rộng hơn tới các đối tượng khách hàng.
Bên cạnh đó, đối với Tik Tok thì khi làm thương hiệu hay giải trí đều cùng trên một nền tảng nên tính hiệu quả cao hơn. Bán hàng đặc sản nông sản trên Tik Tok đã có từ lâu, Tik Tok cũng khá tự hào vì có nhiều người bán hàng hiệu quả, kể cả những người đã lớn tuổi vẫn kinh doanh rất thành công. Và vì thực hiện bán hàng bằng các đoạn video, livestream nên tính quảng bá cũng chân thực, đáng tin cậy hơn.
Là một trong những diễn giả tham gia hội nghị, nông dân Đặng Dương Minh Hoàng - một doanh nhân khởi nghiệp (start-up businessman) - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm điều hành Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc chia sẻ: "Hiện tại Hoàng đang được chọn làm Chủ nhiệm điều hành Mạng lưới Lương Đình Của toàn quốc – mạng lưới này tập hợp những nhà nông trẻ xuất sắc ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Thông qua mạng lưới Lương Đình Của, các nhà nông trẻ xuất sắc đã kết nối cung cầu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Về phía Hoàng cũng đã chia sẻ và học tập được nhiều kinh nghiệm từ những nhà nông xuất sắc khác.
Với phương châm muốn đi xa thì đi cùng nhau, bản thân Hoàng và chị Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã kết nối các những nhà nông trẻ thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước. HTX đã có những thành tích, thành tựu nhất định đã giúp cho những thành viên xây dựng thương hiệu riêng. Xuất phát từ bản thân Hoàng cũng đã thành công với HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, Hoàng đang kết nối với các anh em ở Mạng lưới Lương Đình Của đã nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp số trên toàn quốc. Đây đều là những anh em trẻ, có đam mê, có tiềm lực nhất định, có khả năng ngoại ngữ, có kiến thức nông nghiệp".
Từ câu chuyện của mỗi người trẻ khởi nghiệp, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy - một trong những diễn giả tham gia hội nghị nhận định: Phải thừa nhận chuyện khởi nghiệp bán hàng online đang là câu chuyện hot, phù hợp với lớp trẻ. Thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam là có 4 mùa hoa trái, mùa nào cũng có sản phẩm đặc sản dồi dào, việc bán hàng onilne giải quyết được việc làm cho nhiều người, có thu nhập lớn, khai thác tốt lợi thế nông nghiệp vùng miền. Đặc biệt, nếu gắn với du lịch thì sẽ cực kì hiệu quả, giúp người tiêu dùng kết nối được với nông sản ở các vùng miền khác nhau.
Ấn tượng của tôi là các hợp tác xã, chủ hộ, chủ trang trại có sản phẩm đặc thù riêng biệt đã ăn nhập với thị trường rất nhanh. Ví dụ một số thanh niên dân tộc thiểu số trên trên Bắc Kạn đã nhờ mạng kết nối được với thị trường, đưa nông sản từ miền núi về với đồng bằng và tiêu thụ rất tốt.
Thị trường online phù hợp với các bạn trẻ bởi tích hợp được nhiều tiện ích: Thanh toán, vận chuyển, so sánh sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các bạn đang đi đúng hướng nhưng có vẻ mới tập trung 3 vấn đề: sử dụng phầm mền; bán được hàng và thu hút nhiều người xem. Tuy nhiên, trong quá trình bán hàng còn hạn chế, nhất là trong khâu tìm nguồn hàng và xác định khách hàng chủ đích, nên hầu hết việc bán hàng trên nền tảng số hiện nay mới là tổng hợp và bán nông sản, còn nông sản nhằm vào mục tiêu có chủ đích chưa được các bạn thực sự quan tâm.
Bên cạnh đó, khâu tương tác với khách hàng, giải quyết các vấn đề với khách hàng còn yếu mà mới tập trung bán hàng. Thiếu nhân lực giải đáp các vấn đề với khách hàng, khi thiếu vấn đề này thì tính truyền thông về mặt hàng sẽ bị hạn chế. Do đó, việc phát triển thị trường, kết nối học tập và trao đổi của các bạn vẫn còn khá khiêm tốn.
Tại hội nghị, Tiktoker Nguyễn Thị Tường Thảo (Kênh TikTok Thảo Mola của “Món lạ vườn nhà” với gần 180.000 lượt theo dõi và 1,5 triệu lượt thích đến từ Đà Lạt (Lâm Đồng) chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở Ka Đô, Đơn Dương - thủ phủ rau của tỉnh Lâm Đồng. Tuổi thơ của tôi không chỉ có những ruộng vườn xanh mướt quanh nhà, mà còn gắn bó với sạp rau nhỏ trong chợ quê của mẹ, trong sâu thẳm, tôi luôn dành một tình yêu đặc biệt đối với nông sản.
Khi trưởng thành, tôi là một kỹ sư hóa học, từng có thời gian làm việc trong phòng kiểm định hóa chất của một công ty nước ngoài ở TP Hồ Chí Minh với mức lương không hề thấp. Thế nhưng, tình yêu với nông sản khiến tôi đưa ra quyết định “trở về”, trở về khởi nghiệp với nông nghiệp.
Mơ ước của tôi là được làm chủ của một cửa hàng rau sạch. Ở đó, tôi được chú tâm, chăm chút vào từng sản phẩm, chia sẻ với mọi người về lối sống và ăn uống healthy (lành mạnh, cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể…).
Tháng 9/2022, tôi bước thêm bước nữa trên hành trình thực hiện ước mơ của mình bằng quyết định nghỉ việc, trở về quê hương Lâm Đồng và xin làm thuê lại HTX Vườn nhà Đà Lạt. Làm việc tại HTX đã giúp tôi tiếp cận nguồn nông sản sạch, tìm hiểu về quy trình trồng và chăm sóc rau, củ để có thể hiểu rõ hơn. Tại HTX tôi làm công việc đóng rau.
Những ngày đầu làm việc, tôi nhận thấy tuy quy mô HTX rất lớn, với hàng chục nhân viên, mỗi năm trồng cả trăm loại rau, củ, quả khác nhau nhưng quy trình làm việc còn theo lối truyền thống, lạc hậu. HTX có website, có fanpage nhưng không chăm sóc, chỉ cập nhật vài tấm hình rất cũ. Một lần nghe chị Yến Vân chia sẻ mong muốn xây dựng một cộng đồng ăn uống healthy và đây là con đường mà tôi đang hướng đến. Vậy là tôi xung phong nhận việc, từ đó cũng đã tạo nên những sự đổi mới. Tôi nghĩ thời đại 4.0 nếu chỉ duy trì cách bán hàng hiện tại thì chắc chắn HTX sẽ bị đi lùi.
Tôi bắt đầu chăm sóc lại fanpage, trang web, chăm chút từng tấm hình. Đặc biệt, nhận thấy sức mạnh của trang mạng xã hội chuyên về các video ngắn tiktok, Tôi nảy ra ý tưởng bán lẻ nông sản trên mạng xã hội đang có nhiều ưu thế này. Tôi tự tạo kênh tiktok “Món lạ vườn nhà”, tự quay, dựng và up video lên với mục đích giới thiệu cho nhiều người biết về những sản phẩm nông sản độc lạ mà HTX Vườn nhà Đà Lạt đang có.
Từ các video giới thiệu về ớt trái cây sweet palermo, chanh dây Nam Mỹ, cà rốt cầu vồng, ớt móng tay,... sau chưa đầy 2 tháng lập kênh, tôi đã có video trên 4 triệu lượt xem. Đặc biệt, video giới thiệu bí sợi mì với hơn 5 triệu lượt xem như trở thành một hiện tượng mạng. Có ngày tôi nhận được cả nghìn tin nhắn hỏi mua loại bí này. Lần đầu tiên mở tính năng livetream bán hàng, chỉ sau 15 phút, tôi chốt được gần 1.000 đơn hàng.
Nhờ cách bán hàng qua nền tảng mạng xã hội, doanh thu của HTX tháng cao nhất đạt 1,2 tỷ đồng.
Không chỉ Thảo Mola mà còn có rất nhiều các bạn trẻ khác cũng tham gia khởi nghiệp, quảng bá nông sản địa phương trên nền tảng mạng xã hội khác như Chảo Thị Yến (chaoyenofficial), Diệu Linh (daohaisanvn),...
Xuất thân là dân nghiên cứu, học thạc sĩ chuyên ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững nên những kiến thức về công nghệ số hay bán hàng online với Chảo Thị Yến - Nữ Thạc sĩ 9X người dân tộc Dao Tuyển, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai gần như là số 0.
Chia sẻ với Dân Việt, Chảo Yến kể lại: "Đến khi tham gia Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức, em đã có suy nghĩ khác và bắt đầu với con đường khác hoàn toàn với mục tiêu ban đầu của em. Kênh của em xây dựng với mục đích truyền cảm hứng nhưng khi bản thân mình chưa thực sự thành công và có những thành quả thiết thực giúp cộng đồng thì mãi mãi chỉ là "cảm hứng" trên giấy mà thôi. Vì thế, em quyết định khởi nghiệp, phải làm giàu, kiếm được tiền và tạo được sinh kế cho cộng đồng thì mới có chỗ đứng nhất định. Khi có chỗ đứng thì tiếng nói của em mới có trọng lượng hơn. Do đó, em đã quyết định bán hàng trên Tik Tok. Việc bán hàng trên Tik Tok với em vẫn còn mới lạ và chập chững những bước đầu, hiện tại doanh số chưa nhiều và sản phẩm cũng chưa đa dạng, em cũng mới nộp hồ sơ thành lập HTX ngày hôm qua nên chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn, nhưng em tin mình sẽ làm được. Nhất là qua đợt livestream bán vải vừa qua ở Bắc Giang, em đã rất tự tin và có thêm động lực để tiếp tục con đường đã chọn.
"Thực tế, ngay từ mùa Covid, em đã nhìn thấy tiềm năng bán hàng trên Tik Tok nhưng em lại không có sản phẩm để bán, trong khi bà con nông dân có hàng bán nhưng chưa biết cách làm video Tik Tok. Do đó, em đã có hướng dẫn cho các nhóm nông dân để họ bước đầu tiếp cận với nền tảng bán hàng số này. Tuy nhiên, hiệu quả cũng chưa thực sự như mong đợi, đó chính là lý do mà em nghĩ mình phải tiên phong, đi đầu, làm được thì mới khuyến khích được người dân quê em làm theo. Giá trị lớn nhất mà khi tham gia bán hàng trên Tik Tok của em chính là vượt qua chính mình. Trước đây, em vẫn nghĩ việc livestream bán hàng khiến "giá trị" bản thân đi xuống, sao mình là thạc sĩ học ở nước ngoài về mà phải ngồi bán hàng livestream. Nhưng khi live thì thấy hiệu quả rất to lớn, và thấy việc làm này có thể mang lại hiệu quả rất to lớn cả về mặt hình ảnh lẫn lợi nhuận kinh tế và tạo sinh kế cho cộng đồng thì không lý do gì mà không tiếp cận" - Chảo Thị Yến chia sẻ thêm.
Tại hội nghị, Tiktoker Nông Cẩm Quỳnh chia sẻ: Tôi đã từng sống và làm việc ở Hà Nội một thời gian dài. Sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí – Tuyên truyền, tôi có một công việc ổn định (làm truyền thông cho 1 công ty), lương khá cao tại Hà Nội. Sau 1 thời gian học tập, làm việc ở Hà Nội, tôi quyết định về quê ở Tuyên Quang lập nghiệp. Thực sự, lúc đầu về quê với tôi khá khó khăn, bố mẹ phản đối rất nhiều, nghe đến bán sản phẩm nông sản bán online thì người dân địa phương không tin tưởng. Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành, vận chuyển nông sản tới tay khách hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Khi tôi quay nông sản rất tươi, rất ngon, nhưng khi vận chuyển hoa quả tới tay khách hàng lại bị dập nát. Thực sự lúc đầu khởi nghiệp tôi rất áp lực.
Đến nay, tôi đã bán 15 sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang như sắn dây, măng nứa, mơ, chè đậu đen, thịt, lạp xưởng…. Tôi bán hàng trên tiktok từ năm 2019 và mặt hàng tôi bán đầu tiên đó là sâm đất. Tôi đã bán được 100 tấn sâm đất trong 1 tháng. Hay trong 1 tháng tôi cũng bán được hơn 3 tấn mơ. Khách hàng trong miền Nam họ rất thích quả mơ. Để tăng tương tác, thu hút khách hàng, tôi đã làm rất video cho người xem để họ thấy thích, thấy ấn tượng, tạo thành các trend về nông sản.
Hay để quảng bá sản phẩm măng nứa của Tuyên Quang đến khách hàng tôi đã vào tận bản, ở trong bản 1 tháng trời để tìm hiểu rõ về sản phẩm măng nữa Tuyên Quang, tại sao giá măng nứa Tuyên Quang lại cao hơn so với các tỉnh thành.
Hiện nay tôi đã xây dựng 4 kênh tiktok, trong đó có 2 kênh tiktok hoạt động hiệu quả, đó là Nông sản Tuyên Quang, Nông sản của Quỳnh. Một trong khó khăn hiện nay nữa của tôi đó khi thấy các kênh tiktok của mình bán hàng hiệu quả, chúng tôi lại bị các đối tượng giả mạo, mượn danh của mình để bán hàng các sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của mình. Các kênh bán hàng giả mạo này mọc lên rất nhiều, chúng tôi đã xử lý nhưng thật sự không thể xử lý được hết.
Cũng là một trong những tiktoker thành công trong việc kinh doanh, quảng bá nông sản trên mạng xã hội, Hồ Diệu Linh - Tiktoker Đảo hải sản chia sẻ: Đảo hải sản bắt đầu khởi nghiệp lấy cảm hứng từ việc buôn bán các sản phẩm của vùng biển quê hương.
Thành lập năm 2015, Đảo hải sản có nhiều sản phẩm hải sản tươi sống, đông lạnh, sushi, sasimi, đồ khô, bán chạy như tôm hùm Alaska, bào ngư Hàn Quốc. Tuy nhiên, tôm hùm hay hải sản đều là hàng tươi sống, do đó khó khăn lớn nhất là vận chuyển làm sao nhanh nhất, tươi nhất để sản phẩm tới tay khách hàng còn tươi sống.
Một thuận lợi là khi bán hàng tươi sống trên Tiktok, chúng tôi cũng được Tiktok để cho Đảo hải sản tự vận chuyển, đảm bảo nhanh nhất trong 2 giờ tới tay khách hàng. Cũng vì bị hạn chế trong khâu vận chuyển nên hiện tại, Đảo mới giao hàng được tại TPHCM, xa nhất là Bình Dương.
Trong lúc Đảo hải sản vẫn đang bối rối về hâu vận chuyển, thì khách hàng rất ủng hộ và yêu thương. Sau 2 tháng tham gia, kênh đã đạt gần 30.000 follows, mỗi ngày “nổ” rất nhiều đơn hàng, có ngày bán được hơn 100 con tôm hùm/ngày. Nhiều khách hàng từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây rất quan tâm, đề xuất Đảo hải sản mở chi nhánh.
Hiện, đảo hải sản đang có hơn 2.000 mặt hàng, lợi nhuận đạt khoảng hơn 5% tổng doanh thu bán hàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng từng ngày để cải tiến khâu giao hàng, tìm phương thức vận chuyển tối ưu nhất. Quan tâm trend thu hút nhiều khách hàng hơn, tìm tòi các sản phẩm mới như hàu nướng đông lạnh.
Về vấn đề hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh:
Thật cảm ơn chính các bạn đã truyền cảm hứng cho chính tôi. Tôi cũng đồng thuận với chị Thành Thực về những lời khuyên dành cho các bạn trẻ bán hàng trên Tik Tok, tôi chỉ xin bổ sung thêm 4 ý nhỏ sau đây:
Thứ nhất, hầu hết các bạn đều đang khó trong kiểm soát vận chuyển, cách chủ động nhất của mình đảm nhiệm khâu đóng gói như thế nào cho chủ động, ví dụ vận chuyển hải sản mà không có thiết bị chuyên dùng thì chất lượng rất dễ xuống cấp. Tôi lấy ví dụ việc nông dân Hòa Bình bán cam, tùy từng địa điểm, đi xa hay gần mà đảm bảo việc đóng gói sao cho phù hợp, và đảm bảo hàng tới tay người tiêu dùng luôn giữ được chất lượng tốt nhất. Thì đây cũng là kinh nghiệm các bạn nên chú trọng hơn vấn đề này.
Thứ 2, yêu cầu cao nhất đối với người tiêu dùng chính là sự chân thật. Hình ảnh sản phẩm khi các bạn quảng bá trên các kênh bán hàng phải luôn là những sản phẩm được chụp, quay từ sản phẩm thật sẽ giao cho khách. Ngoài ra chúng ta nên có cách để cung cấp tới người tiêu dùng nguồn gốc của sản phẩm một cách rõ ràng, minh bạch, nhìn rộng ra đây chính là cách đối thoại với thị trường, tiệm cận gần hơn với cách bán hàng chuyên nghiệp.
Thứ 3, khi live các bạn thiếu tự tin là do chúng ta chưa chuẩn bị được tâm lý của mình, đương nhiên, các bạn đã bước vào vòng phát triển phải đối diện với nhiều mâu thuẫn mà khi chưas ẵn sàng về tâm lý sẽ dễ bị sock, dễ bị ảnh hưởng bởi những lời nói, phản ánh của khách hàng. Tôi cho rằng điều này cũng bình thường do các bạn cũng mới bắt đầu thời gian ngắn, do đó, rất mong các bạn sẽ sớm bản lĩnh và có thể vượt qua được những thử thách, mâu thuẫn này.
Thứ 4, hình như các bạn rất thiếu kịch bản phòng chống rủi ro. Nếu người khác lấy hình ảnh, video của các bạn thì các bạn sẽ mất hết tất cả những gì mình đã xây dựng. Vì vậy, cần phải có những kịch bản cho trường hợp này, mà một trong những cách hiệu quả nhất chính là chứng minh được nguồn gốc sản phẩm và có sự liên kết với các đầu mối bán hàng để luôn đảm bảo nguồn hàng chính gốc, có sự đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng cung cấp đủ tới tay khách hàng.
Ở một góc độ khác, bà Phạm Thị Ngọc Tuyền - Đại diện ngành hàng TikTok Shop Việt Nam góp ý: Tiktok Shop có chính sách dành cho người bán, nếu phát hiện ra hàng giả hàng nhái, thì sẽ có động thái xử lí ngay. Nếu là hàng kém chất lượng thì cũng có kênh đánh giá của người tiêu dùng và Tiktok rất tôn trọng đánh giá của người tiêu dùng. Nếu sản phẩm chỉ 1-2 sao thì sẽ lưu ý thậm chí đóng băng sản phẩm đó luôn.
Tiktok Shop cũng đang xúc tiến kết hợp với Cục Chế biến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thúc đẩy các kênh tiêu thụ, giúp bà con bán hàng thuận lợi hơn và đảm bảo chất lượng. Vừa rồi, việc tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang được sự hỗ trợ rất lớn từ các bạn Tiktok cũng như chính quyền tỉnh Bắc Giang, giúp chúng tôi xe lạnh để vận chuyển hàng đến nơi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, anh Đặng Dương Minh Hoàng cũng đặc biệt chia sẻ: Đa số các bạn đều bán hàng đề chuyên về thương mại là chính, chưa chuyên về sản xuất. Hoàng rất mong muốn các bạn tham gia HTX tại các địa phương để chủ động nguồn nguyên liệu, giảm bớt kênh trung gian, tăng lợi nhuận doanh thu cho các xã viên và cho chính các bạn. Sau đó, các bạn có thể trích một phần lợi nhuận để các xã viên áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản, để phát triển doanh thu, xây dựng và bảo vệ thương hiệu một cách bền vững.
Cũng về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ: Quá trình vận chuyển đang là một trong những khâu làm hư hao nông sản, chiếm chi phí cao trong giá thành sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Tôi lấy đơn cử như sầu riêng khi hái từ cây xuống trước 1-2 ngày để cho chín đều thì đã hao 15-20% trọng lượng. Chuyển ra đến Hà Nội bán đến tay người tiêu dùng thì hư hao thêm 10-15% nữa. Đây là một trong những chi phí không dễ gì người tiêu dùng có thể hiểu và biết được. Vì sao giá sầu riêng ở vườn 70.000đ, bán lẻ lại đến 200.000đ. Các TikToker cần truyền thông, nhấn mạnh vào chi phí tác động đến giá thành, chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng biết. Thêm nữa, trong quá trình đóng gói sản phẩm cần TikToker cần “phô” hết ra các khoản chi phí thì tôi tin rằng người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chấp nhận và thông cảm. Đồng thời, sự cạnh tranh khác sẽ giảm thiểu.
So với Trung Quốc thì chúng ta có thị trường nhỏ, logistics chưa phát triển mạnh. Nếu như các TikTok Shop ngoài hỗ trợ trực tiếp cho các TikToker bán hàng thì có thể chia sẻ và hỗ trợ cộng đồng, các HTX trong quá trình chuyển đổi số cho các HTX.
Nếu TikTok Shop quan tâm đến việc mỗi tỉnh thí điểm cho một HTX thì sẽ đi đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ rất nhiều trong việc phát triển kinh tế tập thể; Thứ hai, khi hỗ trợ một đơn vị dịch vụ như vậy thì chúng ta sẽ sơ chế, đóng gói, có những chuyên gia chuyên nghiệp hơn để đào tạo. Một HTX dịch vụ cấp huyện hoàn toàn có thể là đầu mối logistics, bán hàng.
Chúng tôi rất sẵn sàng ủng hộ các chương trình các bạn trẻ khởi nghiệp, nhưng các bạn luôn luôn phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, đến từng địa phương để tìm hiểu. “Phía TikTok là nền tảng đang cần có những hỗ trợ cho người bán hàng, phải bảo vệ người tiêu dùng, nếu như không bảo vệ được thì việc làm giả, làm nhái các kênh hay các sản phẩm không đúng truy xuất nguồn gốc thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với nền tảng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông sản Việt Nam khi đã bị mất niềm tin với người tiêu dùng.
Lắng nghe câu chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ, những người đã bước đầu khởi nghiệp, startup thành công với mô hình kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số; được lắng nghe góp ý, kinh nghiệm của chính các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Dường như, kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số không còn là lĩnh vực quá mới mẻ nhưng ở Việt Nam nó mới đang ở những giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển. Sẽ còn rất nhiều bạn trẻ chọn con đường startup, khởi nghiệp từ cách làm này, do vậy những câu chuyện, bài học, kinh nghiệm hôm nay hy vọng sẽ góp thêm vào hành trang cho mỗi người.