Theo báo cáo của Bộ NNPTNT trong 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc có sự tăng trưởng tốt từ khi mở cửa thị trường sau dịch COVID-19.
Indonesia bắt đầu nhập khẩu gạo trở lại nên xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này có mức tăng trưởng mạnh trên 1.498%.
Hiện xuất khẩu gạo đang thuận lợi, đặc biệt cuối năm bởi các thị trường lớn vẫn mua mạnh như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… Điển hình vài ngày tới, Indonesia tiếp tuc mở thầu 300.000 tấn và dự kiến sẽ liên tục mở thầu. Điều này sẽ làm cho giá gạo các nước sẽ tăng, ít nhất là không giảm, bà Bùi Thị Thanh Tâm cho biết.
Về tình hình thế giới, theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NNPTNT), thương mại gạo toàn cầu năm 2023 giảm 275.000 tấn xuống còn 55,4 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2022. Trong số đó, xuất khẩu giảm tại Argentina, Brazil, Myanmar, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ được bù đắp bởi các lô hàng tăng từ Australia, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Về giá gạo xuất khẩu, bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến ngày 23/6, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 503 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 10 ngày trước đó, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ. Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng 5 USD tấn lên 478 USD/tấn, cao hơn 8 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Thái Lan và cao hơn khoảng 25 USD/tấn so với gạo Ấn Độ. Tính chung giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong những năm gần đây, Chính phủ rất quan tâm hoàn thiện các chủ trương, chính sách thúc đẩy xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng XK các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Việt Nam vẫn chiếm thị phần lớn tại thị trường Philippines do khách hàng đã quen với chất lượng gạo Việt và gạo Việt Nam có lợi thế về logistics hơn so với các nguồn cung khác.
Theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo XK nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất và XK lúa gạo còn gặp những khó khăn. Theo đó, nguồn cung không ổn định trong năm do cơ cấu mùa vụ. Sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, xâm nhập mặn...
Cạnh tranh giữa những nước lớn, giữa các nền kinh tế lớn, thay đổi trong chính sách thương mại, các xung đột, xu hướng bảo hộ gia tăng. Các nước tiếp tục gia tăng các rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại.
Lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp tác động đến thương mại và gây khó khăn về đầu ra cho thị trường; giá cả biến động.
XK gạo của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục chậm lại do nguồn cung từ vụ đông xuân đã cạn. Tuy nhiên, triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.
Tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình xuất khẩu gạo ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Thời cơ đã đến và không chờ đợi chúng ta. Cần nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo".
Trước nhu cầu thế giới về gạo đang cao, trong khi các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ sớm làm việc với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác để có cuộc họp nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay.
Cùng với đó là tìm ra các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030, cũng như Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay./.
Nghiên cứu phát triển, xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao
Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo trong công điện mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường.
Sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/VietNam rice; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế. Xây dựng cơ sở hạ tầng (công nghệ sau thu hoạch, kho chứa bảo quản sản phẩm), đầu tư phát triển mạnh hơn các loại gạo giá trị cao, đã tạo được hình ảnh thương hiệu. Ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ, giảm phụ thuộc phân bón để tăng năng suất, chất lượng.
Hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo. Đàm phán với các thị trường trọng điểm về kiểm dịch, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để mở cửa, chiếm lĩnh thị trường.