Dân Việt

Liên kết sản xuất qua sử dụng Quỹ HTND, nông dân Thái Nguyên tăng thu nhập

Đức Thịnh 08/07/2023 11:24 GMT+7
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đang giúp nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên liên kết sản xuất, kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập.

Gần 1.200 hộ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân

Theo báo cáo Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, tính đến cuối tháng 5/2023, tổng nguồn vốn của Quỹ HTND trong toàn tỉnh đạt trên 55,8 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương Hội Nông dân ủy thác trên 13,1 tỷ đồng, vốn cấp tỉnh là trên 30 tỷ đồng, cấp huyện là gần 12,6 tỷ đồng. Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã giải ngân toàn bộ nguồn vốn cho 1.186 hộ nông dân vay để thực hiện 119 dự án, tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.

Ông Ma Doãn Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Để phát huy hiệu quả Quỹ HTND, hàng năm, Hội ND tỉnh định hướng, lựa chọn mô hình phù hợp hướng dẫn hội viên xây dựng dự án vay vốn, đồng thời tăng cường chỉ đạo, giám sát thực hiện trình tự các khâu cho vay đảm bảo đúng quy trình. Sau khi giải ngân, Hội ND tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn của các hội viên, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích.

Liên kết sản xuất, nông dân Thái Nguyên tăng thu nhập - Ảnh 1.

Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên giải ngân vốn vay Quỹ HTND cho nông dân xã Sơn Cẩm, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hà Thanh

Ông Ma Doãn Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Để tiếp tục phát huy hiệu quả của nguồn vốn Quỹ HTND, thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; củng cố và phát triển hoạt động của Quỹ HTND các cấp; đề xuất, kiến nghị với Trung ương Hội NDVN nâng nguồn vốn vay cho mỗi dự án...

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn trực tiếp, phối hợp vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập, duy trì phát triển các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, HTX; các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân.

Điển hình như mô hình nuôi gà của Tổ hợp tác chăn nuôi và chế biến gà thịt ở xã Phủ Lý (Phú Lương). Đầu tháng 3/2023, 10 thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi và chế biến gà thịt ở xã Phủ Lý (Phú Lương) được vay tổng số tiền 750 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh.

Từ nguồn vốn này đã giúp các hội viên giải quyết được những vấn đề khó khăn cũng như tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Tùy vào nhu cầu và số lượng đàn vật nuôi mà các thành viên được vay số tiền khác nhau.

Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Ly (ở xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý) có quy mô chăn nuôi lớn (mỗi lứa trung bình trên dưới 2.500 con gà) nên gia đình chị được vay 90 triệu đồng. Chị Ly cho biết: Năm 2022, do giá cám liên tục tăng trong khi giá gà lại giảm nên việc chăn nuôi gà của gia đình gặp không ít khó khăn, có lứa hòa vốn, có lứa thì thua lỗ cả trăm triệu đồng. Để duy trì chăn nuôi, gia đình đã phải vay mượn nhiều nơi. May mắn được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ HTND tỉnh, với số tiền này đã giúp nhà tôi duy trì được số con giống và thức ăn cho 1.500 con gà trong 1 lứa.

Hỗ trợ nông dân tham gia liên kết sản xuất

Khẳng định hiệu quả vốn vay Quỹ HTND, bà Trịnh Ngọc Trà - Chủ tịch Hội ND huyện Phú Lương cho biết: Được vay vốn Quỹ HTND, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã có động lực để đầu tư phát triển nhiều sản xuất, kinh doanh, tích cực thi đua các phong trào do Hội ND phát động. Đặc biệt, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi do Hội ND phát động đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Trong nhiệm kỳ qua, bình quân hằng năm, Hội ND huyện Phú Lương có trên 10.000 hộ hội viên đăng ký hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có trên 6.300 hộ hội viên đăng ký đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Cũng trong nhiệm kỳ qua, Hội ND huyện Phú Lương đã thành lập được 45 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 18 HTX và 19 tổ hợp tác đa dạng về ngành nghề. Đặc biệt đã xuất hiện một số mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hướng tới mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.