Nuôi gà, nuôi chim tiền tỷ, làm may mà anh nông dân Bình Định lãi 1,7 tỷ/năm, cả làng phục lăn
Làm nghề gì, nuôi con gì mà anh nông dân Bình Định lãi 1,7 tỷ/năm, còn tạo việc làm cho hơn 30 lao động?
Thứ năm, ngày 06/07/2023 13:24 PM (GMT+7)
Anh Sơn, nông dân xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), bộc bạch: Đôi lúc tôi vẫn ngỡ ngàng về kết quả mà mình có được. Từ một thanh niên làm thuê, giờ tôi đã tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương, lợi nhuận mỗi năm khoảng 1,7 tỷ đồng. Nhưng nghĩ kỹ thì thành công hôm nay không tự nhiên đến...
Đó là anh Võ Hoàng Sơn, 46 tuổi, ở thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), làm giàu từ mô hình nuôi gà, ấp nở gà giống và nuôi yến.
Năm 2000, khi còn là thanh niên và làm công cho một cơ sở giống gia cầm ở địa phương, anh Sơn chịu học hỏi, nắm bắt kỹ thuật chọn gà giống bố mẹ, chọn trứng, quy trình kỹ thuật ấp nở, chăm sóc con giống, kỹ thuật chuồng trại…
Đến năm 2007, anh Sơn vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân xã và Ngân hàng CSXH huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), cộng với tiền tiết kiệm của gia đình, anh quyết tâm khởi nghiệp với mô hình sản xuất gà giống.
Nhờ có kinh nghiệm thực tế nhiều nên ngay từ những lứa đầu anh đã thu được kết quả tốt, con giống khỏe mạnh, được bà con tin dùng, chọn mua.
Chỉ một năm sau, năm 2008, anh Sơn quyết định thuê thêm mảnh đất 2.000 m2 xây dựng chuồng trại nuôi 2.000 con gà giống bố mẹ.
Cũng thời điểm đó, anh từng bước nâng cấp hệ thống 2 máy ấp nở theo công nghệ mới hiện đại hơn, năng suất trên 50.000 quả/máy. Hiện nay, cơ sở ấp nở con giống của gia đình anh Sơn cho lợi nhuận mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Từ năm 2015, nhận thấy nhu cầu sử dụng tổ yến nhiều, anh Sơn xây dựng 2 nhà nuôi chim yến tại địa phương. Thu nhập từ yến mỗi năm hơn 250 triệu đồng.
Anh Sơn, nông dân xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) trong trại nuôi gà của mình. Ảnh: H.T.D
Đến năm 2021, sẵn có nghề may mặc trong tay, nguồn lao động tại địa phương dồi dào, tìm hiểu được đầu mối và thị trường tiêu thụ, anh Sơn mạnh dạn đầu tư mở thêm 1 xưởng may tại thôn Hưng Nghĩa, thu hút hơn 30 lao động. Mỗi năm xưởng may này mang lại cho anh khoản lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Anh Sơn bộc bạch: Đôi lúc tôi vẫn ngỡ ngàng về kết quả mà mình có được. Từ một thanh niên làm thuê, giờ tôi đã tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương, lợi nhuận mỗi năm khoảng 1,7 tỷ đồng. Nhưng nghĩ kỹ thì thành công hôm nay không tự nhiên đến.
Để có được điều đó, mình phải chịu khó tích lũy kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng khi học nghề, kế đó phải đầu tư nghiên cứu, cập nhật kiến thức chăn nuôi, tham gia các lớp tập huấn KHKT của các ngành tổ chức, bỏ thời gian tham quan các mô hình hay để về áp dụng, tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.
Không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi, anh Sơn còn là hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và công tác từ thiện xã hội tại địa phương.
Anh nhiệt tình hướng dẫn cho 30 hộ biết cách thức làm ăn có hiệu quả, hỗ trợ 10 hộ khó khăn mượn vốn bình quân 10 - 20 triệu đồng/hộ không lấy lãi để đầu tư sản xuất, qua đó đã giúp 5 hộ nghèo và cận nghèo thoát nghèo bền vững; tiên phong hiến 100 m2 đất ruộng để bê tông hóa kênh mương nội đồng; hằng năm đóng góp ít nhất 5 triệu đồng cho quỹ đền ơn đáp nghĩa, 10 triệu đồng cho quỹ khuyến học ở địa phương.
Từ những kết quả đạt được, trong năm 2022, anh Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.