Trồng sen tới vụ cứ 3 ngày lại hái hoa, bẻ đài, nông dân Quảng Nam lãi gấp 4-5 lần trồng lúa
Trồng thứ cây tới vụ cứ 3 ngày lại bẻ đài, nông dân Quảng Nam lãi gấp 4-5 lần trồng lúa
Trần Hậu - Tuyết Nhung
Thứ sáu, ngày 07/07/2023 05:06 AM (GMT+7)
Thời điểm này, những người dân ở các đầm sen thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đang tất bật vào mùa thu hoạch gương sen. Dẫu vất vả lội bùn, phơi nắng, nhưng sen đã đem lại một nguồn thu đáng kể giúp người dân nơi đây cải thiện đời sống.
Cánh đồng sen Trà Lý thuộc thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn được xem là thủ phủ trồng sen của tỉnh Quảng Nam với diện tích trồng sen hơn 45ha. Nơi đây trước kia từng là ruộng trồng lúa, nhưng vì ruộng cao thiếu nước, cằn cỗi bạc màu, năng suất kém, nên nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sen.
Kết quả, sen không chỉ làm đẹp cảnh quan làng quê mà còn mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, người nông dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng sen, bà Phạm Thị Mai (62 tuổi) bộc bạch, với hơn 1ha đất trồng sen, mỗi vụ gia đình bà thu được hơn 60 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí cây giống, phân bón…. Hạt sen tươi bóc tới đâu thương lái thu mua tới đó. Sen hạt đầu vụ thường có giá cao, dao động từ 50.000-55.000 đồng/kg, lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Theo bà Mai, cây sen rất thích hợp với thổ nhưỡng ở khu vực Trà Lý – Đồng Lớn, phù hợp với ruộng cạn, hạt sen to, đẹp, năng suất ổn định, thơm bùi nên khách hàng rất ưa chuộng. Sen rất dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, cây phát triển khá nhanh, ít sâu bệnh. Bình quân cứ 3 ngày bà thu hoạch 1 đợt, thu được 1 tạ gương sen.
Cạnh đó, ruộng sen của anh Phan Văn Ánh (47 tuổi) cũng phát triển rất tươi tốt, anh Ánh tâm sự: "Trồng sen đơn giản, ít tốn công chăm sóc, không tốn kém phân giống nhiều và không lo ngại thiên tai, gió bão. Tuy năm nay sen mất mùa hơn những năm trước, nhưng năng suất vẫn đảm bảo, bình quân 1 sào thu được 1,5 tạ hạt sen.
Cứ sau Tết là tôi bắt đầu cày xới ruộng, lấy nước và cấy móng sen, chi phí sen giống khoảng 400.000 đồng/sào. Đến tháng 5 là sen kết hạt, tôi bắt đầu thu lứa đầu tiên, đến tháng 7 thì kết thúc mùa vụ".
Ông Đinh Chín – Trưởng thôn Chánh Lộc cho hay, nhiều năm nay khu vực Trà Lý – Đồng Lớn được các hộ dân chuyển đổi đất lúa sang trồng sen lấy hạt. Nhận thấy đây là cây trồng không chỉ làm đẹp làng quê, mà còn đem lại giá trị kinh tế cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa và hoa màu khác, nên bà con nơi đây dần dần mở rộng thêm diện tích.
Người trồng sen ở đây chủ yếu bán hạt sen tươi để phục vụ chế biến sen sấy khô, tách tim sen bán làm trà tim sen, sen tươi hút chân không, bột ngũ cốc có thành phần từ hạt sen.
"Gia đình tôi trồng 1,8ha sen, trung bình mỗi năm thu được 3 tấn sen, sau khi trừ chi phí thì thu lãi hơn 100 triệu đồng, nhờ đó mà cuộc sống khấm khá hơn trước, con cái được ăn học tử tế", ông Chín hào hứng nói.
Phát triển du lịch sinh thái
Hiện nay, nguồn nước trồng sen được người dân dẫn từ Hồ chứa nước Phú Lộc và trực tiếp dẫn ống nước từ các khe suối trên núi cao, nhờ đó mà chủ động hơn trong sản xuất, quản lý được mực nước trên đồng ruộng kết hợp phòng ngừa sâu, bệnh và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp sen sinh trưởng tốt và đạt năng suất cao.
Đặc biệt, hạt sen Trà Lý có chất lượng thơm ngon hơn nhiều nơi khác, không bị sượng, nhiều tinh bột, ngọt bùi, bở, nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Các sản phẩm từ sen ở Duy Sơn ngày càng đa dạng, không chỉ dừng lại ở bán hạt sen tươi mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị của cây sen.
Ông Phạm Đắc Thành – Tổ trưởng Tổ hợp tác sen Duy Sơn cho biết: "Hiện nay THT gồm có 7 thành viên, đến tận nhà thu mua hạt sen của 17 hộ dân, đạt từ 25-30 tấn/vụ. Sen hạt được thu mua về sơ chế thành hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, trà tim sen.
Trong đó, sản phẩm hạt sen sấy khô Trà Lý đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ đó góp phần nâng cao giá trị của cây sen, giúp nông dân yên tâm đầu tư, ổn định sản xuất".
Vào mùa sen nở rộ, cánh đồng sen Trà Lý – Đồng Lớn đẹp như một bức tranh thiên nhiên rực rỡ, thuần khiết, luôn thu hút đông du khách đến tham quan, thưởng ngoạn và chụp ảnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ dân nơi đây phát triển thêm các dịch vụ du lịch, nâng cao thu nhập.
Ông Ngô Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, sắp tới địa phương sẽ họp và lấy ý kiến của 30 hộ dân kinh doanh dịch vụ du lịch tại cánh đồng sen Trà Lý – Đồng Lớn để triển khai định hướng quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, kết hợp du lịch các địa điểm như Hồ thủy điện Duy Sơn, Di tích Khu ủy Quảng Đà, Hồ Phú Lộc, Thánh địa Mỹ Sơn….
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là cánh đồng sen Trà Lý – Đồng Lớn nằm giữa hệ thống rừng phòng hộ rộng 4.400ha, nên việc khai thác, xây dựng khu du lịch là không được phép.
Thời gian tới, chính quyền xã Duy Sơn sẽ tích cực phối hợp với các ban ngành để quy hoạch chung, cho phép người dân khai thác du lịch dưới tán rừng phòng hộ, yên tâm sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động chế biến sen tại chỗ, tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị nông sản địa phương và hướng tới phát triển mạnh các sản phẩm OCOP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.