Mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM tập trung phát triển cây ăn trái ven sông Sài Gòn, kết hợp du lịch sinh thái để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, xã Trung An, huyện Củ Chi phát triển mạnh nhiều vườn cây ăn trái. Tại đây có những vườn cây ăn trái rộng hàng chục hecta với những loại đặc trưng như măng cụt, chôm chôm, bòn bon...
Những vườn cây ăn trái này là điều kiện để huyện Củ Chi phát triển sản phẩm du lịch "Hoa thơm trái ngọt vùng Đất Thép năm 2023". Tham gia chương trình, du khách được khám phá, check-in cùng vườn trái cây, thưởng thức trái cây, ẩm thực chợ quê, đạp xe trải nghiệm ở vườn sinh thái, mua trái cây tại vườn.
Ông Thái Văn Huỳnh, Bí thư Chi bộ ấp An Hòa, xã Trung An cho biết các hộ phần lớn trồng cây ăn trái thâm canh để tăng năng suất. Một số hộ khác tận dụng lợi thế thuận lợi lý tưởng với sông nước, hữu tình, kết hợp vườn cây ăn trái hiệu quả để phát triển du lịch sinh thái.
"Nhu cầu du lịch trải nghiệm là xu hướng có tiềm năng và lợi thế về vườn cây, đặc sản khai thác mạnh. Đây xem là thời cơ để nông nghiệp Trung An phát triển, nâng cao thu nhập của người dân", ông Huỳnh nói.
Vườn cây ăn trái đang giúp nhiều nông dân xã Trung An nói riêng và huyện Củ Chi phát triển du lịch hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp tích cực cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Từ trồng lúa, trồng mía năng suất thấp, nông dân các huyện Bình Chánh, Cần Giờ cũng từng bước chuyển đổi sang những loại cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao, phù hợp nhu cầu tiêu dùng đô thị, trong đó có hình thành những cây ăn trái như xoài, bưởi da xanh… Nhiều sản phẩm như bưởi da xanh ở huyện Bình Chánh, xoài cát Cần Giờ, huyện Cần Giờ đã được công nhận đạt OCOP 3 sao, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2022, diện tích cây ăn trái trên địa bàn thành phố đạt 5.600ha, tập trung tại các huyện Củ Chi (2.526ha), Bình Chánh (1.281ha), Cần Giờ (379ha), Hóc Môn (107ha). Về chủng loại, có xoài (1.151ha), chuối (1.068ha), họ cây có múi (433ha), dừa (565ha), mít (372ha), chôm chôm (168ha)… Sản lượng đạt 54.000 tấn/năm.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP.HCM đã xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở giống cây ăn quả lâu năm, cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng đối với cây: măng cụt, mít, nhãn, ổi, thanh long, xoài. Qua đó nhằm phục vụ công tác thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố, trong giai đoạn 2023-2025, diện tích cây ăn trái trồng mới, tái canh khoảng 600-800ha, tương ứng khoảng 150.000-200.000 cây giống.
Ngành nông nghiệp TP.HCM tập trung thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 27/4/2019 của UBND thành phố, nhằm phát triển hiệu quả kinh tế nông nghiệp phù hợp đặc thù thành phố, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chương trình tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng cây có hiệu quả thấp (lúa, mía, cao su) sang phát triển các loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp (rau, hoa, cây kiểng). Trong đó, còn có cây ăn trái phù hợp điều kiện tự nhiên như các vườn cây ăn trái tại Củ Chi, bưởi da xanh Bình Chánh, xoài cát Cần Giờ.
Theo dự thảo, định hướng phát triển cây ăn trái phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng đất kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tăng thu nhập cho nông dân. Các vườn cây ăn trái tập trung chủ yếu dọc theo sông Sài Gòn, tại huyện Củ Chi và khu vực giồng cát tại huyện Cần Giờ.
Chương trình hướng đến tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; phát triển khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.
Định hướng của TP.HCM thông qua chương trình là phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho khu vực nông thôn.