"Tokmak (tỉnh Zaporizhia) sẽ là nơi tiếp theo. Ngay sau khi chúng tôi chiếm được Tokmak, chúng tôi sẽ kiểm soát các tuyến đường hậu cần quan trọng nhất của Nga. Nhưng một lần nữa, lấy lại thứ gì đó luôn khó hơn là để mất nó", ông Yaroslavsky cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Kênh YouTube Politeka.
Khi người dẫn chương trình hỏi Yaroslavsk về các tuyến phòng thủ mà Nga xây dựng mạnh đến mức nào, vị chỉ huy Ukraine trả lời: "Thực tế là họ biết cách phòng thủ. Tuyến phòng thủ đầu tiên của họ đều được gài mìn, tuyến thứ hai là các khu vực kiên cố, nơi họ chủ yếu thực hiện các hoạt động quan sát. Tuyến phòng thủ thứ ba được làm bằng các boong-ke bê tông, nơi triển khai xe tăng. Người Nga biết cách khai thác. Họ giỏi về kỹ thuật. Mọi thứ đều rất khó khăn, khó khăn một cách phi thực tế".
Vị chỉ huy Ukraine lưu ý rằng nếu Ukraine có máy bay của phương Tây, đặc biệt là F-16, một nửa hệ thống phòng thủ của Nga đã bị phá hủy một tháng trước khi họ bắt đầu cuộc phản công. Nhưng người Ukraine không được tặng máy bay, mặc dù các phi công Ukraine có khả năng lái chiến đấu cơ F-16.
"Trong một kịch bản bình thường, họ có thể triển khai các phi công của chính họ để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu. Nhưng họ (các đồng minh phương Tây) lo rằng điều đó sẽ kích động Tổng thống Putin bấm nút hạt nhân bất cứ lúc nào và họ không dám làm điều đó. Lẽ ra họ phải trao tất cả cho chúng tôi. Chúng tôi đã không khuất phục (Nga). Nhiệm vụ của họ là giúp chúng tôi để chúng tôi đánh bại quân Nga", ông Yaroslavsky nói.
Những tuyên bố của chỉ huy đơn vị trinh sát Ukraine được đưa ra trong bối cảnh Mỹ vừa công bố gói viện trợ quân sự thứ 42 trị giá 800 triệu USD cho Ukraine bao gồm "các tổ hợp pháo và đạn dược và đặc biệt có Đạn Thông thường Cải tiến Lưỡng dụng (DPICM) với hiệu quả cao và đáng tin cậy".
DPICM là một loại đạn chùm và đây là lần đầu tiên Mỹ lần đầu cung cấp đạn chùm cho Ukraine bất chấp động thái này bị nhiều quan chức, đặc biệt là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phản đối.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/7 cho biết "rất khó khăn" khi đưa ra quyết định cung cấp đạn chùm, song quân đội Ukraine "đang cạn đạn dược". "Ukraine lúc này cần vũ khí để ngăn lực lượng Nga, khiến họ không thể chặn các đợt phản công. Tôi nghĩ họ cần chúng", ông Biden nói.
Trước đó cùng ngày, Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh "đã tham vấn rộng rãi với quốc hội Mỹ cùng các đồng minh và đối tác" về quyết định cung cấp DPICM cho Ukraine.
Bom chùm, đạn chùm bị hơn 120 quốc gia cấm, nhưng Mỹ, Nga và Ukraine không nằm trong số này. Chúng được thiết kế để phát tán lượng bom con, đạn con trên khu vực rộng lớn. Chúng có thể không phát nổ khi tiếp đất và có thể tạo rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải, tương tự mìn, gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài kể cả khi chiến tranh kết thúc.