Dân Việt

Sếp cho nhân viên mang con đến chỗ làm ở Trung Quốc

Zing News 08/07/2023 13:07 GMT+7
Ngoài cho phép con của nhân viên đến nhà máy sau giờ học, ông Yuan còn thuê hai giáo viên chăm sóc, hướng dẫn các em làm bài tập.


Sếp cho nhân viên mang con đến chỗ làm ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông chủ ở Trung Quốc được khen ngợi vì hỗ trợ nhân viên chăm con. Ảnh minh họa: Reuters.

Trong video được ông Yuan, điều hành nhà máy ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), quay hồi đầu tháng 7, khoảng 10 em nhỏ đang trượt ván và chơi đùa ngoài sân. Khi thấy ông Yuan, các em vui vẻ chào đón.

"Chà, có nhiều em bé quá. Cảnh tượng thật cảm động", ông nói.

Ông Yuan cho biết ông để ý từ lâu việc nhân viên gặp khó khăn trong vấn đề tìm người chăm con. Khi các em nhỏ tan học vào buổi chiều, cha mẹ chúng vẫn đang phải làm việc.

Dù phần lớn nhân viên cố gắng xoay xở, Yuan cho rằng họ vẫn chưa thể hoàn toàn yên tâm về con cái trong khi đi làm. Vì vậy, ông nảy ra ý tưởng hỗ trợ, theo South China Morning Post.

Sếp cho nhân viên mang con đến chỗ làm ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Những em nhỏ chào đón Yuan khi ông tới nhà máy. Ảnh: Weibo.

Những đứa trẻ đến nhà máy sau giờ học sẽ được hai giáo viên do ông Yuan thuê phụ trách chăm sóc. Ngoài chơi với nhau, các em có thể làm bài tập về nhà dưới sự hướng dẫn của cô giáo.

"Khi nhân viên kết thúc công việc, họ có thể đi đón con luôn, rất tiện lợi", Yuan chia sẻ.

Hành động của ông chủ nhà máy nhận được nhiều lời khen ngợi trên mạng xã hội Trung Quốc.

"Ông chủ thật tốt, hy vọng ông ấy có thể kinh doanh thuận lợi", một người bình luận.

Một người khác hóm hỉnh: "Ông chủ, khi nào tôi có thể đi làm, dù tôi chưa có con đâu".

"Ông ấy tốt hơn 99% ông chủ khác ngoài kia", một người nhận xét.

Câu chuyện về những ông chủ tốt bụng cũng thường xuyên được chia sẻ trên mạng xã hội xứ tỷ dân.

Vào tháng 5, một chủ nhà hàng ở miền Đông Trung Quốc nhận được nhiều lời khen ngợi vì từ chối nhận tiền bồi thường từ người đàn ông lớn tuổi chạy xe máy đâm vào quán ăn của mình.

Tháng 8/2022, một doanh nhân gây sốt sau khi quyên góp 32 triệu nhân dân tệ (4,4 triệu USD) để giúp hơn 4.000 sinh viên hoàn cảnh khó khăn có thể hoàn thành việc học.

Trung Quốc nổi tiếng là một trong những quốc gia có văn hóa làm thêm giờ và cạnh tranh gay gắt. Những năm gần đây, các môi trường làm việc nhẹ nhàng, thân thiện và khối lượng công việc ít đang trở nên thu hút người lao động, họ chấp nhận mức lương có thể không cạnh tranh.

Cuộc khảo sát được công bố vào tháng 6/2022 cho thấy nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp ở Trung Quốc sẽ chấp nhận mức lương thấp hơn nhưng có thể mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhiều nhà tuyển dụng cũng xác nhận nhiều nhân viên gần đây có xu hướng ưu tiên khối lượng công việc nhỏ hơn khi tìm việc.