Người nuôi lãi trên dưới 2 triệu đồng/con lợn
Sau nhiều ngày tăng giá, giá lợn hơi tại các trại đã đạt mức khoảng 64.000 đồng đến 65.000 đồng/kg. Theo ông Hoàng Văn Khánh, nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 ở Yên Mỹ (Hưng Yên), với giá này, người chăn nuôi đang có lãi khoảng trên 2 triệu đồng/con lợn.
Cụ thể, chi phí thức ăn chăn nuôi ngoài nhập khoảng 3,3 triệu đồng, cộng với chi phí con giống tại chỗ khoảng 800.000 đồng; chi phí thuốc thú y 200.000 đồng; điện nước, nhân công, phụ phí khác khoảng trên dưới 200.000 đồng. Tổng chi phí cho mỗi 1 con lợn 100kg hết khoảng 4,5 triệu đồng đến 4,6 triệu đồng. Nếu bán giá 65.000 đồng/kg, mỗi con lợn 120kg được khoảng 7,8 triệu đồng, trừ chi phí ông Khánh lãi khoảng gần 2,5 triệu đồng.
Đến thời điểm này, trang trại của ông Khánh đang nuôi 100 lợn nái và trên dưới 800 lợn thương phẩm, trong đó số lượng lợn sắp được xuất bán khoảng 150 con đạt trọng lượng 120kg/con. "Nếu bán 150 con lúc này gia đình tôi có lãi hàng trăm triệu đồng", ông Khánh nói.
Dù từ đầu năm đến khoảng tháng 5/2023, giá lợn luôn giữ ở mức khoảng gần 50.000 đồng/kg nhưng trang trại của ông Khánh vẫn có lãi. Đến giờ số tiền lãi từ công việc chăn nuôi lợn của ông đã tăng lên gấp nhiều lần.
Theo ông Khánh, cùng với giá lợn liên tục tăng, thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi cũng đang có xu hướng giảm nên các trại càng có thêm động lực yên tâm chăn nuôi hơn.
"Từ đầu năm đến giờ, giá cám đã giảm 3 đợt khoảng 500 đồng đến 800 đồng/kg, trung bình mỗi bao cám 25kg người dân bớt được hàng chục nghìn đồng. Hiện, giá cám ngoại nhập cho lợn thịt từ 30kg đến xuất bán chỉ còn khoảng 320.000 đồng đến 330.000 đồng/bao, đối với các trang trại lớn như gia đình tôi thấy nhẹ gánh rất nhiều so với trước", ông Khánh chia sẻ.
Cùng chung niềm vui với ông Khánh, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi công nghiệp cao Hòa Mỹ ở Ứng Hòa (Hà Nội) cũng đang được hưởng lợi nhờ giá lợn tăng cao.
"Tôi chủ động được con giống và cám mua tại nhà máy nên giá thành chăn nuôi cũng được giảm khá nhiều còn khoảng 50.000 đồng/kg gồm cả chi phí lãi suất ngân hàng, tỷ lệ hao hụt 5%. Với mức giá bán sản phẩm khoảng 64.000 đồng đến 65.000 đồng/kg, trại đang có lãi khá nhiều", ông Thắng bộc bạch.
Lý giải nguyên nhân giá lợn tăng cao, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi công nghiệp cao Hòa Mỹ cho rằng: Do dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp khắp các tỉnh, thành khiến nhiều trại tại các doanh nghiệp FĐI và nông hộ đều bị thiệt hại nặng nên nguồn cung lợn hơi, lợn giống giảm nhiều.
"Bạn bè của tôi tại nhiều doanh nghiệp liên tục kêu bị chết nhiều lợn, có trang trại hàng nghìn con bị xóa sổ, có trại bị nhẹ cũng chỉ còn lợn nái, chưa kịp tái đàn lợn thịt nên số lượng lợn to khoảng trên 120kg/con bán ra thị trường còn rất ít", ông Thắng tiết lộ thêm.
Nhiều trại liên tục đổ gục vì dịch bệnh
Ông Thắng cho biết thêm, giá lợn tăng nhiều nhưng người nuôi vẫn vừa nửa mừng, nửa lo. Vì dịch tả lợn châu Phi vẫn nổ như xôi đỗ khắp nơi, bà con chăn nuôi lợn vẫn như "đánh bạc" với trời.
"Từ đầu năm đến giờ, nhiều trại trong HTX của chúng tôi chăn nuôi công nghệ cao vẫn nổ dịch liên tục, có trại tái đi tái lại nhiều lần đến giờ đã mất gần chục tỷ đồng, trại bị nhẹ cũng mất vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng", ông Thắng nói.
Cách đây gần 1 tháng, đúng vào thời điểm giá lợn bắt đầu tăng, trang trại nuôi lợn hàng nghìn con của ông Phạm Văn Hùng ở Ứng Hòa (Hà Nội) bị dịch bệnh tấn công khiến ông trở tay không kịp.
Dù trang trại được ông Hùng đầu tư chăn nuôi rất hiện đại từ hệ thống cung cấp cám,nước uống tự động, các khu chuồng cũng được che chắn kín, các khâu quản lý trang trại đều rất nghiêm ngặt "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nhưng ông Hùng không hiểu vì sao mà dịch vẫn xâm nhập vào trại được.
"Chăn nuôi cầm cự cả năm trời đến khi giá lợn lên thì không có hàng để bán. Đến giờ gia đình còn ôm đống nợ tiền tỷ, không biết đến khi nào mới trả được, đau xót quá", ông Hùng ngầm ngùi nói.
Sau khi dịch bệnh quét qua, toàn bộ đàn lợn giống, thương phẩm khoảng 1.000 con tại trang trại của ông Hùng bị xóa sổ. Số lợn nái tại khu chuồng khác khoảng 40 con may mắn thoát "án tử" và vẫn đẻ đều nhưng ông Hùng thể tái đàn được vì cứ đưa lợn giống sang chuồng mới nuôi lợn bị tái dịch.
Để người chăn nuôi yên tâm tái đàn, ông Hùng kiến nghị Bộ NNPTNT, Cục Thú y sớm thương mại vaccine dịch tả lợn châu Phi chất lượng cao để người dân mua tiêm phòng, bảo vệ đàn vật nuôi an toàn, hiệu quả hơn.