Giá gia cầm, giá lợn hơi lên xuống bấp bênh, nông hộ tìm lối đi bền vững bằng những con vật này

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 17/06/2023 18:42 PM (GMT+7)
Vài năm trở lại đây, giá gia cầm, giá lợn hơi lên xuống bấp bênh, có thời điểm chạm đáy vì tiêu thụ khó khăn, nhiều nông hộ bị vắt kiệt sức lực, vốn liếng, không còn mặn mà với chăn nuôi.
Bình luận 0

Để xoay chuyển tình thế, nhiều nông hộ đã tìm tòi chuyến hướng sang chăn nuôi hữu cơ, nuôi con đặc sản như: Nuôi lợn thảo dược, nuôi lợn rừng lai, gà đặc sản, nuôi dê…

Nhờ khai thác tốt thị trường "ngách" này, nhiều nông dân không chỉ "sống bền vững" với nghề chăn nuôi mà còn có thu nhập cao.

Độc đáo mô hình nuôi lợn bằng thảo dược

Là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, anh Nguyễn Ngọc Sáng - Giám đốc HTX thực phẩm sạch Sáng Nhung ở xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã rất "thức thời" khi chuyển hướng từ chăn nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp sang phối trộn thức ăn từ cám gạo, ngô với các loại thảo dược. 

Nhờ đó, đàn lợn 5.000 con đều an toàn trước dịch bệnh, giá bán cao hơn 10% so với lợn trắng nuôi thông thường, năm 2022 anh thu lãi 23 tỷ đồng.

gop/Chăn nuôi con đặc sản theo hướng hữu cơ: Lối ra cho nông hộ - Ảnh 1.

Mô hình nuôi dê thương phẩm cho thu lãi 700-800 triệu đồng/năm của ông Nguyễn Xuân Cầu, phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Ảnh: P.V

gop/Chăn nuôi con đặc sản theo hướng hữu cơ: Lối ra cho nông hộ - Ảnh 2.

Anh Sáng cho biết, giai đoạn năm 2017 - 2018, HTX gặp nhiều khó khăn khi đàn lợn 1.600 con bị dịch lở mồm long móng, tai xanh, đặc biệt "bão giá" khiến giá lợn hơi giảm sâu, tụt dốc không phanh từ 57.000 đồng/kg xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg. Vừa mới bắt đầu chăn nuôi lớn, anh liền lâm cảnh nợ nần tiền tỷ. 

"Chúng tôi thua lỗ ngay từ phút đầu, vợ chồng tôi nói với nhau rằng làm nghề chăn nuôi lợn thì khó tránh được rủi ro. Bạn bè, người thân cũng khuyên ngăn nên bỏ nghề, bởi lúc đó nguồn lực kinh tế quá đuối. 

Thời điểm ấy ở Đông Thọ, hầu hết các hộ đều bỏ nghề nuôi lợn. Nhưng không chịu khuất phục, tôi vay mượn khắp nơi để trang trải nợ nần và đến năm 2020, những tia sáng bắt đầu đến khi trang trại dần phục hồi" - anh Sáng chia sẻ.

Theo anh Sáng, nuôi lợn thì ai cũng có thể nuôi được, nhưng để gây dựng thương hiệu thịt lợn sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng thì không dễ chút nào. Nuôi lợn phải đảm bảo cả quá trình từ con giống, quy trình chăm sóc, thức ăn chăn nuôi… đều phải đạt tiêu chuẩn. Xây dựng thương hiệu riêng lại càng khó, bắt buộc phải có sự khác biệt về chất lượng.

Rút kinh nghiệm từ thất bại ban đầu, năm 2021, HTX thực phẩm sạch Sáng Nhung đã có bước chuyển mình bằng cách áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh bằng việc chủ động từ con giống, thức ăn, kỹ thuật, giết mổ, chế biến. Đối với lợn con, anh Sáng tiêm vaccine định kỳ; đối với lợn thịt toàn bộ sẽ cho ăn thảo dược, từ đó tạo ra mùi hương thơm đặc trưng cho thịt lợn.

Anh Sáng cho hay, qua tìm hiểu trên mạng internet về một số mô hình tự phối trộn thức ăn để giảm chi phí, anh đã vào Bình Dương, Đồng Nai để học công thức phối trộn thức ăn cho lợn. Sau đó, anh phối hợp với một doanh nghiệp để lên công thức phối trộn thức ăn phù hợp nhất và áp dụng vào trang trại của mình. Khô đậu tương, cám gạo, ngô được rang khô rồi trộn với các loại thảo dược như: Sâm cát linh, đinh lăng, quế, hồi, thảo quả, tỏi…

Với cách chăn nuôi lợn độc đáo, HTX thực phẩm sạch Sáng Nhung đã xây dựng được thương hiệu với 14 sản phẩm chế biến từ thịt lợn thảo dược như: Thịt, giò, chả, xúc xích, lạp xưởng, ruốc…

"Ông trùm" nuôi dê ở Hải Dương

Tạo bước chuyển mới trong chiến lược phát triển nông nghiệp

img

Anh Nguyễn Ngọc Sáng - Giám đốc HTX thực phẩm sạch Sáng Nhung ở xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) kiểm tra sức khỏe đàn lợn. Ảnh: Trang Tâm

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn - chuyên gia chính sách, Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phân tích: Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định phát triển nông nghiệp Việt Nam là một nền nông nghiệp sinh thái. Trong nền nông nghiệp sinh thái chung đó, nông nghiệp hữu cơ là mũi nhọn chiến lược, đem lại giá trị cao trên thị trường, bảo vệ người sản xuất trước bất ổn định, rủi ro của thiên nhiên, dịch bệnh.

Nông nghiệp hữu cơ cũng sẽ là tấm lá chắn đảm bảo môi trường đất nước luôn luôn xanh, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là sự thay đổi tư duy to lớn và quyết tâm chính trị để Việt Nam tạo ra bước chuyển mới trong chiến lược phát triển nông nghiệp.

Bắt đầu với nghề nuôi dê từ 1993, đến nay ông Nguyễn Xuân Cầu (phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn, Hải Dương) đã sở hữu trang trại nuôi dê lớn nhất nhì tỉnh Hải Dương, trong chuồng thường xuyên có từ 1.000 - 1.300 con dê, có thời điểm lên tới 1.500 con. Ông Cầu được người dân trong xã ví von là "ông trùm" trong nghề chăn nuôi dê thương phẩm ở Hải Dương.

Theo ông Cầu, dê là loài vật dễ nuôi, dễ bán, chi phí chăn nuôi thấp, ít dịch bệnh, thời gian nuôi ngắn, bán giá thương phẩm cao, quay vòng vốn nhanh. Bình quân, thời gian nuôi và xuất bán một lứa dê chỉ hơn 3 tháng. Bình quân mỗi năm ông Cầu nuôi được 3 lứa. Cứ có lãi đến đâu ông Cầu lại mở rộng chuồng, tăng số lượng con đến đó. Với diện tích đất rộng 30.000m2, ông dành 2.000m2 làm chuồng kiên cố. 

Năm 2013, ông chuyển sang nuôi dê Thái Lan với quy mô đàn 300 – 400 con, nuôi nhốt 100%. Cùng năm, ông phát triển thêm việc giết mổ, chế biến nhiều sản phẩm từ thịt dê.

"Dê Thái Lan có ưu điểm phù hợp nuôi nhốt, chất lượng thịt ngon hơn, năng suất thịt nhiều, tỷ lệ thịt nạc cao, kháng bệnh tốt hơn các loại dê khác. Vì vậy, nuôi bao nhiêu, thịt bao nhiêu tiêu thụ hết đến đó" - ông Cầu chia sẻ. 

Không chỉ nuôi dê, ông Cầu còn có nhiều nguồn thu từ con dê như bán dê giống cho các hộ chăn nuôi, giết mổ, bán thịt tươi cho các nhà hàng, chế biến thịt dê thành các sản phẩm giò dê, nấu cao xương dê, nấu cỗ theo đơn đặt hàng, bán phân dê... Hiện, mỗi ngày ông Cầu cung cấp 15 con dê cho các khách lẻ và nhà hàng.

Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu

Báo cáo của Bộ NNPTNT thể hiện, đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động phát triển nông nghiệp hữu cơ. Trong khi đó, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ và báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ thế giới, năm 2021, tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đạt trên 174.000ha, tăng 47% so với năm 2016.

Việt Nam hiện đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.500ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.400ha. 

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, sản phẩm xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới… Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hơn 17.000 đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu…

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định, nông nghiệp hữu cơ chính là kế thừa một phần của nền nông nghiệp truyền thống Việt Nam. Từ ngàn đời nay, cha ông ta bằng bàn tay, khối óc, bằng sức vóc, trí tuệ của mình đã xây dựng nên một nền nông nghiệp thuận theo lẽ tự nhiên, một nền nông nghiệp hữu cơ để nuôi dưỡng biết bao thế hệ người Việt đi qua hàng nghìn năm lịch sử. 

Nhưng cũng thật ngậm ngùi khi nhận diện sự thực, đã một thời gian dài, ngành nông nghiệp chúng ta chạy theo năng suất, sản lượng nên lạm dụng quá nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật... khiến đất đai bị suy kiệt, dinh dưỡng đất đai bị bào mòn và hệ sinh thái đất đai cũng bị biến dạng.

Năm 2016, nghị quyết của Quốc hội nêu: Nông nghiệp Việt Nam phải tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế để hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Năm 2017, kết luận của Ban Bí thư khẳng định, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ xanh và sạch. Đó là những tiền đề để Chính phủ ban hành nghị định về nông nghiệp hữu cơ vào năm 2018.

Đến năm 2020, đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 ra đời, trở thành hành lang pháp lý để Bộ NNPTNT sau đó ban hành quyết định về kế hoạch hành động triển khai - một kim chỉ nam soi rọi con đường phát triển thời kỳ mới của nông nghiệp Việt Nam. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem