Bước đầu mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao nổi của gia đình anh Giàu đã mang lại hiệu quả khả quan.
Do nuôi cá chạch lấu trong ao nổi nên chỉ cần đào bỏ lớp đất mặt với độ sâu khoảng 30m-40cm; phần đất đào lên này dùng để đắp thành bờ bao (độ cao từ đáy ao đến mặt bờ bao khoảng 1,2m-1,5m).
Toàn bộ ao nổi và bờ bao được lót bằng bạt nhựa dày có khả năng chống thấm và tránh gây tổn thương cho cá. Bên trong ao có hệ thống quạt để tạo dòng chảy và tăng lượng oxy hoà tan trong nước.
Lúc đầu, anh thả cá chạch giống trong ao nuôi và cho cá ăn bằng thức ăn dạng viên công nghiệp có độ đạm cao. Hơn 1 tháng chăm sóc, cá lớn, anh Giàu sử dụng thức ăn viên công nghiệp, tăng lượng thức ăn theo quá trình tăng trưởng của cá.
Mỗi tuần, Anh Giàu thay nước ao nuôi cá một lần, thường xuyên mở máy quạt nước trong ao và chăm sóc đàn cá cẩn thận. Anh thường trộn bổ sung lượng vitamin và một số khoáng chất vào thức ăn cho cá để tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trọng nhanh, ít bị bệnh.
Vào khoảng tháng 12 (âm lịch), anh Giàu chọn cá bố mẹ có kích thước đạt chuẩn để nuôi vỗ lứa đầu trên những ao riêng với mật độ thích hợp và thức ăn có dinh dưỡng cao; đến tháng 3 là có thể cho cá sinh sản, kéo dài đến tháng 9 có lứa cá giống.
Qua quá trình nuôi và thử nghiệm, năm 2021, anh Giàu cho cá chạch lấu sinh sản thành công với số lượng vài trăm ngàn con/đợt, cá con giống khoẻ mạnh, cung cấp cho nhiều hộ nuôi có nhu cầu trong và ngoài tỉnh; cá nuôi thương phẩm thích nghi với môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Anh Nguyễn Văn Giàu chia sẻ: “Không có vốn, thì không thể làm gì được. Với số vốn ban đầu ít ỏi tích lũy được khoảng 60 triệu đồng, tôi quyết định đi mua cá chạch lấu giống tận miền tây về thả nuôi thử nghiệm, tôi thấy có khả quan, loại cá chạch lấu này thích nghi với vùng đất Tây Ninh, nên gia đình tôi chỉ nuôi với diện tích ban đầu hơn 1.000m2 để làm ao nổi lót bạt, muốn tăng thêm ao để nuôi cá chạch lấu phải có vốn để đầu tư.
Năm 2022 được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho gia đình tôi được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH huyện vay 100 triệu đồng, vay vốn tín dụng ưu đãi từ chương trình nguồn vốn giải quyết việc làm.
"Tôi mạnh dạn đầu tư thêm 4 ao mở rộng diên tích để nuôi và nhân giống thêm cá bố mẹ, để duy trì nguồn giống cá khỏe mạnh nuôi và có thể bán cho khách hàng có nhu cầu cần để nuôi thả cá chạch lấu”, anh Giàu cho hay.
Hiện tại, anh Giàu khắc phục được những nhược điểm để chọn cá bố mẹ có tuổi đạt chuẩn, kỹ thuật ghép đôi, thu hoạch trứng - tinh trùng, giao phối, ấp trứng, ương nuôi cá bột (môi trường ương nuôi, chăm sóc, chủ động nguồn thức ăn tự nhiên cho cá bột)…Cho nên tỷ lệ cá chạch lấu nở cao đạt gần 90%.
Cá chạch lấu sau khoảng 7 tháng nuôi có thể chọn bán lứa cá lớn, cá đạt trọng lượng khoảng 300-350g/con với giá trên 200.000 đồng/kg; cá có tháng tuổi nuôi càng dài thì trọng lượng của cá càng lớn và giá bán được cao.
Tuỳ theo giá cả thị trường, cá nuôi thời gian dài có thể nuôi thúc, vỗ béo cá lớn nhanh để bán được giá cao khi thị trường khan hiếm, khi thị trường có nhu cầu- đây là một điểm thuận lợi cho người nuôi cá chạch lấu. Vụ vừa rồi sau 12 tháng nuôi,
Anh Giàu thu hoạch 3.500 con cá chạch lấu thương phẩm, trọng lượng hơn 1,5kg/con, bán với giá 220.000 đồng/kg, thu được 330 triệu đồng. Loại cá này lại không lệ thuộc vào thời gian, nuôi cá càng lớn, lợi nhuận càng cao.
Trong 4 ao còn đang nuôi trên 26.000 con cá chạch lấu; trọng lượng từ 2 - 3 con/kg trong giai đoạn cá đang nuôi trứng trong bụng,. Từ đó, Anh Giàu để lại nhân giống, mỗi năm, có thể nhân được từ 3-6 lứa cá giống, tuỳ theo nhu cầu của thị trường, với số lượng khoảng 100.000 con cá giống/lứa.
Ông Huỳnh Văn Chắc- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) cho biết: Mô hình nuôi cá chạch lấu của hộ anh Nguyễn Văn Giàu, hiện nay đã chủ động được về nguồn con giống, nên đang mở ra triển vọng nhân rộng mô hình cho nông dân địa phương.
Được Hội Nông dân xã giới thiệu cho và làm hồ sơ cho anh Giàu, chuyển đến Ngân hàng CSXH huyện vay với số tiền 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết viêc làm theo Nghị Quyết 11 của Chính phủ, để hộ anh Giàu mở rộng làm thêm ao nuôi cá chạch lấu để phát triển kinh tế gia đình.
Theo đó, anh Giàu tự tìm hiểu và học trên sách báo hướng dẫn, kết hợp kinh nghiệm vốn có đã trải qua kinh nghiệm về cá chạch lấu, thời gian nuôi kéo dài khoảng 10 tháng trở lên mới cho thu hoạch, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện anh Giàu nhân rộng mô hình và quy mô nuôi cá.
Đây là mô hình đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng để giúp người dân vừa có nguồn thu nhập cao, vừa tạo việc làm cho một bộ phận lao động ở địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Mô hình ao nuôi cá chạch lấu thương phẩm của anh Giàu được làm trong vườn cao su, khi nước thay nước ở các ao nuôi cá chạch lấu thì chỉ cần mở van xả là có thể tưới cho vườn cây cao su, giúp cây sinh trưởng tốt tươi quanh năm và giảm được lượng phân bón cho cây trồng mà vẫ bảo đảm năng suất cho cây.
Khi đã thành công với mô hình nuôi cá chạch lấu trên ao nổi, anh luôn sẵn sàng chia sẻ bí quyết và kinh nghiệm cho bà con gần xa. Anh Nguyễn Văn Giàu cho biết, giống cá chạch của anh đã cung cấp con giống và hướng dẫn thiết kế ao nuôi, quy trình nuôi cá chạch lấu cho các cơ sở trong tỉnh và nhiều hộ chăn nuôi ngoài tỉnh.
Anh giàu giới thiệu với cán bộ Hội Nông dân huyện Tân Biên, xã xã Thạnh Bình (Tây Ninh) về trọng lượng cá chạch trong giai đoạn sinh sản
Ông Nguyễn Văn Út – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Biên (Tây Ninh) chia sẻ: Mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao nổi lót bạt đã và đang được xem là một nghề mới, một hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đem lại nguồn lợi nhuận cho nông dân hàng trăm triệu đồng/năm.
Hộ anh Nguyễn Văn Giàu ấp Thạnh Phước, xã Thạnh Bình, đã hình thành từ mấy năm nay, nhưng trước đây chủ yếu thả nuôicá chạch để thử nghiệm. Từ năm 2020 đến nay, với sự tìm tòi đi tiên phong thử nghiệm, mô hình nuôi cá chạch lấu thành công của anh Giàu đem lại lợi nhuận cao, đã thực sự mở ra một hướng đi mới cho nhiều hộ nuôi cá chạch trong ao nổi lót bạt, ở xã Thạnh Bình.
Mô hình nuôi cá chạch lấu phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng, bền vững, dễ áp dụng, phù hợp với các hộ dân nông thôn ít đất sản xuất, vốn đầu tư thấp, cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích sản xuất.
Cùng với đó là hiệu quả môi trường, do tiết kiệm nước, giảm thiểu chất thải ô nhiễm môi trường do ít sử dụng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi, phù hợp với điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay, thời gian tới Ngân hàng CSXH huyện cần có chính sách ưu đãi cho nông dân và ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trên địa bàn huyện nhân rộng mô hình nuôi cá chạch lấu để nâng cao thu nhập.
Là một nông dân có ý chí làm giàu, tầm nhìn xa nên trong quá trình nuôi cá chạch thương phẩm và nhân giống cá bột và cá giống để cung cấp cho người nông dân có nhu cầu nuôi, lúc nào anh Giàu cũng năng động và sáng tạo tìm ra hướng đi mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Chính nhờ vậy mà cuối năm 2022, anh Giàu đã có thu nhập cao từ cá chạch lấu. Năm 2023, anh ước tính doanh thu sẽ cao hơn nhờ sản lượng cá chạch lấu thương phẩm nhiều hơn và cá chạch lấu giống cũng tăng lên.