Vô số dòng suối, thác nước ở Quảng Trị, có thác Ba Vòi, thác Tà Puồng đẹp như mơ, tha hồ chụp ảnh
Một vùng đất ở Quảng Trị vô số dòng suối, thác nước đẹp như mơ, ai lên cũng chụp, quay phim, trầm trồ
Chủ nhật, ngày 09/07/2023 10:11 AM (GMT+7)
Qua bao thời gian, thiên nhiên đã kiến tạo nên những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, hoang sơ giữa núi rừng miền Tây Quảng Trị. Trong đó có những địa điểm đã có sức hút lớn đối với khách du lịch như thác Ba Vòi (huyện Đakrông), hệ thống thác Tà Puồng (huyện Hướng Hóa)…
Đây cũng là những điểm có nhiều thuận lợi để sớm đưa vào khai thác tour du lịch trong thời gian tới.
Tiềm năng du lịch
Theo chân đoàn công tác của UBND tỉnh đi khảo sát thực địa tại các điểm du lịch phía Tây của tỉnh, tôi và nhiều người trong đoàn lần đầu được tiếp cận với thác Ba Vòi ở huyện Đakrông; hệ thống thác và hang động Tà Puồng ở huyện Hướng Hóa.
Dấu vết khốc liệt của đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 vẫn còn in hằn trên những dòng suối ngổn ngang cây cối, những hòn đá tảng còn vết nứt gãy mới bám phèn đỏ quạch, trượt xuống từ những quả núi lớn.
Thác Tà Puồng ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách -Ảnh: Đ.V
Từ bản Đá Ngồi của xã Hướng Hiệp, đoàn đi theo hướng Tây vượt qua nhiều con suối, những cánh rừng nguyên sinh và những bãi đá lớn dọc đường theo đường đi. Sau hơn 2,5 giờ đi bộ băng rừng vượt suối, đoàn đã tiếp cận với chân thác Ba Vòi.
Dù ai nấy đều mệt nhoài sau chặng đường rừng gian nan nhưng khi tận mắt chứng kiến thác Ba Vòi đều không khỏi trầm trồ trước bức tranh hùng vĩ trước mặt. Mọi người quên đi mệt nhọc và trở nên phấn chấn. Nhiều người vục nước dưới hồ thác rửa mặt tươi tỉnh rồi tranh thủ checkin lưu lại những bức hình kỷ niệm…
Một số khác thì mạo hiểm khám phá thác Ba Vòi 2, Ba Vòi 3 - nằm lần lượt ở phía trên thác Ba Vòi 1. Tuy vậy, muốn khám phá những thác phía trên đòi hỏi người đi phải thật sự can đảm, thích mạo hiểm bởi muốn đến được những điểm đó phải tiếp tục chinh phục thêm quãng đường hàng trăm mét gần như dựng đứng men theo lối mòn trên vách núi.
Sau khi chinh phục 3 tầng thác Ba Vòi, đoàn tập trung ăn uống, nghỉ ngơi bên bãi đá dưới chân thác 1 để trở về, tiếp tục cho chặng đường chinh phục hệ thống thác và hang động Tà Puồng ở huyện Hướng Hóa vào ngày hôm sau.
Sau một đêm nghỉ ngơi tại khu du lịch nhà vườn Bungalow Năm mùa ở thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, đoàn tiếp tục tiếp cận thác Tà Puồng từ hướng thôn Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt. Theo lãnh đạo địa phương thì thác Tà Puồng là một cụm danh thắng gồm 1 động và 2 thác nước: Động Tà Puồng nằm ở trên cao, rộng khoảng 10 m và ăn sâu vào lòng núi khoảng 200 m, người dân địa phương cho biết động này còn kéo dài đến hàng cây số nữa.
Trong động có nhiều thạch nhũ và suối nước, nhiều điểm vòm trong động khá cao, rộng. Dân địa phương cho biết, trong chiến tranh động là nơi trú ẩn của người dân trong vùng.
Cách động Tà Puồng khoảng 1,5 km về hạ lưu là thác Tà Puồng 1, ngọn thác có độ cao trên 20 m chảy thẳng từ lưng chừng núi xuống dưới qua những vách núi đá thẳng đứng, hiểm trở, có sức hút đối với người đam mê mạo hiểm.
Dưới thác 1 này có nhiều tảng đá lớn, đủ hình dáng và khá bằng phẳng giúp du khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh và chụp hình. Cách thác Tà Puồng 1 khoảng 20-25 phút đi bộ qua con đường mòn hiểm trở là thác Tà Puồng 2. Đây cũng là điểm vui chơi yêu thích của du khách khi nơi này có ngọn thác gồm nhiều nhánh đổ xuống từ độ cao hơn chục mét tạo thành lòng hồ nước xanh mát, trong vắt rộng khoảng 5.000 m2 . Nhiều người có thể thỏa thích tắm mát hoặc bơi thuyền ngắm cảnh tại đây.
Thời gian qua, thác Tà Puồng đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh mê mạo hiểm, khám phá, nhất là những người trẻ tuổi. Bạn Hồ Thị Son ở xã Hướng Phùng chia sẻ: “Nghe mọi người nói nhiều về Tà Puồng và dù ở rất gần nhưng dịp này em mới lên được nơi này. Không ngờ quê mình lại có địa điểm đẹp như Tà Puồng, em sẽ giới thiệu cho nhiều bạn bè đến tham quan”.
Những gợi mở tâm huyết…
Chuyến khảo sát thác Ba Vòi, thác Tà Puồng lần này do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dẫn đầu. Mục đích chuyến đi là nhằm khảo sát, tìm hiểu thêm những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc để tìm hướng tháo gỡ, qua đó có kế hoạch đầu tư, phát triển và khai thác du lịch một cách cụ thể trong thời gian tới.
Sau chuyến khảo sát, đoàn đã có cuộc họp tổng kết chuyến đi, nhằm tranh thủ thêm ý kiến của các thành viên đoàn và địa phương. Trong đó đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện mong muốn sớm đưa những điểm du lịch này vào khai thác một cách phù hợp, hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ thông tin, thời gian qua chuỗi các địa điểm du lịch trên địa bàn như: Thác Chênh Vênh, thác Tà Puồng, động Brai, sân bay Tà Cơn, điện gió Hướng Linh, đèo Sa Mù, cung đường Hồ Chí Minh… đã rất có sức hút khách du lịch đến khám phá.
Qua đó ông Hổ kiến nghị: “Tỉnh và các ngành cần quan tâm hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tăng cường quảng bá, kết nối để phát triển các điểm thành một tuor du lịch liên hoàn, bài bản nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch hiện có trên địa bàn huyện”.
Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa Hà Văn Hoan cho biết khu bảo tồn có nhiều cảnh quan rừng tuyệt đẹp, nằm ở độ cao 1.550 m nên có thể quan sát được hệ sinh thái rừng đa dạng. Vì vậy, có thể phát triển du lịch theo hướng du lịch mạo hiểm nhưng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách; sử dụng các homestay đồng thời lưu ý đến việc quảng bá, tiêu thụ nhiều sản phẩm đặc sản địa phương như: Mật ong rừng Sa Mù, thổ cẩm, sản phẩm từ tre trúc…
Vẻ đẹp của thác Ba Vòi, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị -Ảnh: Đ.V
Về phía doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Oxalis - đơn vị uy tín chuyên tổ chức tour du lịch quốc tế thám hiểm, khám phá hang động ở tỉnh Quảng Bình cho rằng: Đối với thác Ba Vòi, tỉnh Quảng Trị cần hướng khai thác về sản phẩm du lịch trekking (đi bộ đường dài, đi bộ leo núi) khám phá mạo hiểm, mỗi tour chỉ chừng 15 khách, dựng lều cắm trại nghỉ 1 đêm, có thể tính đến chinh phục các đỉnh núi cao hơn ở xung quanh.
Về thác Tà Puồng, theo ông Á nên đầu tư khai thác du lịch kết hợp mạo hiểm - tham quan - trekking; tại các điểm du lịch cần tạo các bậc chụp hình, những điểm bơi lội, điểm tắm, leo dây…
Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch phù hợp nhiều đối tượng (mạo hiểm khám phá, khách phổ thông, khách phượt) kết hợp trải nghiệm ẩm thực, tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số quanh vùng, đưa vào các sản phẩm độc đáo của địa phương.
Anh Lê Kiên Trung, đại diện một đơn vị truyền thông du lịch ở Hà Nội sau khi tham quan điểm thác Tà Puồng thì cho rằng: Theo tôi, tỉnh cần chuẩn bị đầy đủ thông tin cần thiết về các địa điểm để sẵn sàng cung cấp cho nhà đầu tư khi họ muốn tìm hiểu, bởi thông tin minh bạch sẽ dễ dàng tạo lòng tin thu hút các nhà đầu tư hơn.
Ngoài ra, tôi nhận thấy Quảng Trị phát triển du lịch muộn nên sẽ kẹt giữa hai địa phương đã có du lịch rất phát triển là Thừa Thiên Huế và Quảng Bình, bởi vậy nếu muốn phát triển du lịch thì cần tạo được những sản phẩm độc đáo, riêng biệt… và khi thực hiện cần sự hỗ trợ tốt của các chuyên gia có năng lực, giàu kinh nghiệm”.
Đóng góp thêm ý kiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Trị Phạm Công Vinh cho rằng để phát triển du lịch hiệu quả hơn thì cần tính đến sự kết hợp du lịch biển đảo - du lịch miền Tây Quảng Trị - du lịch tâm linh. Vì vậy, cần tính toán đến thời điểm, thời gian du khách đến tham quan nhiều địa điểm du lịch và được thụ hưởng hết các dịch vụ của địa phương.
Ngoài ra theo ông Vinh, tại địa điểm thác như Ba Vòi cần đưa vào khai thác du lịch dã ngoại, đào tạo ngoại khóa sẽ phù hợp hơn và có thể kết hợp thêm tổ chức trò chơi dân gian như bắn cung, tắm suối, câu cá suối.
Đối với hang động Tà Puồng cần khai thác tương tự như các hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng và cần các chuyên gia nghệ thuật đặt tên cho các điểm độc đáo của hang, gắn thêm những câu chuyện độc đáo cho các điểm du lịch để tạo sức hút cho du khách; tiếp tục khảo sát quy mô, chiều dài của hang động…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam: Trước mắt tỉnh sẽ biến những địa điểm được khảo sát trở thành điểm đến quen thuộc, hấp dẫn đối với Nhân dân trên địa bàn và khách du lịch. Song song đó sẽ triển khai công tác quy hoạch với tỉ lệ 1/2.000 ngay trong năm 2021 đối với điểm du lịch thác Ba Vòi, Tà Puồng; giao Sở Giao thông vận tải lập dự án đầu tư xây dựng đường giao thông, bãi đỗ xe phù hợp tại các điểm du lịch nói trên.
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hiệu quả. Nếu được quan tâm đầu tư đúng hướng, cùng sự chung tay tâm huyết và trách nhiệm của các ban, ngành, các đơn vị doanh nghiệp trong thời gian tới, kỳ vọng rằng du lịch tỉnh Quảng Trị nói chung, du lịch miền Tây tỉnh nói riêng sẽ được đánh thức đúng nghĩa. Qua đó biến những tiềm năng, lợi thế về du lịch của Quảng Trị trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực của tỉnh trong tương lai gần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.