Có mặt tại xã Kim Trung (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), phóng viên Dân Việt quan sát nhiều người dân đang tranh thủ nước rút, cũng như thời tiết nắng to để ra khu vực nuôi trồng thủy sản của gia đình vớt rau câu hay còn là "lộc trời".
Clip: Người dân huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), vớt thứ rau câu đen sì phơi khô bán giá 6.000 đồng/kg
Gần 12 giờ, ông Hùng (xã Kim Trung) cùng con trai đang nhanh chóng vớt rau câu lên bờ cho biết: "Hiện diện tích ở đây tôi đang nuôi con tôm, cá…nhưng hàng năm vẫn thu nhập thêm 50 triệu đồng từ vớt rau câu phơi khô để bán. Đây là loài rau chủ yếu mọc tự nhiên, không cần đầu tư, chăm sóc mà vẫn có tiền đều".
Theo ông Hùng, thứ rau câu đen sì ở đầm tôm, cá được người dân nơi đây gọi rau câu hay là "lộc trời" ban tặng. Bởi loài rau câu này mọc tùy từng đầm, ao, chứ không phải ở nào cũng có.
Qua tìm hiểu, khi vớt rau câu lên bờ, người dân phải phơi qua nắng khoảng 2-3 ngày là thương lái đến tận nơi thu mua với giá hơn 6.000 đồng/kg. Nghề vớt rau câu là dễ nhưng phơi rau câu thì vất vả hơn nhiều.
Ông Hùng (xã Kim Trung) chia sẻ: "Để rau câu khô đều, đẹp màu…người phơi rau câu phải chịu khó trải thành lớp mỏng, thường xuyên trở tay. Phơi rau câu cũng giống như phơi lúa, không được để nước mưa vào, rau câu rã ra thì coi như bỏ đi".
Theo quan sát, rau câu mọc tự nhiên được người dân các xã ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) gọi là "lộc trời" xuất hiện từng đám dưới nước. Nhìn kỹ hơn rau câu giống như một búi cước lùng nhùng, cầm lên tay cảm nhận trơn nhớt, có màu đen, đan xen một số cọng vàng.
Được biết, rau câu thực chất là một loại rong biển mọc tự nhiên ở trong các ao, đầm nuôi trồng thủy sản mà người dân không phải mất công trồng. Tuy nhiên rau câu xuất hiện nhiều hay ít còn tùy vào chất đất, chất nước của từng đầm và phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Những tháng mát trời, rau câu phát triển tốt, sản lượng tăng cao, còn những tháng nắng, nóng rau câu chậm phát triển thì sản lượng giảm. Rau câu giống như một loại tảo giàu chất dinh dưỡng nên được sử dụng trong chế biến thực phẩm, thức uống giải khát...
Thông thường rau câu được người dân các xã ven biển huyện Kim Sơn thu hoạch trước khi thả vụ tôm, cá mới xuống ao đầm. Vì rau câu làm hạn chế lượng oxy trong nước của đầm nuôi, dẫn tới giảm năng suất của các loại thủy sản khác.
Ông Vũ Trường Thu-Chủ tịch UBND xã Kim Trung (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) cho biết: "Toàn xã có khoảng 277 ha đất nuôi trồng thủy sản (chủ yếu nuôi nước mặn và lợ). Năm 2023, sản lượng nuôi trồng toàn xã dự kiến ước đạt 150 tấn các loại cá, tôm... Tỷ trọng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản trong cơ cấu sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 47%.
Riêng nghề vớt rau câu phơi khô mọc tự nhiên trong các đầm nuôi trồng thủy sản ở địa phương có hàng chục năm nay. Năm 2022, toàn xã Kim Trung thu hoạch được từ 180-200 tấn rau câu khô, giá bán giao động từ 6.000-6.500 đồng/kg.