Trồng "lung tung" đủ thứ rau, có 3 sào đất, một nông dân Bình Phước ngày nào cũng thu vào 1,7 triệu

Chủ nhật, ngày 09/07/2023 19:16 PM (GMT+7)
Với 3 sào rau trồng trong nhà lưới, mỗi ngày gia đình ông Phương (thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) thu hoạch khoảng 150kg rau các loại. Rau sạch, giá rau bán phải chăng nên cung không đủ cầu, thương lái đến tận nơi mua. Mỗi ngày, vườn rau đem lại thu nhập cho gia đình ông khoảng 1,7 triệu đồng.
Bình luận 0
Nhằm giúp nông dân trồng rau thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ, nắm bắt được quy trình sản xuất mới, quen dần với việc sản xuất rau theo hướng hữu cơ an toàn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước đã tuyển chọn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp thực hiện dự án “Xây dựng vùng chuyên canh trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn” trên địa bàn Bù Đốp.

Trồng rau an toàn thì quy trình kỹ thuật phải đảm bảo

Gia đình ông Lại Văn Bảy ở ấp 8, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp gắn bó với nghề trồng rau đã 14 năm. Trước đây, ông làm theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và phân bón hóa học, nên thu nhập từ trồng rau chỉ đủ để gia đình đắp đổi cuộc sống qua ngày. 

Năm 2020, thụ hưởng dự án “Xây dựng vùng chuyên canh trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn”, gia đình ông được đầu tư trang thiết bị làm nhà lưới, chuyển giao công nghệ sử dụng phân vi sinh, thuốc sinh học… vào chăm sóc rau an toàn. 

“Thời gian gia đình trồng rau theo phương pháp truyền thống thì rau bị sâu bệnh nhiều. Từ ngày được hỗ trợ nhà lưới, tôi trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn, hiệu quả kinh tế tăng gấp 2-3 lần” - ông Bảy cho biết.

Trồng "lung tung" đủ thứ rau, có 3 sào đất, một nông dân Bình Phước ngày nào cũng thu vào 1,7 triệu - Ảnh 1.

Ông Lại Văn Bảy, ấp 8, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng rau xanh.

Với diện tích 4 sào, ông trồng nhiều loại rau, như: cải, mồng tơi, rau muống, rau dền… hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, nước tưới cũng sạch nên rau luôn đảm bảo an toàn. Ông Bảy chia sẻ, trồng rau an toàn thì quy trình phải kỹ. 

Thu hoạch xong cần rải vôi bột khử trùng, sau đó cày và phơi đất cho sạch bệnh, rồi mới bắt đầu trồng vụ sau. Đặc biệt, quy trình trồng, chăm sóc tuyệt đối không xịt thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học mà chỉ bón lót phân chuồng, phân vi sinh. Trung bình mỗi ngày gia đình ông Bảy xuất bán khoảng 2 tạ rau.

Người trồng rau hưởng lợi trước

Cũng thụ hưởng từ dự án “Xây dựng vùng chuyên canh trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn”, gia đình ông Vũ Văn Phương ở ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp đã đầu tư mô hình trồng rau an toàn bài bản. 

Với 3 sào rau trồng trong nhà lưới, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch khoảng 150kg rau các loại. Sản phẩm sạch, giá bán phải chăng nên cung không đủ cầu, người dân đến tận nơi mua. Mỗi ngày, vườn rau đem lại thu nhập cho gia đình ông khoảng 1,7 triệu đồng.

Trồng "lung tung" đủ thứ rau, có 3 sào đất, một nông dân Bình Phước ngày nào cũng thu vào 1,7 triệu - Ảnh 2.

Ông Vũ Văn Phương, ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước chăm sóc vườn trồng các loại rau của gia đình.

Theo kinh nghiệm trồng rau lâu năm của ông Phương, để rau không bị sâu bệnh tấn công thì không nên trồng đại trà mà trồng thành từng khu vực độc lập, mỗi khu trồng một loại khác nhau. 

Trong quá trình chăm sóc rau, sử dụng men vi sinh nấm trichoderma để đối kháng sâu bệnh hại, đồng thời bón phân vi sinh. 

Bên cạnh đó, phải xử lý đất bằng vôi bột để ổn định độ pH, tạo môi trường sâu không thích ở, không thích đến. Chính vì vậy, vườn rau của gia đình ông không bị sâu bệnh hại, sản phẩm luôn tươi, sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng. 

“Trồng rau an toàn, người trồng hưởng lợi trước vì ít sử dụng thuốc hóa học, chi phí chăm sóc giảm, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn” - ông Phương chia sẻ.

Gia tăng lợi ích

Trồng rau sạch, an toàn là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp đang được người dân huyện biên giới Bù Đốp triển khai, mở rộng nhằm nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.

Trồng "lung tung" đủ thứ rau, có 3 sào đất, một nông dân Bình Phước ngày nào cũng thu vào 1,7 triệu - Ảnh 3.

Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp hướng dẫn ông Vũ Văn Phương (bìa phải) cách thức chăm sóc rau theo hướng hữu cơ an toàn

Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, Chủ nhiệm dự án “Xây dựng vùng chuyên canh trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn” trên địa bàn huyện Bù Đốp cho biết, ngay sau khi được tuyển chọn, các thành viên dự án đã tiến hành xây dựng 3 mô hình, với quy mô 3.000m2/mô hình tại Bù Đốp. 

Đồng thời tập huấn quy trình canh tác rau theo hướng hữu cơ an toàn cho ít nhất 120 nông dân trên địa bàn huyện. Qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn canh tác trong nhà lưới và sử dụng các loại men vi sinh đã đem lại hiệu quả phòng trừ sâu bệnh hại rất cao, góp phần thúc đẩy hình thành vùng chuyên canh trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn. 

Từ đó, giúp tăng năng suất rau và đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Kết quả, hiệu quả kinh tế tăng 42,4%, trung bình mỗi hộ đạt gần 757 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân đánh giá rất cao về trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn vì giúp bà con bảo vệ sức khỏe, rau ít bị sâu bệnh hại, năng suất cao. Sản phẩm được thị trường đón nhận rất tốt.


Người mua vào tận vườn kiểm tra thấy thực sự là rau an toàn nên đặt mua với số lượng lớn, hầu như cung không đủ cầu. Hiệu quả kinh tế từ trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn cao hơn nhiều lần so với phương pháp trồng rau truyền thống.

Thạc sĩ ĐỖ HỮU ĐỨC, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp

Huyện Bù Đốp hiện có 830 ha rau các loại, chiếm gần 20% diện tích cây hằng năm. Cây rau màu tương đối phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. Các loại rau được trồng phổ biến hiện nay ở Bù Đốp là: cải bẹ xanh, cải ngọt, mồng tơi, rau muống, thiên lý, khổ qua… Tuy nhiên, nhiều diện tích trồng rau trên địa bàn huyện dựa theo quy trình canh tác không hữu cơ, thiên về hóa học và thiếu tính bền vững. Do vậy, dự án thành công góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân trồng rau.

“Bà con thấy được hiệu quả từ trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn nên đã đến các mô hình học tập và nhân rộng. 

Chuyển giao từ dự án là ứng dụng nhà lưới, các chế phẩm hữu cơ men vi sinh, phân hữu cơ vi sinh để trồng rau. Ngoài ra, hạn chế thuốc hóa học, tăng cường thuốc trừ sâu sinh học cho vườn rau để người dân có rau sạch sử dụng” - Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức cho biết.

Dự án “Xây dựng vùng chuyên canh trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn” trên địa bàn huyện Bù Đốp thành công đã tác động đến nhận thức và phương thức canh tác của nông dân. 

Từ đó, nông dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ, nắm bắt được quy trình sản suất mới, quen dần với việc sản xuất rau theo hướng hữu cơ an toàn. Từ đó, tạo tiền đề phát triển vùng sản xuất rau theo hướng hữu cơ an toàn ở địa phương.

Hiền Lương (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem