Hàng vạn câu hỏi vì sao nảy ra trong đầu anh nông dân Nguyễn Văn Phong (xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Và thế là từ lòng kiên trì, không từ bỏ, anh đã giải quyết được đống câu hỏi tại sao và hiện thực được khát vọng cháy bỏng của mình...
Khi đang học phổ thông, Nguyễn Văn Phong (xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) nổi tiếng là chàng trai cấy lúa nhanh và đi đổi công nhiều cho các gia đình trong làng. Tiếng máy cày, máy gặt là những âm thanh đã quá quen thuộc trên những cánh đồng làng quê.
Thế nhưng, máy cấy thì lại vô cùng khác, làng quê nơi chàng trai sinh năm 1983 này sinh sống cũng không ngoại lệ, vẫn cấy lúa bằng tay. "Dù cho làn sóng cơ giới hóa đã tràn về khắp rồi nhưng ở quê mình vẫn chưa thay đổi cấy tay" – anh Phong nhớ lại.
Phong khẳng định, thời đại ngày nay, cấy lúa bằng tay là "phân khúc gian khổ" cuối cùng của nhà nông.
Máy cấy trên thị trường vẫn có đấy, nhưng nhập khẩu tới 180 triệu một chiếc, chẳng hộ dân nào kham nổi. Giá thành cao, cỗ máy lớn phải người khỏe mạnh, lực lưỡng mới vận hành được, nó cồng kềnh khó cơ động.
Ngày trước cả làng bắc khay mạ rồi thuê máy cấy, nhưng đợi đến lượt nhà mình thì mạ đã cứng, quá tuổi, chậm thời vụ. Vì thế mà sinh ra những chuyện chẳng hay trên cánh đồng và tình làng nghĩa xóm vì có tiêu cực của ông "cai đầu dài"... Thế là đành trở lại cấy bằng tay và bám mặt với ruộng đồng, gập cong lưng người. Một lần ra đồng cấy lúa cho mẹ, Phong bảo: "Con quyết tâm làm cho mẹ cái máy cấy". Mẹ nói vui, "rứa thì tao đỡ còm lưng".
Làng trên xóm dưới, gái trai thanh niên, người trung tuổi cũng xa quê làm ăn, mưu sinh. Ở quê chỉ còn người già, người yếu bám trụ với ruộng đồng. Phần cấy là công đoạn mệt nhọc nhất, tìm người cấy thuê cũng chẳng có, nhiều hộ "tặc lưỡi" bỏ hoang một phần ruộng. Bạn rủ Phong vào Nam làm công ty, nhưng không, anh bám trụ ở lại bởi nung nấu về chiếc máy cấy cho mẹ và dân làng...
Quyết tâm là thế nhưng làm sao để có chiếc máy cấy gọn, nhẹ, có thể mang vác được, giá thành cực kỳ thấp, người già vận hành được, sử dụng cơ động trên mọi điều kiện đồng thửa, từ ruộng bậc thang đến trung du, đồng bằng thẳng cánh cò bay. Cứ nghĩ đến hình ảnh người già yếu lớn tuổi vận hành máy cấy trên đồng ruộng để người khỏe mạnh đi làm công việc khác kiếm tiền... cứ thôi thúc chàng trai chân lấm này.
Internet với Phong chính là người thầy đầu tiên và vĩ đại nhất mở ra cho anh những kiến thức ban sơ về máy cấy. Chàng trai này tìm khắp các ngóc ngách trên internet, nghiên cứu từng nội dung rồi tổng hợp lại cho mình. Bài này nói đến mô phỏng chung, video kia phân tích nguyên lý cơ bản về máy cấy... Cứ như thế, từ lý thuyết, Phong bắt đầu chuyển thành thực tế cơ khí ngay tại cái góc sân nhỏ dưới bờ tre nhà mình. "Mình không phải kỹ sư chi cả, mình lam lũ ruộng đồng, chỉ vì đam mê và khát vọng thôi nên rất mất thời gian mày mò, vất vả"- Phong kể.
Và liên tiếp thất bại đã làm cho anh "nếm mùi đời", những cỗ máy lắp xong, chạy thử, thất bại, bán sắt vụn... Nguyễn Văn Phong bảo, gần 3 năm ròng liên tiếp thất bại, số tiền góp nhặt để sửa nhà cũng tan tành hết. Thử nghiệm trên ruộng lúa của gia đình, thất bại. Máy không cấy được như mong muốn.
Sợ bố mẹ buồn, Phong vác máy đến ruộng của những hộ dân khác để xin thử nghiệm, vẫn thất bại. Một số hộ dân nhiệt tình, ngừng việc cấy đến quá cả tuổi mạ để chờ để chàng thanh niên này mang máy về chỉnh sửa, quay lại tiếp tục thử nghiệm máy cấy. Và lại thất bại. "Buồn vô cùng. Giữa trưa vác máy từ ngoài đồng về, càng mệt mệt nhọc hơn vì nặng trĩu tư tưởng"- Phong nhớ lại.
Tin xấu loan nhanh, anh kể: "Ai cũng bảo tôi thua rồi, máy cấy của thằng Phong thất bại toàn tập, bán sắt vụn. Ai cũng lắc đầu, cười cợt, chỉ mỗi vợ là im lặng. Sự im lặng đó cũng đủ để động viên tôi lắm rồi".
Khi khát vọng vẫn lớn nhưng không còn tiền để thử nghiệm thì giải pháp của Phong là xin đi làm cho một công ty cách nhà gần 30km. Tiền lương có được cộng với thu nhập từ ruộng vườn lại tiếp tục cho vào thử nghiệm với những lượt máy cấy theo ý muốn của riêng mình.
Và rồi, vào một ngày năm 2019, Nguyễn Văn Phong đã được đền đáp, khi nguyên nhân cuối cùng của thất bại được anh "sờ thấy", cho ra kết quả những luống cấy ngay ngắn, đều tắp, thẳng hàng. Giữa trưa nắng rát như ai ném lửa vào mặt nhưng nỗi vui mừng khôn xiết làm quên hết mệt nhọc, Phong như muốn khóc trên cánh đồng khi chiếc máy cấy đầu tiên thành công.
Chiếc máy cấy đầu tiên ấy để dành mẹ và mẹ đã "thẳng lưng" với ruộng đồng. Dù vẫn còn một vài khuyết điểm nhỏ nhưng với tốc độ "nhanh như máy", những hàng mạ xanh đều thẳng tắp chạy nhanh phía sau lưng mẹ - chàng trai sung sướng.
Tiếng lành đồn xa, một thời gian rất ngắn, đã có khách từ một số huyện vựa lúa của tỉnh Nghệ An như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu tìm đến nhà Phong để tìm hiểu về máy và họ quyết định đặt mua. Từ đó, mảnh ruộng trước nhà Phong luôn được gieo mạ quanh năm để có nguyên liệu cho khách hàng chạy cấy thử.
Người dùng mách bảo nhau, chiếc máy của Phong lan ra ngoại tỉnh, được đón nhận, một phần bởi đức tính hiền lành, khuôn mặt toát vẻ chân thành, tận tâm, Phong có thể chạy hàng trăm cây số đến tận nơi để sửa lỗi, hoặc có khi anh có mặt chỉ để thuyết phục bởi có hộ xin trả máy vì không quen... bắc mạ bằng khay.
"Mình học được những kiến thức căn bản từ internet, thì tại sao lại không giới thiệu sản phẩm của mình trên internet?". Câu hỏi đó được anh tự trả lời bằng những đêm mày mò đưa hình ảnh chiếc máy cấy của mình lên internet. Lúc đầu khá nghiệp dư, vụng về nhưng càng dần rút được kinh nghiệm nên việc giới thiệu trên mạng internet cũng khá hơn.
Những cơn gió phơn nóng rát cuộn xuống từ triền núi làm phần phật tệp phiếu gửi máy qua đường bưu chính mà khách hàng đặt mua. Địa chỉ nhận là những nông dân khắp các miền quê ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Điện Biên...
Lật giở những trang giấy kín mít chữ trong quyển sổ ghi chép, đếm vội ở xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), có hơn 60 máy cấy đã đặt mua của Phong. Rồi ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống cũng hơn 100 cái bao gồm máy chạy bằng động cơ xăng và ắc quy. Phong bảo, đây là thời em chưa học vi tính excel, chứ hiện nay thì em không phải ghi sổ nữa mà đã lập thành tệp dữ liệu khách hàng trên máy tính rồi.
Ở xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), anh nông dân Lê Xuân Mười là một trong những hộ gia đình sử dụng máy cấy sớm nhất vùng miền Bắc. Với hơn một mẫu ruộng, trước đây cấy tay hết 10 ngày. Thuê người cấy 300 ngàn một công nhưng cũng không tìm ra người để thuê. Và khi cấy máy, thì anh Mười "chỉ giữ cho máy chạy. Sức tôi yếu nhưng một mẫu ruộng cấy một ngày xong khỏe". Nói về chuyện nhóm hộ, anh Mười hào hứng: "Tiền máy không nhiều, mỗi hộ góp vài triệu, mỗi nhóm 5 đến 6 hộ chung nhau, làm sướng, khỏe, vui".
Qua câu chuyện với bà con nơi đây mới biết anh Mười là "hạt nhân" của phong trào máy cấy. Anh Mười giải thích: "Trước đây dùng máy to cồng kềnh khó vận hành nên bà con bỏ máy quay về cấy tay hoặc để một số ruộng hoang. Từ khi tôi mang máy cấy của Phong về, rất gọn nhẹ, cơ động, chi phí rất thấp, người già yếu cũng dùng được. Bây giờ thì thành phong trào cấy bằng máy rồi".
Cũng theo anh Mười, nay việc ruộng đồng không còn vướng bận nhiều, mà mọi người đi làm dịch vụ, làm thợ xây, chăn nuôi để phát triển kinh tế mà mùa vụ lúa vẫn ổn, đất không bỏ hoang. Anh cười: "Bây giờ vụ cấy vèo cái là xong ấy mà, tôi đi chăn nuôi và làm thợ. Ngày chủ nhật như hôm nay mấy hộ chúng tôi rủ nhau đi câu cá giải trí trên hồ...".
"Không còn chổng mông cây lúa", bà Nguyễn Thị Ngừng mở đầu bằng câu nói hài hước nhưng thật là đúng, tươi cười khi đang vác máy cấy của mình từ cánh ruộng bậc thang về nhà. Ở tuổi gần 70, bà Nguyễn Thị Ngừng xã Thanh An, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) chép miệng: "Bỗng dưng anh Phong lại có cái máy cấy dành cho người già như tôi. Máy chạy bằng ắc quy, cấy khỏe re lại nhanh, nhanh lắm, nhẹ nhàng người già cũng vác được trên vai".
Bà Ngừng nói vui, từ khi có máy cấy, bà "đuổi" hết những lao động chính trong nhà và trong làng đi làm việc khác kiếm tiền hàng ngày. Ở vùng quê bán sơn địa này, hộ khá chút thì tự mua hẳn một máy, còn lại đa số là mấy hộ chung nhau mua, hộ nào khó khăn quá thì đã có ngân hàng cho vay. "Ở đây không hề có tý ruộng bỏ hoang, đặc biệt nữa là ngoài hai vụ lúa chúng tôi còn hứng thú làm thêm vụ khoai lang nữa. Từ cái máy cấy, các nhóm hộ chúng tôi tụ hội đoàn kết hơn, vui vẻ làm ăn kinh tế." - bà Ngừng nói.
Rồi bà Ngừng không quên "tiếp thị" đặc sản vật quê mình: "Gạo Séng Cù và khoai Thanh An là đặc sản nổi tiếng đang phát triển trở lại đấy".
Ông Trần Văn Hải – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên rất hào hứng khi trao đổi về chiếc máy cấy với việc giải phóng sức người trên đồng ruộng. Theo ông Hải, có chút khó về khay mạ, nhưng trồng lúa từ máy cấy, lúa đẻ nhánh nhiều và đều hơn.
"Máy cấy rất có ý nghĩa cho phong trào nhóm hộ nhỏ, chủ động tốt hơn lịch thời vụ, có điều kiện để gia tăng dịch vụ, công việc thu nhập khác. Ngày càng nhiều nhóm từ 4 đến 5 hộ chung nhau sử dụng một máy rất hiệu quả..."- ông Hải nói.
Được biết thêm ở Điện Biên, cơ giới hóa trong nông nghiệp, trong đó có máy cấy lúa đã được đưa vào nghị quyết của HĐND cũng như Hội Nông dân nên đã thay đổi đáng kể trong phát triển Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn.
Khi biết về máy cấy của Phong trên internet, một số nông dân ở Ấn Độ, Lào, Pakistan, Bờ Biển Ngà..., người thì tìm đến tận làng quê Quỳnh Trang của Phong thăm nhà và mục sở thị máy cấy ở xưởng, người thì trao đổi trên internet. Phong nhớ lại lần đầu tương tác với "Tây" trên internet, tay anh run run để vào trang google dịch. Việc trao đổi bằng tiếng Anh thời gian đầu làm Phong vã mồ hôi hột, nhưng khi thao tác trên google dịch nhiều nên dần thành thạo.
Với khách nước ngoài đến trực tiếp, Phong trao đổi rồi xách chiếc máy ra thửa ruộng trước sân nhà cho mạ lên chạy thử. Còn với khách nước ngoài không trực tiếp thì anh quay video rồi gửi cho họ xem. Với khách "Tây" anh đều áp dụng nguyên tắc giao tiền USD qua tài khoản ngân hàng chứ Phong không nhận tiền mặt. Máy gặt được anh cho vào thùng gỗ ván ép, đóng lại vuông vắn rồi xuất khẩu theo đường bưu chính.
Có khách "Tây" kỹ tính, khi trao đổi mua bán online họ nhất quyết theo nguyên tắc nhận hàng rồi mới chuyển ngoại tệ vào tài khoản ngân hàng cho Phong. Một trong những khách hàng đó ở Treichville, tỉnh Abidjan (Bờ Biển Ngà). Khó như thế nhưng khi nhận được máy rồi chạy cấy thử thì nông dân người Bờ Biển Ngà này phấn chấn gửi cho Phong trên Messenger và Email những dòng chữ "Good", "Great" (Tốt, tuyệt vời).
Nguyễn Văn Phong tiếc rẻ: "Có một số nông dân nước ngoài đặt mua máy, tôi đành phải bán bản vẽ cho họ với giá rẻ để họ tự lắp ráp bên nước người ta chứ không thể gửi máy cấy qua được do khó khăn trong thủ tục xuất khẩu hàng hóa...".
Tạm biệt chàng trai máy cấy, cùng bước chân lên khỏi thửa ruộng mạ chạy thử trước nhà, nghe Phong bày tỏ ước mong. Anh mong một số hộ nông dân hãy quyết tâm hơn kiên trì làm khay mạ - khâu then chốt "đầu vào" cho máy cấy; đơn giản hơn trong thủ tục xuất khẩu máy để mở rộng giao lưu với nông dân "Tây"...
Tiếp thu ý kiến của nông dân xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá) để điều chỉnh cho ngày càng hoàn thiện hơn.
Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"
- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.
- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.
- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).
- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).
Địa chỉ nhận tác phẩm:
Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.
Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).