Nuôi loài chim khổng lồ thích ăn cỏ uống nước lã, vài năm là thành… tỷ phú

Xuân Tuấn Thứ ba, ngày 04/07/2023 13:49 PM (GMT+7)
Anh Phan Sỹ Hải (xóm Trường Yên, xã Yên Mông, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) là người dám dấn thân trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện anh Hải trở thành đầu mối kết nối tiêu thụ giống chim khổng lồ đà điểu lớn nhất xứ Mường.
Bình luận 0
Nuôi loài chim khổng lồ thích ăn cỏ uống nước lã, vài năm là thành… tỷ phú - Ảnh 1.

Từ một anh thợ chuyên đi lắp điện nước, anh đã từ bỏ việc đi làm thuê để về quê khởi nghiệp nuôi đà điểu. Hiện anh Hải trở thành đầu mối kết nối tiêu thụ giống chim khổng lồ lớn nhất xứ Mường.

Đà điểu dễ nuôi, lợi nhuận cao

Giữa trưa, trời xứ Mường nóng như đổ lửa, anh Hải - chủ trang trại nuôi đà điểu lớn nhất xứ Mường - đang bận rộn chuẩn bị thức ăn cho đám đà điểu. Người đàn ông có dáng người to đậm, khỏe khoắn, thoăn thoắt cắt cỏ, vận hành máy xay cỏ... Trên khuôn mặt nhuộm màu nắng gió của người nông dân nhễ nhại mồ hôi, nhưng lại ngời lên niềm vui khó tả. Xay xong đám cỏ, anh lại vội đưa thức ăn vào máng cho đám đà điểu.

Nom thấy dáng ông chủ, đám đà điểu chạy thục mạng về phía máng ăn. Cả mấy trăm đôi chân cùng nện trên nền đất khiến trang trại bụi bốc mù trời. Anh Hải nhìn chúng với ánh mắt tràn đầy niềm vui: "Cứ từ từ, chúng bay có phần hết".

Anh đưa chậu thức ăn đến đâu, đám đà điểu chén sạch đến đó. Con nào con nấy ăn lia lịa, cứ như bị bỏ đói lâu ngày. Nhiều con ăn xong còn hơ hơ cái mỏ về phía ông chủ như muốn xin thêm thức ăn. Chúng tranh nhau ăn, nhưng lại rất có trật tự. Đơn giản là phía trước máng ăn, anh Hải hàn khung sắt chia thành từng ô, mỗi ô chỉ có một con chui cổ qua để ăn. Con nào con nấy biết thân, biết phận nên cứ lần lượt xếp hàng dài đợi đến lượt mình vào chén.

Am hiểu loài đà điểu, nuôi vài năm là thành… tỷ phú - Ảnh 1.

Nuôi đà điểu dễ hơn nuôi gà, nuôi lợn. X.T

Một con đà điểu từ khi thả giống cho đến khi đủ điều kiện giết thịt kéo dài khoảng 10 tháng. Đà điểu đạt trọng lượng 70- 100kg là anh Hải bán, với giá hiện tại 80.000 đồng/kg. Nuôi 1 con đà điểu, trừ mọi chi phí, lãi được 2-3 triệu đồng/con.

Nhìn đám đà điểu ăn uống no nê, anh Hải mới thở phào nhẹ nhõm. "Bọn này được cái ăn tạp. Mọi loại cây cỏ, mình cứ cho vào máy băm nhỏ là chúng chén tuốt. Nhưng món khoái khẩu nhất của chúng là cây xuyến chi hoa trắng. Bữa nào mà không có thứ cây này, chúng ăn uống không hào hứng lắm" - anh Hải cho hay, khi đám đà điểu ăn no rồi chạy vội ra máng uống nước ừng ực. Chẳng thế mà trong trang trại của anh, trồng rất nhiều hoa xuyến chi.

Nói về đám đà điểu, anh Hải như quên đi sự mệt mỏi và nóng bức mà người nông dân luôn phải đối diện. Trong khu trang trại rộng cả nửa ha của anh là hệ thống chuồng trại được xây dựng kiên cố. Khu ăn, khu uống nước, khu nghỉ của đám đà điểu được anh bố trí rất hợp lý. So với nuôi con bò, con lợn, anh Hải cho hay đám đà điểu dễ nuôi và dễ "chiều" hơn cả. 

Chúng cũng thuộc diện ăn cỏ uống nước lã, nhưng muốn chúng phát triển nhanh vẫn phải cho ăn thêm cám công nghiệp. Theo anh Hải, đà điểu ăn ít hơn lợn, lại tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ như cỏ, lá cây, nhưng chúng tăng trưởng trọng lượng lại không hề kém cạnh. Đà điểu nuôi 9 tháng là xuất chuồng được, mỗi tháng chúng có thể tăng 10kg. 

Chỉ đám đà điểu cao lêu nghêu, chạy hùng hục trong sân, anh Hải bảo: "Đám này tôi nuôi được có 2 tháng thôi, vậy mà có con nặng 30kg rồi đấy. Bọn này ăn khỏe và cũng lớn nhanh như thổi".

Am hiểu loài đà điểu, nuôi vài năm là thành… tỷ phú - Ảnh 3.

Anh Hải đã thành công khi nuôi đà điểu. Ảnh: X.T

Nuôi đà điểu đã được gần chục năm, nên anh Hải nắm rất rõ đặc tính, sinh trưởng, phát triển của chúng. Theo anh Hải, con đà điểu rất khỏe, ít khi bị bệnh. Tuy nhiên, khi xây chuồng trại cho chúng phải chú ý nhiều điểm. Hàng rào phải xây gạch, không nên dùng lưới B40 bao. 

Đà điểu là loài chim ăn tạp, nên mọi vật cứng từ cây, que, gạch đá trong chuồng chúng chén sạch. Nếu chúng ăn phải những thứ này sẽ chậm lớn và dễ sinh bệnh. Nền chuồng phải rải cát êm ái để chân của chúng không bị tổn thương do va vào các vật cứng.

Mở rộng nghề nuôi ra toàn xứ Mường

Câu chuyện của chúng tôi thường bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại của anh Hải. Cả ngày bận rộn chăm sóc đám chim không lồ, anh còn phải điều hành việc tiêu thụ sản phẩm. Cái khó nhất đối với người chăn nuôi hiện nay là gặp rất nhiều khó khăn về việc tiêu thụ sản phẩm, riêng anh Hải đã có những bước đi tắt đón đầu để mở rộng việc tiêu thụ thịt đà điểu. 

Anh Hải kể, quê anh ở Thanh Thủy (Phú Thọ) - nơi có cánh đồng lúa rộng bát ngát, có đất đồi để trồng cây, lẫn đất ở rộng cả nghìn m2. Vậy mà năm 2005, anh lại nên duyên với 1 cô gái xứ Mường, ở xã Yên Mông. Như là duyên phận, anh chuyển về quê vợ để làm ăn và lập nghiệp.

Vốn sẵn có nghề lắp điện nước, anh về thủ đô Hà Nội nhận công trình. Suốt nhiều năm làm lụng chăm chỉ, tích lũy được lưng vốn, anh trở lại đất Mường. 

"Nghề lắp điện nước có thu nhập rất ổn, nhưng mình suốt ngày trở thành chân sai vặt của người ta. Khi có được lưng vốn, tôi quyết định trở lại quê vợ tìm cách làm giàu" - anh Hải cho hay.

Trong những lần trở về quê, đi qua đất Ba Vì (Hà Nội), anh thấy bà con bán thịt đà điểu, rồi giò đà điểu. Anh mua thịt về chế biến và thấy thịt đà điều ăn rất ngon, bổ dưỡng. Anh lân la tìm hiểu, hóa ra ở đất Ba Vì đã thuần hóa và nuôi đà điểu đã trở thành một nghề. Cái máu con nhà nông trong anh lại nổi lên, anh bàn với vợ sẽ bỏ nghề lắp điện nước và xây dựng trang trại nuôi đà điểu. Cũng giống như bao người nông dân khác, anh khởi nghiệp mà chưa có kinh nghiệm gì về chăn nuôi.

Am hiểu loài đà điểu, nuôi vài năm là thành… tỷ phú - Ảnh 4.

Nuôi đà điểu tận dụng được nguồn thức ăn xanh tại chỗ. Ảnh: X.T

Trước ngày mua giống, anh đi thăm nhiều mô hình nuôi đà điểu ở Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên… Thăm cả người làm được lẫn những mô hình thất bại. Trong những chuyến đi đó, anh thích nhất là gặp những "đại gia" đã từng phất lên nhờ nuôi đà điểu và cũng chìm vì đà điểu. Qua câu chuyện của họ, anh rút ra được kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp.

Năm 2015, anh đón lứa đà điểu từ trung tâm giống về nuôi tại Yên Mông, bà con người Mường thấy lạ lẫm, kéo đến xem rất đông. Ai cũng nghĩ, một người thợ lành nghề điện nước như anh Hải khó mà nuôi đà điểu thành công. Bỏ qua mọi lời nghi kị hay chê bai, anh Hải âm thầm gây dựng trang trại của mình. 

Ngay trong lứa đà điểu đầu tiên xuất chuồng năm 2015, anh đã có lãi. Đám đà điểu dễ nuôi, dễ chiều, chứ không khó như nhiều người nghĩ. Mỗi ngày trôi qua, anh dần đúc rút được kinh nghiệm chăm sóc đà điểu. Từ vài chục con ban đầu, có lúc trang trại của anh nuôi cả mấy trăm con đà điểu.

Nuôi thành công, giờ đến việc tìm đầu ra cho đà điểu cũng cả một hành trình. Anh Hải kiên trì đi các nơi tiếp thị để bán thịt đà điểu. Không dừng lại ở đó, anh cũng nghiên cứu cải tiến cách chế biến giò từ thịt đà điểu… Những quyết tâm của anh Hải đã dần được đền đáp. Từ cơ sở nuôi đà điểu nhỏ lẻ ban đầu, đến giờ cơ sở của anh trở thành địa chỉ quen thuộc để khách hàng khắp nơi đặt mua thịt đà điểu. 

Bài dự thi tham dự Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem