Người chăn nuôi lợn đã có lãi
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, khoảng 2 tháng trở lại đây, giá lợn hơi đang hồi phục và tăng trở lại. Đặc biệt là thời gian gần đây, giá lợn hơi liên tục tăng và đến giờ đã đạt ở mức trên 60.000 đồng đến 65.000 đồng/kg.
"Theo tôi thấy đây là quy luật tất yếu của thị trường. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu tích cực để giúp người chăn nuôi lợn cũng như ngành chăn nuôi có điều kiện để tái đầu tư. Bởi, bà con chăn nuôi đã thua lỗ trong một thời gian dài", ông Dương nói.
Nói về nguyên nhân lợn hơi tăng giá, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định: Giá lợn hơi hiện tại cũng phản ánh được bản chất của vấn đề cung - cầu. Thứ nhất là sức mua của người dân đã tăng trở lại. Thứ 2 là nguồn cung giảm đi do nhiều người chăn nuôi bỏ trống chuồng vì dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, giá sản phẩm đầu ra thấp luôn dưới giá thành, trong khi đó chi phí chăn nuôi lợn quá cao nên nhiều trang trại cũng kiệt sức và không thể tiếp tục duy trì được công việc chăn nuôi.
Đến nay, số lợn sản xuất ra so với nhu cầu đang gặp nhau nên chính vì thế đã thúc đẩy giá lợn tăng lên. Ông Dương cũng cho rằng, chúng ta đã chú ý đến công tác kiểm soát đến vấn đề nhập khẩu, nhất là nhập lậu qua biên giới và người tiêu dùng trong quá trình sử dụng cũng đã xác định được giá trị của sản phẩm sản xuất trong nước nhất là thịt tươi, thịt lợn mát rất phù hợp với nhu cầu của người dân.
Dự báo về giá lợn hơi từ nay đến cuối năm, ông Dương cho hay: Dựa vào tình hình hiện tại, chúng ta chắc chắn rằng giá lợn hơi sẽ chỉ nằm trên trục khoảng 65.000 đồng/kg, giá này sẽ duy trì từ nay đến cuối năm. Với giá này, người chăn nuôi lợn ở các loại hình chăn nuôi đã có lãi.
Đến giời điểm này, giá thành chăn nuôi lợn vẫn nằm quanh mức gần 50.000 đồng/kg. Đối với các trại chăn nuôi khó khăn bị dịch bệnh, có thể giá thành chăn nuôi sẽ lên mức trên 50.000 đồng đến 55.000 đồng/kg nên với giá lợn bán ra đạt 65.000 đồng/kg, các trại vẫn có lãi.
Nhiều trang trại vẫn bị xóa sổ vì dịch tả lợn châu Phi
Để chăn nuôi an toàn, ông Dương khuyến cáo người chăn nuôi cần khôi phục và tái đàn có kiểm soát, không nên tăng đàn ồ ạt. Bởi sức mua sẽ không tăng tương thích nếu các trại tăng đàn ồ ạt.
Cùng với đó, nhà nước nên cấm hoàn toàn nhập lậu và cũng cần kiểm soát nhập khẩu chính ngạch đối với các sản phẩm chăn nuôi nói chung, chúng ta phải đảm bảo rằng, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu phải còn hạn sử dụng, phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và vừa đảm bảo sản chơi công bằng cho chăn nuôi trong nước.
Đồng quan điểm với Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ông Nguyễn Mộng Thuận - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm và trang trại chăn nuôi tỉnh Thái Bình cho biết, do nguồn cung giảm nhiều, nhất là từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều trang trại bị dịch tả lợn châu Phi tàn phá, có nhiều trại bị xóa sổ thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
"Trong hiện hội của chúng tôi có khoảng hàng chục trại bỏ trống chuồng, phần vì bị dịch tả lợn châu Phi, phần vì nhiều trại kiệt sức vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá sản phẩm đầu ra quá thấp nên bà con đã chuyển đổi nghề nghiệp. Đến nay, trong hội còn khoảng 200 trang trại với trên dưới 500.000 con lợn (giảm khoảng 100.000 con so với trước)", ông Thuận chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm và trang trại chăn nuôi tỉnh Thái Bình, tính đến ngày 9/7, giá lợn hơi có nơi đạt 67.000 đồng/kg, các trại bán thấp nhất cũng được 65.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi vẫn duy trì ở mức khoảng 55.000 đồng/kg, các trại chủ động được giống có thể có lãi khoảng từ 2 triệu đồng đến 2,2 triệu đồng/con lợn.
"Thời điểm này các trại có lợn xuất bán rất dễ tiêu thụ. Tuy nhiên hiện một số trang trại lớn và các doanh nghiệp chăn nuôi FDI đang có dấu hiệu bán cầm chừng để chờ giá lên đỉnh mới xuất chuồng. Khi đó, giá mặt hàng này cũng sẽ giảm dần và ở định ở mức dưới 70.000 đồng/kg", ông Thuận dự đoán thêm.
Dự báo thêm về giá thức ăn chăn nuôi, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay: Sắp tới giá thức ăn chăn nuôi vẫn sẽ năm ở mức như hiện tại và sẽ khó tăng tiếp. Bởi những trắc trở trong sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi của thế giới đang dần được tháo gỡ, nhất là sau đại dịch Covid-19 các chuỗi cung ứng toàn cầu dần đi vào ổn định. Các quốc gia sản xuất nguyên liệu ngũ cốc đã được khôi phục, trong xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đang được tháo gỡ dần nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn sẽ thuận lợi hơn, kéo theo giá thức ăn sẽ ổn định.