Trước thông tin giá lợn hơi tăng mạnh, Chủ tịch Dabaco nói: Lợn còn đầy chuồng, mỗi ngày bán cố được 600 con
Trước thông tin giá lợn hơi tăng mạnh, Chủ tịch Dabaco nói: Lợn còn đầy chuồng, mỗi ngày bán cố được 600 con
Trần Quang
Chủ nhật, ngày 09/07/2023 10:47 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho biết: "Nhiều ngày nay giá lợn hơi vẫn giữ ở mức 64.000 - 65.000 đồng/kg, sức tiêu dùng vẫn rất yếu, riêng Dabaco lợn được tuổi bán còn đầy chuồng nhưng mỗi ngày bán cố mới được 500 - 600 con".
Theo ông So, hiện trên một số phương tiện thông tin truyền thông và mạng xã hội thông tin giá lợn hơi tăng cao lên gần 70.000 đồng/kg, khan hàng. Tuy nhiên thực tế, nhiều ngày nay giá mặt hàng này vẫn giữ ở mức khoảng từ 63.000 - 64.000 đồng/kg.
"Thực tế là nhu cầu tiêu dùng thịt lợn có nhích lên một chút nhưng nguồn cung vẫn dồi dào. Riêng Dabaco lợn vẫn đầy chuồng, chúng tôi muốn bán 2.000 con đến 3.000 con/ngày nhưng mỗi ngày bán cố gắng mới được khoảng 600 con", ông So bộc bạch.
So với trước, hiện giá thành chăn nuôi lợn vẫn đang ở mức cao khoảng 5,6 triệu đồng/tạ lợn gồm chi phí thức ăn chăn nuôi khoảng 3,2 triệu đồng; lợn giống sản xuất tại chỗ 1,3 triệu đồng, thuốc thú y khoảng 1,5 triệu đồng, điện nước, nhân công, điện nước khoảng 800.000 đồng, cộng với tỷ lệ hao hụt khoảng 5%.
"Để đạt được mức giá thành này các trang trại phải chăn nuôi an toàn sinh học rất tốt, còn các trại nhỏ, chăn nuôi kém sẽ hao hụt nhiều hơn dẫn đến giá thành càng cao hơn", ông So nói và cho biết, theo chu kỳ chăn nuôi hiện tại thì đến khoảng tháng 9/2023 giá thành chăn nuôi mới giảm được. Bởi, giá thức ăn chăn nuôi giảm từ nhiều tháng trước nên tính đến tháng 9 mới có lợn xuất chuồng thì giá thành mới giảm được.
Dự báo về giá lợn trong thời gian tới, CEO Dabaco cho rằng, hiện sức tiêu dùng vẫn rất yếu, trong khi đó nguồn cung trong thời gian tới vẫn dồi dào nên giá lợn hơi vẫn khó tăng mà chỉ giữ ở mức 64.000 đồng/kg.
"Nếu giá lợn giữ ở mức này thì vẫn đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi. Tuy nhiên, Nhà nước phải kiểm soát được dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi mới giúp người chăn nuôi có thu nhập bền vững hơn", ông So khẳng định.
Cũng theo ông So, hiện nay công việc chăn nuôi của Dabaco vẫn khó khăn, thua lỗ nhiều. Đặc biệt là gia cầm, Dabaco vẫn thua lỗ nặng. Đến nay, đàn lợn của công ty vẫn luôn duy trì ở mức 300.000 con, lợn được tuổi bán ra thị trường khoảng vài con con nhưng hiện vẫn rất ế ẩm, khó tiêu thụ.
"Hiện sức mua của Trung Quốc cũng đang giảm 60-70%, sức mua của Việt Nam cũng thế nhưng chúng tôi nói ra không ai tin. Chúng ta phải chờ đến tháng 8/2023, xem tình hình cải cách tiền lương có biến chuyển, thu nhập của người dân tăng thì sức tiêu dùng mới tăng theo được.
Bên cạnh đó, chúng ta cung mong chờ vào đầu tư công tăng lên để tăng thêm việc làm và các doanh nghiệp FDI tăng xuất khẩu thịt vừa tạo thêm công ăn việc làm để tăng thu nhập cho người dân. Nếu tình hình xuất khẩu vẫn kém, thu nhập của người dân thấp như hiện tại thì việc tiêu thụ lợn của bà con vẫn khó khăn.
"Đến giờ Dabaco vẫn mong muốn sức tiêu dùng tăng lên để bán hết được số lợn trong chuồng thì tình hình làm ăn công ty mới sáng lên được", ông So chia sẻ.
Khảo sát tại nhiều chợ dân sinh, chúng tôi thấy giá thịt lợn mảnh có dấu hiệu nhích lên. Đơn cử như giá thịt ba chỉ tăng thêm 1.000 đồng/kg khoảng 13.000 đồng/kg; thịt thăn, vai khoảng 12.000 đồng/kg. Theo ông So, giá thịt lợn tại chợ tăng là do phải qua nhiều khâu trung gian.
"Họ nâng giá lên để bù đắp vào số lượng hàng bán ra hàng ngày. Trước đây, các tư thương bán được 2 con trên 1 ngày nhưng giờ bán tốt mới được 1 con nên họ phải nâng giá lên để duy trì lợi nhuận", lãnh đạo Tập đoàn Dabaco khẳng định.
Trong 3 tháng đầu năm, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần 2,314 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ gộp 70 tỷ đồng.
Bên cạnh sự thất bát của mảng kinh doanh cốt lõi, Dabaco còn phải gánh lãi vay lớn hơn. Trong kỳ, chi phí tài chính tăng 34% lên 70 tỷ đồng, chủ yếu là lãi vay. Các khoản chi phí khác giảm nhẹ.
Kết quả, Dabaco lỗ ròng 321 tỷ đồng trong quý 1/2023, đánh dấu quý lỗ lớn nhất từ trước đến nay. Đây chỉ mới là quý lỗ thứ 3 của đại gia nuôi lợn này kể từ khi lên sàn chứng khoán.
Theo lãnh đạo Dabaco, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi liên tục tái phát tại nhiều địa phương trong cả nước làm cho chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi sức mua giảm. Đồng thời, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường ở mức thấp suốt thời gian dài, dẫn tới kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.