Tại thôn Ia Sâm (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), hơn 6 năm trở lại đây, một số hộ dân đã chuyển đổi những diện tích hồ tiêu và cà phê kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.
Gia đình ông Lưu Văn Tuấn (trú tại thôn Ia Sâm) là một trong những hộ dân tiên phong trong việc trồng dâu nuôi tằm tại đây.
Ông Tuấn kể, trước đây gia đình có hơn 2 ha trồng hồ tiêu và cà phê. Cây hồ tiêu một thời từng được ví như "cây vàng đen" bởi hễ nhà nào trồng là có tiền. Tuy nhiên, diện tích cây trồng này sau đó phần bị dịch bệnh dẫn đến chết, phần thì kém hiệu quả dẫn đến năng suất thấp khiến gia đình ông gần như trắng tay.
Cách đây 5 năm, một chuyến đi thăm nhà bạn bè tại huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông), anh Tuấn tình cờ biết đến mô hình trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tìm hiểu thêm trên mạng và một số hộ nuôi tằm tại Đắk Nông, ông đã trồng thử 2 sào dâu. Chỉ sau 4 tháng trồng, lá dâu phủ xanh, gia đình ông bắt đầu mua 1 hộp tằm giống về nuôi.
Quá trình nuôi bước đầu, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa am hiểu hết quá trình sinh trưởng, phát triển của con tằm. Chính vì vậy, số lượng kén thu được không nhiều. Không nản chí, ông vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm để thuận lợi cho các đợt nuôi sau.
Nhận thấy tiềm năng mà nghề dâu tằm mang, gia đình ông tiếp tục chuyển đổi 2 ha cà phê, hồ tiêu còn lại qua trồng dâu.
"Đất đai ở đây phù hợp nên cây dâu phát triển rất tốt, lá to, dày và xanh. Ngoài ra, khí hậu cũng thuận lợi nên con tằm ít mắc bệnh và cho ra chất lượng kén đạt tiêu chuẩn. Với hơn 2 ha dâu hiện tại, tôi nuôi khoảng 4 hộp tằm giống mỗi tháng.
Đến cuối tháng thì tôi thu được 3 tạ kén và được đại lý thu mua với giá 180 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ đi các chi phí thì 1 tháng gia đình tôi thu về 40 triệu đồng. Mức thu nhập như thế này cao hơn rất nhiều so với trồng cà phê, tiêu. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thuê đất để trồng dâu nuôi tằm", ông Tuấn nói.
Giống như gia đình ông Tuấn, gia đình ông Lê Văn Dương (cùng trú tại thôn Ia Sâm, xã Ia Rong) cũng đã chuyển đổi gần 2 ha hồ tiêu để qua trồng dâu nuôi tằm.
Chia sẻ về mô hình, ông Dương cho hay, gia đình nhập tằm giống từ các cở sở lân cận với giá 1 triệu đồng/hộp. Sau thời gian chăm sóc khoảng 15 ngày là có thể thu hoạch kén, với năng suất trung bình đạt 60 kg kén/hộp. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông thu được khoảng 4-5 hộp kén, thu lãi hơn 30 triệu đồng.
"Nuôi tằm nói là khó thì cũng rất khó với những người chưa biết. Tuy nhiên, nếu người nông dân nắm vững kỹ thuật rồi thì khi làm lại rất dễ. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khu nuôi tằm và phải sát sao trong quá trình nuôi để sớm phát hiện tằm có bị bệnh hay không để kịp thời xử lý.
Thêm nữa, nếu như cà phê, hồ tiêu thì mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ còn trồng dâu nuôi tằm thì tháng nào cũng có kén để thu. Bên cạnh đó, giá kén những năm qua rất cao và ổn định nên đời sống của gia đình cải thiện lên nhiều", ông Dương nói.
Từ hiệu quả ban đầu và nhằm giúp cho người dân liên kết, sản xuất hiệu quả, từ năm 2021, Hội Nông dân xã Ia Rong đã thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm. Từ 4 thành viên ban đầu đến nay số lượng thành viên của chi hội đã lên tới con số 38. Tổng diện tích nuôi dâu của các thành viên là gần 30 ha.
Ông Lê Văn Kỳ, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm thôn Ia Sâm (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) cho biết: "Khi tham gia chi hội, các thành viên sẽ được học tập, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng dâu, chăm sóc con tằm để để đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, chi hội sẽ tư vấn, hướng dẫn các thành viên tìm nguồn giống dâu tằm chất lượng. Đến khi thu hoạch kén, bà con hoàn toàn yên tâm về đầu ra vì đã có HTX Tơ tằm Minh Hoá (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cam kết thu mua với mức khá cao, khoảng từ 180 – 200 ngàn đồng/kg".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Văn Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Rong (huyện Chư Pưh) cho biết, trước đây, người dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu nhưng quá trình sản xuất không hiệu quả, giá cả bấp bênh.
Do vậy, đơn vị đã tuyên truyền hội viên nông dân của xã chuyển đổi các diện tích tiêu, cà phê kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Qua khảo sát, mô hình có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cà phê tiêu từ 3 - 4 lần. Từ đó, đời sống của các hộ dân được nâng cao, ổn định hơn trước.
"Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục vận động các hội viên nông dân mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào chi hội trồng dâu nuôi tằm để họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình", ông Hảo nói.
CLIP: Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại thôn Ia Sâm (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đang tạo việc làm, thu nhập khá cho người dân địa phương. Thực hiện: Hoàng Lộc.