Mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang cần những cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo cú hích, đánh thức tiềm năng và mở hướng phát triển...
Loại hình du lịch nông thôn được hiểu là một chuỗi hoạt động, dịch vụ, tiện ích được cung cấp ở khu vực nông thôn nhằm mục đích khai thác thế mạnh, tiềm năng về nông nghiệp, bản sắc văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái... Đây là hình thức du lịch mang tính bền vững, giúp bảo tồn và phát triển nền văn hóa, lịch sử, truyền thống của một vùng đất, đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho người dân địa phương.
Ở Bắc Ninh, du lịch nông thôn chủ yếu là hình thức tham quan làng nghề, tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa, lễ hội... Gần đây, một số địa phương trong tỉnh bắt đầu xuất hiện mô hình đầu tư trang trại nông nghiệp kết hợp tham quan du lịch, chụp ảnh check in, mua sắm sản phẩm nông nghiệp. Tiêu biểu như trang trại nông nghiệp công nghệ cao Delco Farm ở Thuận Thành; mô hình trồng tía tô trong nhà kính ở Lương Tài; Hợp tác xã rau an toàn Ngăm Mạc ở Gia Bình; Trung tâm sản xuất thực nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tiên Du; Nông trại Liêm Anh ở Tiên Du...
Hiện nay, nhiều du khách rất ưa chuộng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn bởi chi phí phù hợp, vừa được thư giãn, hòa mình vào không gian trong lành, bình yên, vừa có thể thưởng thức những loại trái cây tươi ngon, an toàn ngay tại vườn và mua về làm quà tặng bạn bè, người thân... Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đưa con đến tham quan và trải nghiệm hái nho tại Nông trại Liêm Anh ở thôn Đông (Việt Đoàn, Tiên Du), chị Nguyễn Hằng Nga (phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) chia sẻ: Không đơn thuần là một chuyến du ngoạn mà còn là hình thức cho các con học tập qua trải nghiệm thực tế, được gần gũi thiên thiên, qua đó hiểu thêm về cuộc sống của người nông dân, biết trân trọng và yêu lao động. Tiếc là nông trại vẫn tập trung sản xuất và bán sản phẩm, chưa có ý thức đầu tư để làm du lịch nên các hoạt động trải nghiệm còn đơn điệu, dịch vụ chưa phong phú...
Nhìn tổng thể, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Ninh mới chỉ manh nha tại một vài địa điểm với những dịch vụ đơn lẻ, manh mún, rời rạc và tự phát, thiếu sự sáng tạo và tính liên kết đồng bộ để tạo thành chuỗi dịch vụ chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đa dạng nên nguồn thu không lớn, thường chỉ tập trung vào bán các sản phẩm làng nghề, nông sản... Vậy làm thế nào để phát triển du lịch nông thôn bền vững, mở được các tour du lịch nông nghiệp và làm thỏa mãn sự háo hức khám phá của du khách với những trải nghiệm thú vị khi chọn điểm đến là vùng nông thôn Bắc Ninh?
Trong đề án phát triển du lịch của tỉnh định hướng đến năm 2030, Bắc Ninh tập trung giải pháp phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở các làng Quan họ, làng nghề truyền thống, làng nông nghiệp nông thôn. Tiêu biểu như mô hình du lịch cộng đồng tại phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) phát triển dịch vụ du lịch homestay nghỉ dưỡng, sinh thái kết hợp trải nghiệm và khám phá giá trị văn hóa truyền thống, nổi bật là Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh; kết nối trải nghiệm điểm du lịch làng Diềm với du lịch đền Bà Chúa Kho, du thuyền sông Cầu, thưởng thức ẩm thực Quan họ...
Tương tự tại Song Hồ (Thuận Thành) định hướng phát triển du lịch cộng đồng với điểm nhấn là trải nghiệm, tìm hiểu giá trị của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ kết hợp tham quan di tích lịch sử văn hóa thuộc địa bàn các xã ven sông Đuống; tại Gia Bình phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay, tham quan làng nghề truyền thống gắn với trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp, đạp xe du khảo dọc đê sông Đuống; tại Tiên Du phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần gắn với trải nghiệm, tham quan vãn cảnh chùa Phật Tích...
Giới chuyên gia cho rằng, du lịch nông thôn sẽ là một trong những xu hướng phổ biến, được nhiều đối tượng du khách lựa chọn trong những năm tới. Các địa phương cần chú trọng công tác lập quy hoạch, tập trung khai thác tính khác biệt, sáng tạo, có dấu ấn riêng về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương để tạo ra các sản phẩm du lịch mới phù hợp với nhu cầu của thị trường nhưng phải bảo tồn được các giá trị tự nhiên và văn hóa. Các cấp, ngành liên quan cần quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn, phát triển du lịch cộng đồng... Đặc biệt, người dân với tư cách là chủ thể của cộng đồng địa phương cũng cần được đào tạo để có thể trở thành những hướng dẫn viên thực thụ. Họ phải thuần thục nghề nông hoặc các nghề thủ công truyền thống, hiểu được bản sắc, phong tục của quê hương để hướng dẫn giúp đỡ du khách khi cần...
Dựa trên thế mạnh về tài nguyên du lịch của tỉnh, giai đoạn tới, Bắc Ninh hướng đến mục tiêu tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách; phát triển sản phẩm du lịch "xanh", ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch đường sông, du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp; triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngành du lịch tỉnh tiếp tục tham mưu xây dựng và nhân rộng các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn; tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn trong và ngoài tỉnh; phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; lồng ghép quảng bá các điểm du lịch cộng đồng gắn với các chương trình, sự kiện du lịch nói riêng và các hoạt động văn hoá nghệ thuật nói chung; hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch nông thôn; hướng dẫn các địa phương thực hiện kế hoạch bảo tồn, phục dựng, khai thác hoạt động văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch nông thôn...