Quảng Nam: Giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới - bước đi đột phá của Nam Giang
Quảng Nam: Giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới - bước đi đột phá của Nam Giang
Trần Hậu
Thứ sáu, ngày 03/03/2023 09:43 AM (GMT+7)
Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nhưng chính quyền và nhân dân huyện Nam Giang đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay huyện Nam Giang đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận.
Nam Giang là một huyện miền núi vùng cao của tỉnh Quảng Nam, có đường biên giới chung với nước bạn Lào dài hơn 70km; tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện là 184.288,66 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 153.526,4 ha, toàn huyện có 11 xã và 1 thị trấn, dân số là 26.851 người, với 7.230 hộ, số hộ nghèo 3.644 hộ, chiếm tỷ lệ 50,40 %; số hộ cận nghèo 87 hộ, chiếm tỷ lệ 1,20% (năm 2022).
Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, Nam Giang có xuất phát điểm thấp, do gặp nhiều khó khăn bởi là địa bàn miền núi cao, nhiều thành phần dân tộc, trình độ dân trí không đồng đều. Khó khăn là vậy, nhưng những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Nam Giang đã đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cùng với nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Sau chặng đường hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay diện mạo nông thôn của huyện Nam Giang đổi thay rõ nét.
Nhờ chương trình nông thôn mới mà đời sống người dân trên địa bàn huyện Nam Giang đã có nhiều khởi sắc, ấn tượng nhất phải kể đến kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ (điện – đường – trường – trạm cơ bản hoàn chỉnh), đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều cải thiện.
Đặc biệt, những làng quê đang dần thay đổi xanh - sạch - đẹp, hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh; nhận thức của người dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến tích cực "từ tự phát đến tự giác", "từ yêu cầu trở thành nhu cầu và từ hy vọng trở thành khát vọng".
Điều này, được thể hiện thông qua việc người dân tại các xã đã tích cực tham gia hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường mở rộng giao thông nông thôn... góp công sức cùng với Nhà nước đầu tư các công trình giao thông và vệ sinh môi trường, tu sửa nhà cửa.
Đến nay số tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt được là 129 tiêu chí (trung bình 11,72 tiêu chí/xã). Tuy nhiên, điều trăn trở nhất đối với lãnh đạo huyện Nam Giang là trên địa bàn huyện chưa có xã nào được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Khó khăn trong quá trình phấn đấu xây dựng xã về đích nông thôn mới đó là hầu hết các xã trong huyện đều có điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên để hoàn thành đủ các bộ tiêu chí chuẩn nông thôn mới không phải là dễ dàng.
Nguyên nhân khách quan do Nam Giang là huyện miền núi, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc nên việc ứng dụng máy móc, khoa học – công nghệ vào canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó là hệ thống giao thông chưa thuận tiện nên việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân chủ quan, bà con nhân dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số nghèo (hơn 85% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số), thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kỹ thuật canh tác còn thô sơ, lạc hậu; đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn nhiều hạn chế...
"Để đưa các xã về đích nông thôn mới, địa phương mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, tạo cơ chế thuận lợi, giới thiệu, khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào địa bàn miền núi để hỗ trợ nhân dân trong huyện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững", ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang kiến nghị.
Giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới
Ông Hồ Viết Căn, Trưởng phòng NNPTNT huyện Nam Giang cho biết, cùng với xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, huyện Nam Giang cũng rất quan tâm đến việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, để nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã tập trung vận động bà con tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa.
Nam Giang đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển đồi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất.... Với những bước đi căn bản, đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nhờ đó hộ nghèo giảm qua từng năm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Bên cạnh đó, thực hiện các nội dung phát triển liên kết chuỗi giá trị, trong những năm qua từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, từ các Chương trình mục tiêu nông thôn mới, giảm nghèo... và nguồn ngân sách của huyện thực hiện các Nghị quyết của HĐND huyện về hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững trong xây dựng nông thôn mới, UBND huyện tập trung hỗ trợ các loại cây ăn quả gồm bưởi da xanh, cam vinh, mít thái, chuối tiêu hồng, trồng rừng gỗ lớn (keo úc); các con vật nuôi như bò, heo cỏ địa phương, vịt xiêm, gà thả vườn.
Trong năm 2022 thực hiện Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND tỉnh về hỗ trợ kinh tế vườn, kinh tế trang trại, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương thực hiện, đến nay qua kiểm tra đã có 28 hộ đủ điều kiện để thực hiện.
Ông Căn cho biết thêm, Nam Giang đã và đang xây dưng các mô hình kinh tế mới hiệu quả, có thể nhân rộng trong thời gian đến như: Mô hình chuối tiêu hồng thôn Pà dá xã Cà Dy; mô hình nuôi vịt xiêm thôn Đồng Râm, thị trấn Thạnh Mỹ; mô hình bưởi da xanh thôn Đắc Pênh xã La Dê; mô hình trồng cam vinh thôn A Sò xã Chơ Chun...
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sau 4 năm triển khai đến nay huyện Nam Giang đã có 6 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm túi A Đtirh của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Cơ Tu-Za Ra Nam Giang; rượu Tà Vạc cất của cở sở sản xuất rượu Tà Vạc cất Nam Giang; chuối rừng khô của Hợp tác xã sản xuất thương mại và du lịch Zơ Râm Bách; muối đặc sản Nam Giang đóng hộp của Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Trí Nhất; trà đậu đen của Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Trí Nhất; dưa kiệu A Điu của hộ kinh doanh Trần Thị Mỹ Ý.
Giai đoạn 2021-2025, huyện Nam Giang quyết tâm phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm xã Tà Bhing và xã La Dê; số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt được 15 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 12 tiêu chí; có 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.