Ngày 09/7/2020, HĐND tỉnh Long An ban hành Nghị quyết (NQ) số 12/2020/NQ-HĐND về quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư (KDC) được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, vùng được nuôi chim yến là nơi không thuộc khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, KDC.
Đối với các tổ chức, cá nhân có nhà yến đã hoạt động trước thời điểm quy định trên có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng quy định “nằm ngoài nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, KDC” thì giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, không được sử dụng loa phóng phát âm thanh dẫn dụ chim yến; đồng thời, phải đáp ứng các quy định khác tại khoản 2, Điều 25 Nghị định (NĐ) số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi.
Theo quy định này thì nhà yến, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến.
Trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày NĐ này có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều này thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới; có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động nuôi chim yến, có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có hồ sơ ghi chép và lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến, sơ chế, bảo quản tổ yến bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm chim yến.
Một cơ sở nuôi yến gồm nhiều nhà yến tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long AAn
Ngoài ra, thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70dBA; thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5-11 giờ 30 phút và từ 13 giờ 30 phút - 19 giờ mỗi ngày, trừ trường hợp quy định tại điểm đ, khoản này.
Trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày NĐ này có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều này, nhà yến nằm trong KDC, nhà yến cách KDC dưới 300m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh. Mặt khác, không săn bắt, không dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến, nghiên cứu khoa học.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.174 nhà yến, tăng 641 nhà so với năm 2020.
Qua đây cho thấy, tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của tỉnh rất lớn, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho các địa phương (số nhà yến ở khu vực Đồng Tháp Mười chiếm khoảng 60% với 691 nhà)”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Truyền, nghề nuôi chim yến thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế.
Nhiều nhà nuôi yến được xây dựng ở KDC, khu vực đô thị, chưa phù hợp với quy định cũng như quy hoạch dẫn đến mất cân bằng giữa tốc độ tăng nhà yến và tốc độ tăng trưởng đàn chim yến, tác động xấu đến môi trường và quản lý thú y.
Việc quản lý xây dựng nhà nuôi chim yến trong KDC hoặc cải tạo, cơi nới từ nhà người ở thành nhà nuôi chim yến vẫn cho thấy nhiều bất cập, tình trạng cơi nới hoặc xây mới còn xảy ra sau ngày 20/7/2020. Ngoài ra, còn hiện tượng mở thiết bị phát dẫn dụ chim yến vượt mức cường độ âm thanh và thời gian quy định.
Mặt khác, hiện chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng và vận hành nhà yến nên việc phát triển và hiệu quả kinh tế trong đầu tư nuôi yến chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có.
Mặc dù NQ số 12/2020/NQ-HĐND có quy định vùng nuôi chim yến, tuy nhiên, công tác quy hoạch của các địa phương vẫn chưa xác định rõ tiểu vùng tập trung nuôi chim yến. Điều này ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển nghề nuôi chim yến, đây chính là vấn đề gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện.
“Tình trạng nuôi chim yến tự phát, tồn tại trong KDC gây ra tiếng ồn rất khó chịu, làm ảnh hưởng đến những hộ dân sinh sống gần đó. Mặt khác, việc nuôi chim yến tự phát gây mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh” - ông Nguyễn Văn Tuấn, hộ dân ở huyện Thạnh Hóa, phản ánh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm yêu cầu: Các địa phương phải rà soát lại tất cả nhà nuôi chim yến tồn tại trước ngày 20/7/2020 (thời điểm NQ số 12 của HĐND tỉnh có hiệu lực) để phân loại, có lộ trình xử lý, di dời phù hợp đối với các nhà nuôi thuộc vùng không được phép.
Đối với việc phát triển nhà nuôi mới, hộ dân phải đăng ký với chính quyền địa phương để có sự rà soát, bảo đảm việc cấp phép phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và nằm trong vùng được nuôi.
Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành nghiên cứu có cơ chế, chính sách đặc thù về ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong việc dẫn dụ chim yến, công tác phòng bệnh; công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm sau thu hoạch, liên kết sản xuất theo chuỗi, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm từ yến có tính cạnh tranh cao về chất lượng, uy tín và phát triển bền vững".
Để tiếp tục giải quyết các vấn đề trên, UBND tỉnh Long An đề nghị các sở, ngành, địa phương có liên quan vận dụng các quy định về xây dựng của tỉnh, các cơ quan chức năng hướng dẫn tạm thời việc cấp phép xây dựng đối với nhà yến.
Trên cơ sở vùng nuôi chim yến được quy định tại NQ số 12/2020/NQ-HĐND, ngày 09/7/2020 của HĐND tỉnh, các địa phương cần tiến hành định hướng các tiểu vùng trên địa bàn các xã có điều kiện phát triển ngành này và phát triển đồng bộ vì lợi ích chung của địa phương và cộng đồng xã hội.
Để xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm yến của địa phương, giải pháp thực hiện của tỉnh là phải song hành với giải pháp việc thực hiện phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu sản phẩm yến sào.
Theo đó, UBND tỉnh Long An yêu cầu các cấp, các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến các quy định đến cơ sở nuôi yến, sơ chế và chế biến sản phẩm từ chim yến có nhu cầu xuất khẩu như thực hiện kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y; hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện về nhà nuôi yến, chế biến phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu, giám sát tốt các quy định về an toàn với nghề nuôi yến...
Các cấp, các ngành trong tỉnh phối hợp Cục Thú y trong công tác thẩm định điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở xuất khẩu sản phẩm yến; phối hợp Cục Chăn nuôi trong việc cấp mã số nhà yến.
Tỉnh Long An yêu cầu các cấp, các ngành liên quan thực hiện công tác quản lý nuôi chim yến trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu nuôi chim yến tại địa phương để phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tổ yến, trong đó, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất nhằm phát huy thế mạnh để thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề nuôi chim yến.
Đồng thời, tỉnh khuyến khích thành lập hội nuôi yến, tham gia Hiệp hội Yến sào, tham gia sản phẩm OCOP nhằm phát triển bền vững, hướng đến xuất khẩu và xây dựng thương hiệu. Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh Long An cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh để tiếp tục kiến nghị bộ, ngành Trung ương ban hành một quy trình chung, thống nhất chung, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với việc xây dựng nhà yến./.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An- Mai Văn Nhiều: Đề nghị thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả NQ số 12/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định vùng chăn nuôi, trong đó có nuôi chim yến; tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện NQ, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nội dung cho phù hợp, trong đó cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ di dời hợp lý đối với các nhà nuôi yến xây dựng trước ngày 20/7/2020 và thuộc vùng không được nuôi.
Đối với các nhà yến xây dựng trước ngày 20/7/2020 và thuộc vùng được nuôi thì cần có hướng dẫn cụ thể về thủ tục cấp phép để người dân thực hiện, gắn với việc cấp mã số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau này".