Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa bắt khẩn cấp Phan Công Khanh (29 tuổi, ngụ quận 7) và Mohamach Da Pha (27 tuổi, quê An Giang) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khanh là Giám đốc Công ty TNHH K. Supper, có showroom ôtô hạng sang trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1.
Theo cảnh sát, đầu tháng 3, chị Hương (ngụ quận 7) tin tưởng Khanh là người nổi tiếng nên nhờ bán giúp siêu xe McLaren giá 10 tỷ đồng, do không có nhu cầu dùng đến. Chiếc xe được mang đến Showroom K. Super của Khanh ký gửi, không để lại giấy tờ.
Cảnh sát xác định, cuối tháng 5, Khanh kẹt tiền trả nợ và chuộc ôtô Mercedes G63 (chưa có biển số) đang cầm cố, nên nói chị Hương đưa giấy tờ chiếc McLaren "để khách mua có thể xem, dễ bán".
Nhận giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy đăng kiểm của chị, Khanh chỉ đạo nhân viên là Pha mang đi thế chấp lấy 2 tỷ đồng.
Chị Hương nhiều lần đề nghị trả lại xe và giấy tờ nhưng ông chủ showroom lẩn tránh. Sau khi tìm hiểu, chị biết Khanh đã mang xe của mình đi cầm nên tố cáo với công an.
Tại cơ quan công an, Khanh, Pha đã khai nhận toàn bộ hành vi trên. Quá trình điều tra xác minh, cơ quan điều tra đã thu giữ ô tô hiệu McLaren cùng với giấy đăng ký xe và giấy đăng kiểm xe.
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về số phận của chiếc xe McLaren trong vụ án? Liệu chủ nhân có được nhận lại luôn hay bao lâu mới được nhận lại?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính cho biết, trong vụ việc ông Phan Công Khanh, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can do có dấu hiệu tội phạm.
Vì vậy, chiếc xe McLaren được xác định là vật chứng của vụ án nên việc trao trả chiếc xe cho ai sẽ được xác định theo quy định về xử lý vật chứng quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Cụ thể, Điều 106 quy định, việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
Về xử lý vật chứng, pháp luật quy định, nếu vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy.
Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
Theo luật sư Khuyên, khoản 1, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó.
Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.
Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản, có thể được bán theo quy định của pháp luật. Trường hợp không bán được sẽ tiêu hủy…
Đối chiếu quy định pháp luật nêu trên, thấy hiện nay không quy định thời gian bao lâu phải trả lại vật chứng. Vì vậy, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tóa án sẽ tiến hành giải quyết vụ án theo thời gian luật định và vật chứng có thể được trả cho phía bị hại là chủ sở hữu chiếc xe trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Trường hợp nếu muốn nhận lại chiếc xe, chủ sở hữu tài sản có thể làm đơn gửi cơ quan chức năng để trình bày nguyện vọng và chứng minh mình là chủ sở hữu chiếc xe.
Nếu xét thấy việc trả lại vật chứng không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và thi hành án về sau, có thể yêu cầu của chủ sở hữu xe McLaren sẽ được cơ quan chức năng cân nhắc giải quyết.