Sáng 12/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 11.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, với tinh thần đổi mới "làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá", đây là lần đầu tiên UBND tỉnh này ban hành văn bản giao chỉ tiêu cụ thể đến cấp huyện, có định hướng đến cấp xã và ký giao ước thi đua hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định duy trì được sự ổn định và phục hồi phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6,46% so với cùng kỳ (cao hơn mức trung bình của cả nước, tăng 3,72%); xếp thứ 9/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ - duyên hải Trung bộ và thứ 2/5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,91% (riêng công nghiệp tăng 3,49%); dịch vụ tăng 7,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,75%.
Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống của đại bộ phận nhân dân cơ bản ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng nhìn nhận, công tác thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài tuy có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với một số công trình, dự án còn chậm. Một số dự án đầu tư, dự án bất động sản lớn bị ngưng trệ, dừng đầu tư hoặc chậm triển khai.
Thu ngân sách từ nguồn thu tiền sử dụng đất gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ chi đầu tư phát triển.
Tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, ô nhiễm môi trường tại một số cụm, điểm công nghiệp... vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản tại một số địa phương, nhất là ở cơ sở chưa nghiêm túc.
"Chuyển biến về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội bằng các chỉ tiêu, số liệu, kịch bản cụ thể còn chậm. Việc cải cách hành chính và giải quyết thủ tục hành chính của một số đơn vị còn hạn chế, vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn. Một số đơn vị, địa phương chỉ đạo xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo còn chưa kịp thời, quyết liệt...", ông Thanh nói.
Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho rằng, dự báo 6 tháng còn lại của năm 2023, tình hình thế giới và trong nước sẽ tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là những biến động về giá cả, thị trường xuất khẩu... sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống và thu nhập của người dân.
Vì vậy, đòi hỏi Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định phải có những quyết sách phù hợp, đúng đắn để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2023.
Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định sẽ xem xét 4 nhóm vấn đề chính, với khối lượng công việc khá lớn và nhiều nội dung quan trọng (gồm: 85 báo cáo, 45 tờ trình, 50 dự thảo Nghị quyết).
"Đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, tập trung thảo luận từng nội dung trình kỳ họp. Chất vấn đúng trọng tâm, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua đúng quy định của pháp luật, sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả", ông Hồ Quốc Dũng đề nghị.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, 6 tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục cụ thể hóa và chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, định hướng lớn đã đề ra.
Trong đó, có việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp, kiện toàn một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và các đơn vị sự nghiệp công theo quy định.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp, nhất là cấp xã phù hợp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chỉ đạo kiên quyết, có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại đông người, giải quyết tốt các vụ khiếu nại tồn đọng, không để phát sinh điểm nóng.