Tuyến đường 700 tỷ 'tắc' tại Bình Định: Thi công 20 tháng, chờ 15 tháng chưa có mặt bằng
Tuyến đường 700 tỷ 'tắc' tại Bình Định: Thi công 20 tháng, chờ 15 tháng chưa có mặt bằng
Dũ Tuấn
Thứ tư, ngày 12/07/2023 06:07 AM (GMT+7)
Tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh đến đường ven biển trên địa bàn huyện Phù Mỹ (Bình Định) có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng đang bị ‘tắc’ chưa thể thông tuyến. Nguyên nhân là do huyện chậm giải phóng mặt bằng.
Tiến độ 20 tháng, nhà thầu chờ mặt bằng 'mất' 15 tháng
UBND huyện Phù Mỹ - cơ quan được UBND tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh đến đường ven biển. Tuy nhiên việc bàn giao chậm trễ đang khiến dự án 700 tỷ đồng bị 'tắc'.
Điều đáng nói, mặc dù tại các cuộc kiểm tra hiện trường trước đây, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định liên tục "đốc thúc", chỉ đạo UBND huyện Phù Mỹ vào cuộc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất. Tại khu vực thôn Hưng Lạc (xã Mỹ Thành) điểm cuối kết nối với đường ven biển thuộc dự án, vẫn còn vướng mặt bằng của 7 hộ dân, vì có khiếu nại về đất đai.
Việc chưa bàn giao mặt bằng khiến Công ty TNHH Yên Long như đang "ngồi trên đống lửa", không thể triển khai thi công, dù máy móc, nhân công đã được bố trí sẵn sàng.
Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Giám đốc Công ty TNHH Yên Long nói rằng, nhà thầu đang rất sốt ruột, vì việc bàn giao mặt bằng quá chậm.
Trong tổng số 3km đường trúng thầu thi công, hiện nay có đến gần 900m chưa bàn giao mặt bằng (tỷ lệ vướng mặt bằng là 1/3), chỉ còn 2 tháng nữa là tỉnh Bình Định bước vào mùa mưa, nên chắc chắn sẽ bị chậm tiến độ.
"Hợp đồng ký kết trong vòng 20 tháng, đến đầu năm 2024 thì chúng tôi phải hoàn thành đoạn đường được giao nhưng đã 15 tháng trôi qua, vẫn không bàn giao đủ mặt bằng để thi công, việc này rất nan giải", ông Nam nói.
Dự án có chiều dài hơn 19km được chia ra nhiều đoạn, rất đông nhà thầu thi công như: Công ty Minh Thảo, Hồng Phúc, Nam Ngân, Ngyên Thắng, Nhật Minh, Tân Lập, Hưng Việt, Yên Long, Bình Dương.
Tổng mức đầu tư là 700 tỷ đồng (là dự án giao thông đường bộ nhóm B, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 400 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương), được khởi công từ tháng 5/2022 và dự kiến thi công trong vòng 22 tháng.
Theo Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định, huyện Phù Mỹ đã bàn giao mặt bằng thi công 17,39/19,2km, còn vướng giải phóng mặt bằng 27 hộ dân. Trong đó, 19 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, 8 hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa tháo dỡ, giao trả mặt bằng. Vì vậy, UBND huyện Phù Mỹ cần đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng thi công dự án.
Xã quản lý không chặt chẽ để người dân tái lấn chiếm
Ông Ngô Thanh Hải - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phù Mỹ cho biết, dự án đến nay vẫn chưa thông tuyến được do các hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, "nổi cộm" là 7 hộ dân tại thôn Hưng Lạc (xã Mỹ Thành).
"Các hộ dân này, trước đây huyện đã ra quyết định thu hồi đất và Công ty TNHH SX&TM khoáng sản Ban Mai cũng đã bồi thường để phục vụ việc khai thác titan, nhưng đến nay người dân vẫn cho rằng chưa bồi thường, nên khi có dự án đi qua họ chưa đồng ý giao mặt bằng", ông Hải nói.
Ông Phan Hữu Duy - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho rằng, khiếu nại của người dân ở thôn Hưng Lạc (xã Mỹ Thành) xuất phát từ việc yêu cầu nhà nước phải đền bù đất. Nhưng, trên hồ sơ, UBND huyện Phù Mỹ đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2010 và Công ty TNHH SX&TM khoáng sản Ban Mai cũng đã từng đền bù trước đây.
"Sự việc xảy ra cách đây hơn 10 năm rồi, khi đã có quyết định thu hồi thì đất thuộc quyền quản lý của nhà nước, đến nay không thể tiếp tục đền bù cho người dân", ông Duy cho hay.
Theo ông Duy, các hộ dân nhiều lần khiếu kiện, việc này Thanh tra tỉnh, Sở TNMT tỉnh Bình Định, đã vào cuộc kiểm tra và có báo cáo cho lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định.
Trong công văn 5619 của UBND tỉnh Bình Định do Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng ký cho rằng, UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của Sở TNMT, đối với các hộ dân tại xã Mỹ Thành tái lấn chiếm sử dụng phần đất trồng rừng đã thu hồi trước đây, nay bị ảnh hưởng dự án thì không thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất. Trường hợp cây trồng do các hộ dân tự trồng, thì xem xét tính toán hỗ trợ cây trồng trên đất theo quy định.
Công ty TNHH SX&TM khoáng sản Ban Mai cần phối hợp với UBND huyện Phù Mỹ cung cấp hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân theo phương án đã được phê duyệt trước đây và có ý kiến bằng văn bản, để UBND huyện tổ chức đối thoại, vận động, sớm bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án.
Ông Phan Hữu Duy thừa nhận, sau khi khai thác titan, doanh nghiệp hoàn thổ và giao đất lại cho địa phương quản lý, thế nhưng xã lại để người dân tái lấn chiếm trồng cây trên đất. Việc không quản lý không chặt chẽ của chính quyền, gây nên sự ngộ nhận của người dân.
"Lãnh đạo huyện đã đối thoại với người dân rất nhiều lần nhưng các hộ dân vẫn chưa đồng ý. Sắp tới, chúng tôi sẽ bảo vệ thi công đối với các trường hợp này, để dự án được đảm bảo tiến độ", ông Duy khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.