Dân Việt

Mỹ gửi bom chùm đến Ukraine: Một hành động tuyệt vọng

Phương Đăng (theo Counterpunch) 12/07/2023 20:36 GMT+7
Chính quyền Biden đã quyết định cung cấp cho Ukraine bom chùm, loại vũ khí mà hơn 120 quốc gia đã cam kết không sử dụng vì mối đe dọa đối với thường dân vô tội. Melvin A. Goodman, giáo sư về chính phủ tại Đại học Johns Hopkins nhận định rằng, việc Mỹ gửi bom chùm đến Ukraine rõ ràng là một hành động tuyệt vọng.
Mỹ gửi bom chùm đến Ukraine: Một hành động tuyệt vọng - Ảnh 1.

Việc Mỹ gửi bom chùm đến Ukraine được cho một hành động tuyệt vọng bởi Ukraine đã thất bại trong cuộc phản công của họ. Ảnh BBC

Hầu hết các thành viên NATO ủng hộ việc cấm bom chùm. Một khu vực rộng lớn của Ukraine hiện đã bị ô nhiễm bởi các vật thể nổ.

Công ước của Liên Hợp Quốc cấm sử dụng bom, đạn chùm đã được ký kết vào năm 2008, nhưng ba trong số các quốc gia quân sự hóa nhất trên thế giới đã từ chối ký kết bao gồm Mỹ, Nga và Israel. Mỹ đã sử dụng những loại vũ khí này chống lại Iraq vào năm 2003 và cung cấp chúng cho Ả Rập Saudi để sử dụng ở Yemen. Israel đã sử dụng bom chùm để chống lại người Palestine. Nga bị cáo buộc sử dụng bom chùm rộng rãi ở Ukraine gây thương vong đáng kể.

Theo giáo sư Melvin A. Goodman, việc cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine là một hành động mang tính biểu tượng của Mỹ vì chúng sẽ không có bất kỳ tác động thực sự nào đối với tình trạng bế tắc hiện tại trên chiến trường ở miền đông và miền nam Ukraine. Cuộc phản công được ca ngợi nhiều trên truyền thông của Ukraine đã không thành công và không có số lượng bom, đạn chùm nào có thể tác động vào kết quả đó.

Không giành được thế chủ động vượt trội trên chiến trường, người Nga đã chuẩn bị để cố thủ lâu dài ở Donbass. Bom, đạn chùm sẽ có một số lợi ích khi chống lại một đội quân đang tiến lên, nhưng ít hữu ích khi chống lại một đội quân cố thủ, giáo sư Goodman nhấn mạnh.

Rất dễ để nhận ra rằng người Ukraine thiếu tỷ lệ lực lượng thích hợp cần thiết để đối phó với lực lượng Nga đang được triển khai dày đặc tại các khu vực bị chiếm đóng.

Ukraine có những vấn đề nghiêm trọng về hậu cần trong việc cung cấp cho tiền tuyến và thiếu nguồn dự trữ cần thiết để đối phó với một lực lượng phòng thủ vượt trội.

Ukraine cũng thiếu tính cơ động cần thiết để giành lợi thế trước đội quân xe bọc thép và pháo binh của Nga. Pháo binh kiểu cũ vẫn là đặc điểm trung tâm của cuộc chiến và Nga có lợi thế rất lớn ở đây. Cuối cùng, Ukraine đã đánh mất sự bất ngờ vốn là yếu tố vô cùng quan trọng bằng cách báo hiệu kế hoạch phản công nhiều tháng trước khi hành động.

Trong khi đó, chính quyền Biden tiếp tục báo hiệu cho công chúng Mỹ thiếu hiểu biết rằng các quyết định viện trợ của họ sẽ tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến. Các tên lửa Javelin and Stinger đã tạo ra sự khác biệt ban đầu trong cuộc chiến vào năm ngoái, nhưng HIMARS và pháo M777 cũng như hệ thống phòng không Patriot; xe tăng Leopard (của Đức) và Abrams Mỹ không phải là những loại vũ khí tạo ra sự khác biệt. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với bom, đạn chùm, ông Goodman tuyên bố.

Hiện tại, một nhóm gồm các sĩ quan, tướng quân đội đã nghỉ hưu của Mỹ liên tục nói rằng máy bay chiến đấu F-16 cũng như tên lửa tầm xa ATACM rất cần thiết để tạo ra sự khác biệt trên chiến trường Ukraine.

Thật không may cho Ukraine, Nga đã chuyển sang chiến lược phòng thủ trong dài hạn, tận dụng ưu thế về pháo binh cũng như khả năng của mình để ngăn Ukraine giành được bất kỳ ưu thế trên không nào.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov được cho là đã quyết định sẽ "chơi trò chơi" lâu dài ở Ukraine khi củng cố các tuyến phòng thủ kiên cố nhiều lớp.

Mỹ lẽ ra phải cấm bom, đạn chùm từ ba thập kỷ trước khi Tổng thống Bill Clinton có cơ hội đảo ngược chính sách đối ngoại quân sự hóa của Mỹ sau sự sụp đổ của Liên Xô và Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng Washington đã không làm vậy.

Hậu quả là, trẻ em ở Syria, Afghanistan, Lebanon, Lào và Balkan đã bị giết rất lâu sau khi chiến tranh kết thúc.

Khi nào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc? Với tốc độ Ukraine đang giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng từ Nga, ông Goodman ước tính, sẽ phải mất hơn một thập kỷ để loại bỏ người Nga khỏi đất nước họ. Theo ông Goodman, đã đến lúc thừa nhận rằng, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ không có người chiến thắng. Ukraine không thể thắng; Nga không thể thua. Cộng đồng dân sự và cơ sở hạ tầng của nó sẽ gánh những tổn thất ngày càng tồi tệ hơn. Do đó, đã đến lúc tôn vinh lời khuyên của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill rằng “nói chuyện tốt hơn chiến tranh".