Theo ông Hồ Xuân Tịnh - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, Cù lao Chàm vốn là vùng biển nối thương cảng Hội An nằm trên trục giao thông đường biển nối với các trung tâm buôn bán lớn ở vùng Đông Nam Á và Trung Cận Đông.
Do đó tàu bè thường ghé lại để nghỉ ngơi, sắm lương thực, nhu yếu phẩm, trong đó có những con tàu đầy ắp hàng hóa giá trị như gốm mỹ nghệ.
Nhiều tài liệu đã minh chứng, từ thế kỷ VII - XII, hoạt động trên biển Thái Bình Dương của thương gia các nước rất nhộn nhịp, chính vì thế đã hình thành con đường tơ lụa, hương liệu và gốm sứ và nhiều hàng hóa có giá trị cao.
Còn theo TS Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh có chiều dài bờ biển hơn 130km nhưng đã có đến có 4 vùng cửa biển Sa Cần - Dung Quất, Bình Châu - Sa Kỳ, Cửa Đại - Cổ Lũy - Thu Xà, Mỹ Á - Sa Huỳnh - Châu Me, các cửa biển này là điểm cập bến các thương thuyền của con đường tơ lụa trên biển sau chặng hải hành dài từ vùng Hàng Châu (Trung Hoa) đi xuống vùng Biển Đông để trao đổi hàng hóa, lấy nước ngọt rồi tiếp tục đi xuống phía Nam hoặc những tàu thuyền đi từ phía Nam lên cũng cập bến nơi đây.
Vùng biển Quảng Ngãi lúc bấy giờ rất nhộn nhịp thuyền buồm đi dọc ven bờ trên chở hàng hóa gốm sứ, tơ lụa… tuy nhiên có một số tàu bị chìm đắm dọc ven bờ.
Đồ gốm sứ cổ tìm thấy ở tàu cổ.
TS Khôi cho rằng, Con đường tơ lụa trên biển song hành với Con đường tơ lụa trên đất liền đã kết nối giao thương các khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, tiểu lục địa Ấn Độ, bán đảo Ả Rập, Somalia, Ai Cập và Châu Âu.
Các tuyến đường biển này hình thành từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên và phát triển mạnh nhất ở thế kỷ XIV, XV, sau Công nguyên.
“Việt Nam tham gia tích cực vào con đường gốm sứ này, không chỉ với các thương cảng cho tàu thuyền neo đậu, buôn bán mà hàng hóa và các đồ gốm Việt Nam cũng được mua bán bằng đường biển. Tiêu biểu là gốm Chu Đậu thế kỷ XV, nguồn gốc ở tỉnh Hải Dương, được tìm thấy trong tàu cổ đắm Cù lao Chàm.
Đặc biệt trên tàu cổ đắm Châu Tân năm 1999 đã tìm thấy nhiều hộp chì trong đó đựng bột quế của vùng Trà Bồng, Trà My xuất qua cửa Đại của phố cổ Hội An, cửa Sa Cần của Quảng Ngãi giao thương với tuyến hàng hải quốc tế” - TS Khôi cho biết.
Trong quá trình xuyên biển gặp thời tiết bất lợi như gió bão, hay hỏa hoạn và nhiều nguyên nhân khác có những con tàu chở đầy hàng hóa và gốm sứ đã nằm vĩnh viễn dọc tuyến biển nói trên và trải qua thời gian đã được ngư dân, các ngành chức năng phát hiện.
Giai đoạn từ năm 1997-2000, ở biển Cù lao Chàm, một cuộc khai tàu cổ bị đắm đã phát hiện khoảng 150.000 đồ gốm hoa lam hầu như còn nguyên vẹn, niên đại khoảng giữa thế kỷ XV, trong đó có nhiều gốm sứ Chu Đậu - Hải Dương.
Tại Bãi Làng - Cù lao Chàm cũng đã khai quật được nhiều mảnh gốm thời Đường (niên đại khoảng thế kỷ VII - X), một số mảnh gốm Islam của vùng Trung Cận Đông (khoảng thế kỷ IX - X), nhiều mảnh gốm Chăm, nhiều mảnh của các loại đồ thủy tinh cao cấp có màu sắc rất đẹp, cùng với những hạt chuỗi thủy tinh được chế tác rất tinh xảo.
Còn theo TS Khôi, trong quá trình khảo sát Lý Sơn trong thập niên 90, ông được nghe kể về một tàu cổ đắm ở địa điểm Đá Hai nằm về phía Bắc đảo, có một số đá ballast giằng giữ thăng bằng trên tàu được người dân mang về nhà, đặc biệt trên tàu có hai con nghê đá được người dân mang về đặt ở các công trình tôn giáo tín ngưỡng, một con nghê đặt ở dinh Thiên Y A Na và một con đặt ở chùa Vĩnh Ân.
Khảo sát tại địa điểm Đá Hai tìm thấy một bãi gốm sứ vỡ xen lẫn trong cát và san hô, có các mảnh miệng bát, tô, dĩa men trắng vẽ hoa xanh, hầu hết mang đặc điểm của gốm sứ cuối thời Minh.
Tiếp đến là tàu cổ đắm Châu Tân, phát hiện năm 1999. Vị trí tàu cổ đắm tại khu vực vùng biển thuộc xóm Châu Tân, thôn Châu Me, xã Bình Châu thu được 475 hiện vật bao, gồm vật dụng thủy thủ đoàn và hàng hóa chở trên tàu.
Đáng chú ý trong quá trình thăm dò, khai quật phát hiện các đoạn thừng to của dây buồm bị cháy, rất nhiều đồ đồng bị cháy đen và biến dạng, đồ gốm sứ một số bị cháy đen…
Như vậy, có thể xác định nguyên nhân tàu cổ đắm do bị phát hỏa và cháy. Niên đại tàu cổ khoảng năm 1573-1620, xác định dựa vào hai đồng tiền Vạn Lịch thông bảo thu nhặt bên trong lòng tàu cổ đắm, tiền Vạn Lịch thông bảo (1573-1620) đời Minh dùng để buôn bán.
Ngày 16/8/2013, một số ngư dân chuyên nghề lặn biển đã trục vớt cổ vật tàu đắm tại xã Bình Châu nằm cách vị trí tàu cổ đắm phát hiện năm 2012 khoảng 300m về hướng Tây.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, chính quyền địa phương triển khai biện pháp bảo vệ, dùng lưới sắt trùm phủ lên bảo vệ xác tàu. Loại hình hiện vật bị vỡ được phát hiện gồm các loại tô, bát, dĩa vẽ hoa.
Loại dĩa sứ hoa lam có đường kính 15cm, lòng dĩa vẽ hoa lam lồng trong đường tròn, niên đại xác định ở đầu thế kỷ XVII.
Năm 2017, tại thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn lại phát hiện xác tàu cổ bị đắm cách bờ khoảng 6-7m, độ sâu khoảng 9m. Năm 2019, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức khai quật, đã trục vớt được nhiều di vật của xác tàu như: thanh đà mũi tàu, các mảnh gỗ tàu, đầu dòng dọc kéo neo, những chiếc đinh sắt đóng tàu, khóa đồng, đai thùng hàng cùng nhiều mảnh vỡ của các loại bát đĩa vò.
Mới đây, ngày 17/5/2023 tại vùng biển thôn Phước Thiện xã Bình Hải, tổ tuần tra biên phòng đã phát hiện 1 tàu ngư dân có dấu hiệu lặn vớt cổ vật, tiến hành kiểm tra phát hiện trên tàu có 33 dĩa, 7 tô có nguồn gốc từ tàu cổ đắm, chúng bị vùi trong lớp bùn và có hàu bám ở độ sâu khoảng 60m nước; xác tàu cổ đắm cần được xác thực làm rõ qua công tác thăm dò.
Hàng hóa gốm sứ được chở trên tàu khả năng tàu bị chìm nhanh khi gặp bão nên hàng hóa gốm sứ còn giữ nguyên vẹn, trên thân một số đồ gốm sứ còn vết bùn và hàu bám, xác tàu vùi trong bùn.
Gốm sứ thu hồi gồm đồ celadon men ngọc vẽ ám họa và vẽ ánh vàng trên men, men xanh trắng vẽ hoa lam phân ô. Đồ celadon men ngọc ám họa vẽ ánh vàng trên men rất độc đáo. Gốm sứ thu hồi có nguồn gốc sản xuất từ các lò gốm Chương Châu vùng Nam Trung Hoa có niên đại ở thế kỷ XVI-XVII thuộc thời Minh.
Ngày 21/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản 2827 gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất phương án khảo sát, thăm dò di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Theo đó, vị trí thăm dò, khảo sát tàu cổ đắm tại vùng biển thôn Phước Thiện với diện tích 10.000m2, trong thời gian 15 ngày kể từ ngày bắt đầu được phép khảo sát.
Việc phát hiện tàu, gốm cổ và được khai quật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tìm hiểu kỹ về con đường tơ lụa trên biển cũng như phát huy được các giá trị của cổ vật. Do đó, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi chú trọng đến việc khai thác bảo tồn, bảo vệ những giá trị quý hiếm này là việc làm vô cùng đúng đắn.
Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, nhà nước có thể lập bảo tàng tàu cổ đắm gồm cổ vật, hàng hóa trên tàu và xác các con tàu cổ đắm ở vùng biển Quảng Ngãi như Bình Châu, Bình Hải, Bình Thuận...
Bảo tàng có thể đặt gần biển trong hệ sinh thái du lịch biển đảo. Chúng ta có thể kết hợp tham quan trực tiếp với công nghệ để tham quan trực tuyến, đưa các bài học về địa lý, lịch sử liên quan đến các con tàu đắm hoặc cùng niên đại xảy ra đắm tàu.
Đồng thời, kết hợp tổ chức các tour lặn biển tại vị trí địa điểm các tàu cổ đắm gần bờ như ở Bình Châu nhằm phát huy du lịch.