Kinh đô Đồng Dương, nơi diễn ra cuộc chiến đầu tiên giữa Đại Việt và Chiêm Thành nay là một thôn của Quảng Nam

Thứ sáu, ngày 03/03/2023 13:37 PM (GMT+7)
Đồng Dương (nay thuộc thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) vốn là kinh đô của người Chăm từ năm 875 đến năm 982. Trận đánh vào kinh đô Đồng Dương (Indrapura) của vua Lê Đại Hành vào năm 982 được xem là trận chiến đầu tiên giữa Đại Việt và Chiêm Thành...
Bình luận 0
Cách đây 1.039 năm, vào năm 982, lần đầu tiên quân đội Đại Việt thời vua Lê Đại Hành đã tấn công kinh đô của Chiêm Thành. Trận chiến đến nay vẫn còn lưu lại dấu vết và là bài học đắt giá trong bang giao quốc tế.

Kinh đô Đồng Dương (Indrapura) của nước Chiêm Thành

Đồng Dương (nay thuộc thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vốn là kinh đô của người Chăm từ năm 875 đến năm 982. 

Sau khi kinh đô Trà Kiệu (Shimhapura) bị tướng nhà Tùy (Trung Quốc) là Lưu Phương tấn công đốt phá vào năm 605 và nhất là sau cuộc khủng hoảng nội bộ vào giữa thế kỷ thứ 8, người Chiêm Thành đã dời đô một mạch về tận phía cực nam ở Virapura (Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận).

Theo bia ký Đồng Dương II thì sau khi lên ngôi, Indravarman II đã dời đô từ phía nam (Virapura) ra phía bắc và lấy tên mình đặt tên cho kinh đô mới: Indrapura: kinh đô thần Sấm Sét. Đó chính là kinh đô Đồng Dương.

Tại Đồng Dương còn một số dấu tích: Thành Vuông ở khu vực rừng Thành nơi gặp nhau của hai con suối Ngọc Khô và Bà Đăng. Đây được coi là đầu não về quân sự của vương quốc. Hoàng cung, nằm ở vị trí Ao Vuông, hiện ở gần trụ sở UBND xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Di tích Phật viện, hiện nằm ở phía bắc tuyến quốc lộ 14B. Ngoài ra chỗ gặp nhau của sông Ly Ly và suối Ngọc Khô vẫn còn dấu tích các tháp canh và trên núi Trà Cai còn dấu tích là nơi tạo tác đá để tạc tượng.

So với Trà Kiệu, Đồng Dương kém hơn, vị trí không thuận lợi bằng (sông nhỏ, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt), quy mô không vĩ đại bằng. 

Trà Kiệu có thành, tháp cao hơn, hào sâu hoàn chỉnh. Đồng Dương có quy mô không lớn, chủ yếu là khuôn viên kiến trúc. Nhưng có lẽ, Indrapura “lộng lẫy” hơn, đúng như lời trong bia ký: “Được trang hoàng lộng lẫy như thành đô của thần Indra trên thiên giới”.

Kinh đô Đồng Dương, nơi diễn ra cuộc chiến đầu tiên giữa Đại Việt và Chiêm Thành nay là một thôn của Quảng Nam - Ảnh 2.

Đài thờ Đồng Dương vẫn còn dấu tích trận chiến năm 982. Kinh đô Đồng Dương hay còn gọi là kinh đô Sấm Sét của nước Chiêm Thành nay là địa bàn thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Thời kỳ Indrapura là thời kỳ cực thịnh của Vương quốc Chămpa và đặc biệt là sự hưng thịnh của Phật giáo, xuất phát từ niềm tin và sự thành kính đối với đức Phật của người sáng lập và đứng đầu vương triều. Để thể hiện cụ thể nhà vua cho xây dựng một tu viện Phật giáo Lakshmindralôkesvara ngay giữa kinh thành.

Tên của Phật viện là sự kết hợp giữa tên nhà vua Indrapura với tên vị Bồ tát được thờ phụng là Lôkesvara. Đây là tu viện Phật giáo “lớn và quan trọng vào loại bậc nhất không chỉ của Chămpa mà còn của cả khu vực Đông Nam Á” (Ngô Văn Doanh, Văn hóa cổ Chămpa, Nxb Văn hóa Dân tộc, năm 2002, trang 76).

Trận chiến đầu tiên giữa Đại Việt-Chiêm Thành

Trận đánh vào kinh đô Indrapura của vua Lê Đại Hành vào năm 982 được xem là trận chiến đầu tiên giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Ngày nay chúng ta không có nhiều thông tin về trận chiến này ngoài một đoạn trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được.

Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế tại trận. Chiêm Thành thua to.

Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư” (Toàn thư, Bản kỷ q.1, trang 16a).

Nguyên nhân trận đánh đã rõ: Chiêm Thành không những không tiếp mà còn bắt giữ sứ thần của Đại Việt. Nhưng đó chỉ là nguyên nhân trực tiếp, giọt nước cuối cùng làm tràn ly mà thôi.

Nhiều thông tin cho thấy sau khi Đại Việt giành được độc lập vào năm 938 và trở thành một thế lực hùng mạnh, người Chiêm Thành đã bắt đầu lo ngại nên tìm mọi cách quấy rối và làm suy yếu. Để làm được điều này họ phải dựa vào thế lực Trung Hoa. Chưa bao giờ trong lịch sử mối quan hệ giữa Chiêm Thành và Trung Hoa lại ấm lên như vậy.

Từ năm 951 đến 971 đã có 7 sứ bộ Chiêm Thành, sang Trung Hoa. Từ năm 972 đến 979 lại càng nhộn nhịp hơn, có thêm 6 sứ bộ khác. Đặc biệt các sứ đoàn luôn được dẫn đầu bởi những người có vị trí cao trong triều đình và thường là những người có  bà con gần với hoàng gia.

Yên tâm được Trung Quốc chống lưng, Chiêm Thành đã can thiệp vào nội bộ Đại Việt, cụ thể là vào năm 979 người Chiêm đã giúp đỡ cho phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền thủy quân của Chiêm Thành đánh vào Hoa Lư. Thế nhưng bão lớn đã đắm chìm cả đoàn thuyền, Ngô Nhật Khánh và người Chiêm bị chết đuối cả, chỉ có thuyền của vua Chiêm là thoát được, chạy về nước.

Dấu tích trận chiến năm 982 gần 1.000 năm sau mới được ghi lại. Năm 1902 Henri Parmentier đến khảo sát Đồng Dương đã kết luận: Kinh đô Đồng Dương đã bị cướp phá một cách có hệ thống và bị tàn phá bởi một trận hỏa hoạn khổng lồ. 

Bên trong đền bị đào bới, đập phá rồi bị đốt. Ông đã vét lên trong hố (dấu vết của đào bới) rất nhiều tro, đã thấy một tượng đá Apsara bị đốt cháy thành vôi. Chiếc lanh tô đá nẻ ra vì bị cháy.

Ngày nay vẫn còn thấy dấu tích của trận chiến này trên những vết thâm đen vì khói nơi đài thờ lớn bằng sa thạch của Phật đường chính, hiện trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.

Sự kiện bi thảm năm 982 đã đánh dấu chấm hết cho vương triều Indrapura. Vua Chiêm là Indravarman IV đã chạy vào phương nam và bắt đầu thời kỳ mới của Chiêm Thành, thời kỳ Vijaya (Đồ Bàn).

Dư âm bài học

Trận chiến ở Đồng Dương cách đây 1.039 năm cho chúng ta nhiều suy ngẫm và rút ra nhiều bài học. Theo truyền thuyết của tộc Trà, một tộc họ lớn chiếm hơn 40% dân số ở làng Đồng Dương ngày nay, thì thủy tổ của họ là ông Hai Lánh. Ông là con của một vị công chúa Chiêm bị bắt về Hoa Lư.

Hoài cố quốc ông trốn về Đồng Dương và cưới vợ sinh con. Hai người con của ông là Trà Huyền An và Trà Huyền Chơn có tục danh là ông Chóng và ông Đụn. Hai ông này đã trở thành đồng tiền hiền của làng Đồng Dương. Nhân vật Hai Lánh này liệu có liên quan gì đến trận chiến năm 982 hay không?

Có thể thấy, một đường lối ngoại giao “thiên vị” đã dẫn đến sự sụp đổ của một triều đại hùng mạnh, sự hoang tàn của một kinh thành tráng lệ. 

Nếu ngày đó vua Chiêm Thành không quá ỷ lại vào việc ngoại giao thân thiện với Trung Quốc mà xử “bạc” với Đại Việt thì đâu đến nỗi phải gánh chịu hậu quả nặng nề mà ngày nay cả chúng ta cũng phải đau lòng, giống như nhìn cảnh hoang phế của Đồng Dương. Đây là bài học chung trong bang giao quốc tế.

Khi so sánh giữa kinh đô Đồng Dương và kinh đô Trà Kiệu, nhà nghiên cứu Lê Đình Phụng nhận xét: “Hiện trạng hai kinh đô khi được khảo sát cho thấy Đồng Dương tuy ít thành trì bảo vệ nhưng lại ít bị tàn phá hơn. Đầu thế kỷ 20, khi các học giả Pháp khảo sát, di tích này còn hơn 70 kiến trúc tháp cùng nhiều tác phẩm điêu khắc.

Trà Kiệu có thành trì kiên cố nhưng các kiến trúc trong thành, cung đình và tôn giáo đều bị san phẳng”. Nên nhớ, kinh đô Đồng Dương bị quân Đại Việt tàn phá, kinh đô Trà Kiệu bị quân Trung Hoa (nhà Tùy) đốt phá và nhận xét của Lê Đình Phụng hoàn toàn khách quan, vô tư không nhằm ẩn ý gì. Nhưng  phía sau nhận xét khoa học đó là cả một bài học lịch sử đáng để chúng ta suy ngẫm!


Lê Thí (Báo Quảng Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem