Điều đặc biệt ở loại cây này chính là thứ rượu có mùi vị đặc trưng được “ủ” sâu trong thân cây. Đó chính là rượu Đóak.
Đối với cư dân xã Đắk Plinh nơi đây, rượu từ cây Đóak được xem như là một món thức uống hảo hạng khó gì có thể sánh bằng.
Được biết, đầu tháng Giêng là thời điểm cây Đóak bắt đầu trổ bông, kết trái và cho ra thứ rượu thơm nồng nhất.
Theo chia sẻ của những người thu hoạch, khi lấy rượu thì họ phải lựa những cây có tuổi thọ hơn 15 năm. Lúc này rễ cây đã đâm sâu vào lòng đất, hấp thụ chất dinh dưỡng từ nước suối thiên nhiên, từ đó cho ra hương vị ngọt dịu nhẹ đặc trưng của rượu.
Bên cạnh đó, khoảng cách từ cây đến bờ suối cũng là một trong những yếu tố quyết định độ ngon của rượu.
Trong đó, những cây Đóak mọc xa bờ suối sẽ tiết ra ít rượu hơn bình thường, còn những cây mọc cạnh bờ suối lại cho ra thứ rượu có mùi vị hơi chua.
Sau nhiều lần quan sát và thử nghiệm, cư dân xã Đắk Plinh đã nhận ra khoảng cách lý tưởng để cây Đóak cho ra hương vị rượu ngon nhất - vị trí cách bờ suối khoảng 30m.
Để thu hoạch rượu cây Đóak, người làm cần chuẩn bị một chiếc rìu thật bén, đo khoảng cách từ ngọn ra cuống cây tầm 2 gang tay, rồi chặt một nhát thật dứt khoát.
Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế đây là công việc đòi hỏi độ chính xác cao, vì kỹ thuật chặt cây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của rượu.
Khi được thu hoạch đúng cách thì loại cây này sẽ cho ra thứ rượu màu trắng, có chút vị cay cay tê tê, mùi thơm nồng và hoàn toàn không gây ra tình trạng say xỉn cho người uống.
Với những người thu hoạch lành nghề tại Gia Lai, chỉ cần khoảng 10 phút là họ có thể thu hoạch được 5 lít rượu Đóak.
Ngoài ra, một chiếc thang thật cao sẽ là “trợ thủ đắc lực” giúp cho việc thu hoạch rượu trở nên dễ dàng và an toàn hơn.
Tuy rượu Đóak được bán trên thị trường với giá chỉ khoảng từ 15.000 đồng/lít, nhưng nếu người làm có tay nghề cao thì việc kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống là một điều hoàn toàn khả thi.