Được cha ông truyền lại giống nếp bể quý hiếm, dân làng này ở Thái Bình quyết giữ cho bằng được

P.V Thứ năm, ngày 13/07/2023 11:27 AM (GMT+7)
Là giống nếp quý được cha ông truyền lại, người dân xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, Thái Bình) quyết tâm giữ gìn và phát triển thành sản phẩm OCOP 3 sao.
Bình luận 0

Vụ mùa năm nay, diện tích nếp bể làng Keo trên địa bàn xã Duy Nhất (Vũ Thư, Thái Bình) đã tăng 37ha so với vụ mùa năm 2022, đạt 197ha, chiếm gần 50% trong tổng số 406 ha diện tích gieo cấy lúa của xã.

Được biết, lúa nếp cái hoa vàng truyền thống hay còn gọi là lúa nếp bể gieo trồng trên đất làng Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) từ xa xưa đã nổi tiếng đồ xôi dẻo thơm, hạt mềm, vị đậm đà, tạo hương vị đặc trưng riêng có cho sản phẩm “rượu nếp làng Keo” truyền thống. 

Trải qua thời gian, nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng được đưa vào đồng ruộng sản xuất nhưng người dân làng Keo vẫn một lòng duy trì cấy giống lúa quý của cha ông truyền lại.

Được cha ông truyền lại giống nếp bể quý hiếm, dân làng này ở Thái Bình quyết giữ cho bằng được - Ảnh 1.

Nông dân xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, Thái Bình) cấy lúa nếp bể. Ảnh: Báo Thái Bình.

Người dân làng Keo cho biết, chính cây lúa nếp bể đã giúp nông dân làng Keo biến cái khó của vùng đồng chua, đất trũng thành lợi thế thiên nhiên ưu đãi, tạo ra đặc sản lúa nếp bể nổi tiếng gần xa.

Không chỉ cho năng suất, giá trị hạt thóc, hạt gạo cao hơn các loại lúa khác mà gieo cấy lúa nếp bể truyền thống, người dân làng Keo còn tận dụng thu hoạch sản phẩm phụ là phần rơm nếp, thêm nguồn thu từ 400.000 - 500.000 đồng/sào từ rơm nếp bể. Nhiều hộ dân làng Keo thường tích trữ, thu mua rơm nếp để làm chổi rơm.

Để giữ gìn giống nếp quý cha ông để lại từ bao đời nay, ngay từ năm 2011, xã Duy Nhất đã tiến hành quy hoạch, xây dựng và triển khai hiệu quả cánh đồng lớn sản xuất lúa nếp bể theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Những năm gần đây, địa phương tuyên truyền, vận động bà con duy trì ổn định, từng bước mở rộng diện tích gieo cấy lúa nếp bể truyền thống ở các diện tích ruộng trũng, thích hợp. Hiện mỗi năm, xã Duy Nhất có trên 150ha lúa nếp bể, trong đó 80% diện tích tập trung ở HTXNN Hành Dũng Nghĩa. 

Được cha ông truyền lại giống nếp bể quý hiếm, dân làng này ở Thái Bình quyết giữ cho bằng được - Ảnh 2.

Nếp bể là giống lúa cổ truyền duy nhất của làng Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Ảnh: BTB.

Mặc dù vụ mùa thường chịu ảnh hưởng bởi mưa bão song năng suất lúa nếp Bể hàng năm vẫn đạt bình quân 1,7 tạ/sào. Sau khi phơi khô, bán với giá trung bình 1,8 triệu đồng/tạ thóc, một sào nông dân thu về khoảng 3 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với lúa tẻ. 

Đặc biệt, gạo nếp bể hiện đạt sản phẩm OCOP 3 sao nên thương hiệu được đông đảo người tiêu dùng biết đến, nhờ đó sản lượng tiêu thụ cao hơn, giá bán cũng tăng.

Dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, Hợp tác xã kinh doanh nông sản làng Keo (xã Duy Nhất) đã kết nối tiêu thụ 80 tấn gạo nếp bể, đáp ứng tiêu thụ gần 50% sản lượng gạo nếp bể nông dân sản xuất ở vụ mùa năm 2022. 

Đây là kết quả của việc thực hiện xây dựng nhãn hiệu tập thể gạo nếp làng Keo theo mục tiêu mô hình sản xuất lúa đặc sản nếp Bể làng Keo, gia tăng giá trị phục vụ thị trường trong nước hướng tới xuất khẩu tại xã Duy Nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem