Nhiều loại trái cây nhiệt đới Việt Nam vốn rất nổi tiếng ở Trung Quốc và được ưa chuộng như mít hay măng cụt,... trong số đó có thể kể đến trái dừa nước.
Dừa nước vốn là loại quả mọc phổ biến ở vùng sông nước miền Tây nước ta. Ở Trung Quốc, loại quả này có tên gọi khác là Á Đáp Tử, mọc nhiều ở tỉnh Hải Nam. Sở hữu ngoại hình kỳ lạ thế nên ban đầu người dân ở tỉnh Hải Nam không ăn mà chỉ coi cây dừa nước là một công cụ để kiểm soát lũ lụt.
Thậm chí, nhiều người còn liên tưởng vẻ bề ngoài của chùm dừa nước được người Trung Quốc liên tưởng giống “búa sao băng”.
Sau này khi có người vô tình đâm vào phần cùi dừa nước, nếm thử thấy ngon thì loại quả này mới dần trở thành nguyên liệu làm đồ uống phổ biến ở đảo Hải Nam.
Sau này nhiều du khách hơn đến hòn đảo này, dừa nước dần trở thành món đặc sản mà họ nhất định phải trải nghiệm, dẫn đến việc cung không đủ cầu.
Cây dừa nước bị chặt phá nhiều, sinh trưởng và phân bổ tự nhiên bị ảnh hưởng, trở thành thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, được liệt kê loài thực vật được bảo vệ cấp quốc gia cấp độ 3.
Vị của dừa nước khác hoàn toàn với dừa thường, có người so sánh dừa nước khá giống với vải thiều.
Cùi dừa nước trong suốt, mềm dẻo, ngọt nhẹ, vị như thạch, có thể ăn trực tiếp hoặc làm kẹo. Loại quả này đặc biệt được ưa chuộng vào mùa hè như một thức uống giải khát.
Điều kiện trồng dừa nước khá đặc biệt, cần diện tích đất ngập mặn lớn, ở Trung Quốc khó đạt điều kiện này nên dừa nước khó phát triển.
Tỷ lệ gáo dừa và cùi dừa khoảng 5:1, cộng với chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang nên nhìn chung giá dừa nước ở Trung Quốc khá đắt đỏ.
Nhiều người sành ăn Trung Quốc đến Việt Nam để thưởng thức dừa nước, được chế biến thành chè hoặc đồ uống với mức giá phải chăng.
Hiện đã có nơi ở Trung Quốc quy hoạch trồng dừa nước để tăng thêm nguồn cung cho thị trường đất nước tỷ dân.
Dừa nước hay còn được gọi là dừa lá (tên khoa học: Nypa fruticans) ở Việt Nam mọc trong những vùng sình lầy dọc theo bờ sông, hay vùng ven cửa biển có thủy triều lên xuống, có nước chảy chậm bồi đắp phù sa dinh dưỡng.
Thân cây dừa nước mọc ngang dưới lòng đất, chỉ có lá và cuống hoa mọc lên trên. Dừa nước cho quả quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa hè, những tháng có mưa nhiều.
Dừa nước sau khi hái về sẽ được tách riêng từng quả, chẻ đôi rồi nạo lấy phần cùi trắng ngà bên trong. Cùi dừa thường được thưởng thức cùng nước đường bỏ thêm đá hoặc làm mứt, nấu chè.
Phần cùi hiện nay còn được đóng lon hoặc sấy khô để tiện bảo quản, vận chuyển buôn bán.
Người dân thường sử dụng lá dừa nước để lợp nhà, đan rổ rá, đan các đồ thủ công mỹ nghệ, làm củi.
Ngoài ra, nhựa dừa nước còn có thể nấu thành đường, lên men giấm. Dừa nước có tác dụng giải khát, thanh nhiệt rất tốt, cung cấp điện giải, hỗ trợ ngăn ngừa mụn nhọt, đẹp da.
Kinh doanh các sản phẩm liên quan đến dừa nước khi vào mùa có thể đem lại thu nhập khá cho người dân có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Một số rừng dừa nước còn trở thành địa điểm du lịch được nhiều khách du lịch yêu thích như rừng dừa nước Cẩm Thanh (Quảng Nam), rừng dừa nước Cà Ninh (Quảng Ngãi)...
Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, dừa nước còn xuất hiện ở một số quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Malaysia, Indonesia,... Ở đảo Rote và Savu (Indonesia), người dân cho lợn ăn dừa nước vào mùa khô để thịt ngọt hơn.
Giấm dừa nước là nguyên liệu tuyệt vời để chế biến các món ăn hấp dẫn tại các nhà hàng ở Thái Lan và Philippines. Ở Malaysia, đường dừa nước là một mặt hàng xuất khẩu.