Làng Trà Nhiêu - mảnh đất bình yên
Về thăm Trà Nhiêu vào một ngày hè, nhưng chúng tôi không cảm thấy sự oi ả, nóng bức, bởi từ đầu làng đến cuối xóm, đâu đâu cũng rợp bóng mát của những hàng cây xanh.
Nếu Quảng Nam được mệnh danh là Đất trăm nghề, thì làng Trà Nhiêu được gọi là Đất bảy nghề. Mảnh đất nhỏ này được các nhánh sông Thu Bồn, Ly Ly và Trường Giang bao bọc trước khi đổ ra biển Cửa Đại (TP Hội An).
Người dân nơi đây ít nhiều đều biết làm nghề biển, chài lưới, dệt chiếu cói, làm đồ thủ công mỹ nghệ, đan thuyền thúng, chằm lá dừa nước, tráng mì….
Thường thấy ở Trà Nhiêu nhất là hình ảnh người chồng hành nghề biển, người vợ ở nhà làm nghề đan lưới truyền thống.
Đôi mắt chăm chú, đôi tay thoăn thoắt, chỉ trong chốc lát bà Đỗ Thị Tuấn (59 tuổi) đã tạo ra một mảnh lưới chắc chắn, mắt lưới đều như được đúc ra từ một khuôn.
Kỳ công trong từng công đoạn, tỉ mỉ trong từng chi tiết là những gì mà bà Tuấn nói về cái nghề đã gắn bó với bà gần 40 năm qua.
Bà Tuấn bộc bạch: "Chồng tôi làm nghề biển, tôi ở nhà đan và vá lưới thuê, công việc tuy có chút mệt nhọc nhưng sắp xếp được thời gian chăm sóc con cái, gia đình. Đan lưới đã mấy chục năm rồi nên tôi làm việc rất thạo, không thấy khó khăn gì, vừa làm vừa nghỉ, trung bình mỗi ngày kiếm được 100.000 đồng, cũng đủ để trang trải cuộc sống".
Về Trà Nhiêu, những ruộng lác xanh mướt bao quanh khắp làng, những sợi lác tươi được trải phơi ở các ngõ ngách, đây là nguyên liệu để dân làng làm nghề dệt chiếu cói truyền thống.
Bà Lê Thị Bảy (60 tuổi) cho biết, bà trồng 2 sào lác và thu hoạch vào tháng 4 hàng năm. Lác sau khi phơi khô được cất trữ để dùng cả năm, nếu dệt thiếu sẽ mua thêm ở chợ. Trồng lác cực hơn so với trồng lúa, vì tốn công làm cỏ, rải phân, phát qua lứa, dễ mất mùa… mà thu lợi ít, chủ yếu lấy công làm lời.
Một sào lác thu được khoảng 15 bó lác tươi, phơi 2 nắng sẽ thu được 3kg lác khô. Trung bình mỗi tháng, bà Bảy dệt được 15 chiếc chiếu cói cỡ nhỏ, bán cho thương lái giá 30.000 đồng/chiếc. Bà phải thuê thêm người phụ dệt, sau khi trả công thì tiền lời không còn được bao nhiêu.
Đứng trước sự cạnh tranh của nhiều loại chiếu hiện đại trên thị trường, chiếu cói truyền thống dần mất chỗ đứng và trở nên mai một, không mấy ai mặn mà theo nghề.
Dẫu thế, bà Lê Thị Vui (71 tuổi) vẫn gắn bó với nghề dệt chiếu cói đã qua nhiều thế hệ. Dù đã có tuổi, sức khoẻ không tốt, nhưng hàng ngày bà vẫn miệt mài bên khung dệt chiếu. Mỗi tháng, bà chỉ làm được khoảng 10 chiếc, nhưng điều đó giúp bà đỡ nhớ nghề truyền thống từng vang danh một thời.
Ông Trần Văn Hỷ (83 tuổi), chồng bà Bảy cũng là một người thợ làm nghề đan thuyền thúng (thúng chai) nổi tiếng khắp làng.
Khi xưa, vùng sông nước Duy Vinh thịnh hành nghề đan thúng dành cho ngư dân đi biển đánh bắt gần bờ, vận chuyển hàng hoá và ngư lưới cụ, hoặc dùng để thoát thân khi gặp nạn trên biển.
"Khi xưa làng Trà Nhiêu có hàng chục hộ làm nghề đan thúng chai, nhưng đời sống thay đổi, sự xuất hiện của thúng nhựa hiện đại khiến nghề đan thúng truyền thống dần mai một và đi vào quên lãng. Mọi người bỏ nghề để tìm công việc khác ổn định hơn và rồi đến nay, chỉ còn mình tôi còn sống với nghề này", ông Hỷ trầm tư nói.
Từ nguyên liệu tre, ông Hỷ mua về và xử lý qua nhiều công đoạn như: chẻ tre, vót nan, đan đát, lận vành, phơi…. Để hoàn thành một chiếc thúng tre, ông mất từ 1 tuần đến gần cả tháng và phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Thoạt nhìn việc đan thúng có vẻ đơn giản, nhưng để tạo nên một chiếc thúng tre bền chắc, an toàn và có tuổi thọ cao, thì đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ và có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt.
Trung bình mỗi chiếc thúng có giá dao động từ 2,5-5 triệu đồng, tuỳ theo kích cỡ. Vì thúng tre có độ bền cao, nên ngư dân ít khi đặt làm mới, chủ yếu tìm đến ông Hỷ để nhờ sửa thúng, vá nan, thay vành.
Hiện nay, mỗi năm ông Hỷ chỉ làm khoảng 5 chiếc theo đơn đặt hàng trước, tuy thu nhập bấp bênh, nhưng công việc đan thúng truyền thống giúp ông tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, lưu giữ hoài niệm về làng nghề một thời hưng thịnh.
Du lịch Trà Nhiêu giúp cho người dân tăng thu nhập
Cách nhà ông Hỷ không xa, là ngôi nhà được làm bằng tre của nghệ nhân Trần Văn Hùng (57 tuổi). Gia đình ông đã trải qua 3 thế hệ gắn bó với nghề làm đồ tre, lợp nhà tranh, chằm lá dừa. Từ kinh nghiệm cha ông truyền lại, ông mày mò học hỏi, sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, tác phẩm tre nghệ thuật có giá trị cao.
Ông Hùng và đội thợ do chính ông đào tạo thường xuyên làm các công trình bằng tre cho nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, với giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Đặc biệt, trong quá trình tìm tre nguyên liệu để chế tác, ông nhặt những gốc tre bị vứt đi và đem về dày công tạo hình, "thổi hồn" thành một tác phẩm nghệ thuật có một không hai.
Những sản phẩm tre mỹ nghệ do ông làm ra luôn được du khách yêu thích và chọn mua làm quà. Đặc biệt, ngôi nhà Bamboo House do ông Hùng tự tay hoàn thiện bằng tre, trở thành điểm dừng chân của nhiều khách quốc tế và là nơi mọi người tìm đến tham quan, thưởng lãm nghệ thuật, trải nghiệm nét đẹp văn hoá làng quê Việt.
Ông Hùng đã thành lập Tổ hợp tác Du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, thu hút nhiều người dân địa phương tham gia phục vụ khách du lịch, thực hiện tour trải nghiệm rừng dừa nước và các làng nghề truyền thống như dệt chiếu, làm mỳ Quảng, làm đồ mỹ nghệ, đan lưới, vãi chài….
Bà Bảy chia sẻ thêm: "Nghề dệt chiếu truyền thống thu nhập không bao nhiêu, nhưng từ khi du lịch phát triển ở Trà Nhiêu, thì gia đình tôi có cơ hội đón tiếp các đoàn khách đến tham quan và trải nghiệm nghề truyền thống. Mỗi lượt khách tham quan thì tôi được trả 50.000 đồng, nhờ đó mà có thêm nguồn thu nhập khá để trang trải đời sống".
Đất bảy nghề Trà Nhiêu không chỉ được thiên nhiên ban tặng phong cảnh sông nước hữu tình, mà còn mang trong mình bề dày văn hoá – lịch sử truyền thống lâu đời. Dẫu đời sống ngày càng phát triển hiện đại, thì hình ảnh Trà Nhiêu thanh bình, nổi danh với nhiều nghề truyền thống vẫn luôn thổn thức trong lòng người dân Quảng Nam.