Dân Việt

Người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Bài cuối): "Thêu" bức tranh nông thôn mới bên vùng biển đẹp

Đức Cường 21/07/2023 06:00 GMT+7
Được sự quan tâm của tỉnh Ninh Thuận, cùng với tinh thần đoàn kết vươn lên của đồng bào dân tộc Raglai, đời sống người dân thôn Cầu Gãy và Đá Hang xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải đang được nâng lên. Một bức tranh nông thôn mới bên vùng biển đẹp đang được "thêu" lên với gam màu tươi sáng, giàu niềm tin...
Người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Bài cuối): "Thêu" bức tranh nông thôn mới bên vùng biển đẹp - Ảnh 1.

Chính quyền và bà con nông dân xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) quyết tâm chung tay xây dựng nông thôn mới bên cung đường ven biển đẹp để đưa vùng đất này tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.

Các công trình điện, đường, trường, trạm, phát triển giáo dục, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học đã và đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi xã Vĩnh Hải. 

Người Raglai định canh, định cư, chăn nuôi, trồng trọt tăng thu nhập

Hơn 20 năm ổn định cuộc sống, người đồng bào dân tộc Raglai ở 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã dần thay đổi tập quán sản xuất. Bà con đã biết chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa nước, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng sống và qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Cuộc sống người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận: (Kỳ 5) Phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Những căn nhà xây dựng qua Chương trình 134 do nhà nước hỗ trợ người Raglai ở thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Dạo quanh những đường làng thôn Đá Hang và Cầu Gãy, không khó để nhận ra những những ngôi nhà gắn biển "Nhà 134", "Nhà 167", "Nhà đại đoàn kết"... ghi dấu ấn các chương trình, dự án hỗ trợ về nhà ở mà người Raglai được thụ hưởng.

Hồi tưởng lại quá khứ, ông Cao Văn Đen, trưởng thôn Cầu Gãy cho hay, thời điểm mới xuống núi lập làng, người Raglai gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình trong thôn phải thay đổi tập quán sản xuất từ du canh, du cư sang định canh, định cư.

"Thời điểm đó, chính quyền địa phương cùng Ban giám đốc Vườn Quốc gia Núi Chúa và Đồn biên phòng Vĩnh Hải là 3 trong số nhiều cơ quan đến hỗ trợ bà con học chữ, trồng điều, lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm…", ông Đen nhớ lại.

Cuộc sống người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận: (Kỳ 5) Phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Bà Cao Thị Quyết, dân tộc Raglai nuôi dê sinh sản ở thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Đức Cường.

Bà Trịnh Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, nắm bắt được tập quán lâu đời của đồng bào Raglai, chính quyền địa phương và Hội Nông dân đã tích cực phối với các ban ngành cấp trên, Vườn Quốc gia Núi Chúa và đồn Biên phòng tăng cường tuyên truyền theo phương thức "mưa dầm thấm lâu" và "cầm tay chỉ việc".

"Đến nay, bà con Raglai nay đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi dê, gà và trồng điều...Nhờ đó đã tăng thêm thu nhập bình quân đầu người ở 2 thôn khoảng 14 triệu đồng/người/năm...", bà Nguyệt cho hay.

Cuộc sống người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận: (Kỳ 5) Phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Cánh đồng lúa xanh mướt của người Raglai trước Vườn Quốc gia Núi Chúa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Chỉ tay về cánh đồng lúa trước trụ sở Văn phòng Vườn Quốc gia Núi Chúa, anh Cao Văn Giác, trưởng thôn Đá Hang cho hay, đó là đồng lúa của bà con Raglai ở 2 thôn Đá Hang và Cầu Gãy. "Nhờ có ruộng, trồng lúa mà bà con Raglai chúng tôi có lương thực để ăn, từng bước vươn lên...", anh Giác cho hay.

Nói về ruộng lúa gần 3 sào (3.000 mét vuông) của gia định, bà Cao Thị Chắc ở thôn Cầu Gãy thổ lộ, từ khi biết trồng lúa nước gia đình đã không còn lo lắng về cái ăn, thóc thu hoạch về đủ dùng và còn nuôi thêm lợn, gà, tăng thu nhập.

"Hộ nào có ruộng không còn sợ cái đói phải ăn ngô, ăn khoai nữa. Mùa gần nhất thu được hơn 20 bao lúa nên khỏi lo cái đói…", bà Chắc phấn khởi nói.

CLIP: Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Ninh Thuận, đồng bào dân tộc Ragalai ở 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang đang tích cực cùng nhau phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới....T/h: Đức Cường

Xây dựng nông thôn mới dưới chân Núi Chúa

Ông Cao Văn Đen, trưởng thôn Cầu Gãy cho hay, toàn thôn đã có nước sạch sinh hoạt từ năm 2005. Riêng thôn Đá Hang, công trình nước sạch vừa được nâng cấp năm 2019 góp phần tạo nguồn nước sinh hoạt ổn định, đảm bảo sức khỏe cho người dân 2 thôn.

Còn ông Cao Văn Giác, trưởng thôn Đá Hang cho hay, giờ đây, trẻ em được đến trường, người ốm được khám chữa bệnh, điều trị tại trạm y tế xã, không còn nhà nào bị đói, thiếu thuốc ra trạm y tế là có liền. Cuộc sống của bà con bây giờ ngon lắm, chứ không phải khổ cực như ngày xưa…

Cuộc sống người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận: (Kỳ 5) Phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới - Ảnh 6.

Người dân trồng điều để tăng thu nhập. Ảnh: Đức Cường

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Nhơn, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các dự án hỗ trợ dê giống, hỗ trợ nguyên liệu, giống cây, vật tư kỹ thuật để phát triển sản xuất đã được địa phương triển khai thực hiện đến bà con. Công việc này hiện nay đang tiến triển tốt...

Theo UBND xã Vĩnh Hải, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU, của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào thiểu số, nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư trên địa bàn 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Theo đó, trong năm 2023 xã Vĩnh Hải đã xây dựng kế hoạch nguồn sự nghiệp thực hiện chính sách dân tộc là 8,5 tỷ đồng, vốn đầu tư 1 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, đã đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng như xây dựng đường bê tông để vận chuyển nông sản và hệ thống kênh mương từ đập dâng vào ruộng Gia Cồm thôn Đá Hang. Duy tu bảo dưỡng tường thành, phòng học nhà cộng đồng và trường học tại thôn Đá Hang…

Cuộc sống người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận: (Kỳ 5) Phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới - Ảnh 8.

Ông Cao Văn Đen trao đổi với chủ đầu tư công trình làm đường giao thông ở thôn Cầu Gãy. Ảnh: Đức Cường

Hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo 2 thôn Đá Hang, Cầu Gãy đã giảm. Thôn Đá Hang có 36 hộ nghèo/131 khẩu và 11 hộ cận nghèo/41 khẩu. Riêng thôn Cầu Gãy có 36 hộ nghèo/139 khẩu và 23 hộ cận nghèo/83 khẩu.

Cuối năm 2022 vừa qua, tổng 2 thôn có 164/180 gia đình đạt gia đình văn hóa (tỉ lệ  91,11%) danh hiệu thôn Văn hóa được duy trì, góp phần đưa xã Vĩnh Hải đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT Ninh Thuận, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có quyết định (số 799/QĐ-BNN-VPĐP) phê duyệt mô hình dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng tại thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải là mô hình thí điểm trong xây dựng Nông thôn mới. Sở có trách nhiệm hướng dẫn bà con thực hiện mô hình thí điểm này…

Cuộc sống người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận: (Kỳ 5) Phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới - Ảnh 10.

Xây dựng cầu mới và mở đường mới, đổ bê tông đường giao thông nông thôn ở thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Đức Cường

Hai thôn Đá Hang - Cầu Gãy-nơi 100% số hộ là dân tộc Raglai ở xã Vinh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Hiện nay, 2 thôn có 80% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Tỉ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi chiếm 15,6% tổng số học sinh toàn xã. Học sinh trong độ tuổi học tiểu học chiếm 18,82% học sinh toàn xã (thôn Đá Hang có 49 học sinh, thôn Cầu Gãy có 41 học sinh).

Học sinh THCS chiếm 7,6% tổng số học sinh toàn xã (thôn Đá Hang 13 học sinh, thôn Cầu Gãy có 17 học sinh). Cấp THPT có 5 em đang theo học tại trường Nội trú tỉnh Ninh Thuận.

Trên 86% người dân xã Vĩnh Hải tham gia bảo hiểm y tế (thôn Đá Hang đạt 100%). 100% người dân tiếp cận được truyền thông, được xem truyền hình, nghe đài phát thanh.

Đến thời điểm hiện nay, cơ bản 2 thôn đã ổn định công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định chổ ở cho các hộ dân; đảm bảo và tránh được tình trạng nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cho các hộ dân trước đây đang sinh sống phân tán và rải rác tại các khu vực xa xôi.

Người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Bài cuối): "Thêu" bức tranh nông thôn mới bên vùng biển đẹp - Ảnh 10.