Dân Việt

Ứng dụng và phát triển công nghệ Sofix vào sản xuất nông nghiệp ở Thừa Thiên Huế

An Sơn 18/07/2023 05:43 GMT+7
Tỉnh Thừa Thiên Huế và một trường đại học của Nhật Bản phối hợp triển khai dự án thí điểm ứng dụng công nghệ Sofix trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng trung tâm thí nghiệm Sofix tại tỉnh.

Ngày 17/7, theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh và Trường Đại học Ritsumekan (Nhật Bản) đang phối hợp triển khai dự án thí điểm ứng dụng công nghệ Sofix trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng trung tâm thí nghiệm Sofix tại tỉnh.

Sofix là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh đầu tiên trên thế giới, giúp thực hiện chẩn đoán tính chất vi sinh trên cơ sở khoa học kết hợp với tính chất hóa, lý của đất với 19 chỉ tiêu. Đây là công nghệ mang tính đột phá trong hoạt động làm đất để đề xuất phân bón nhằm nâng cao mức sản sinh đất cũng như nâng cao năng suất trong nông nghiệp hữu cơ.

Thừa Thiên Huế ứng dụng và phát triển công nghệ Sofix vào sản xuất nông nghiệp  - Ảnh 1.

Cây thanh trà tại phường Thủy Biều, TP.Huế cho thu nhập bình quân khoảng 160 triệu đồng/ha. Ảnh: T.H.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đoàn chuyên gia của Trường Đại học Ritsumekan đã lấy mẫu đất trồng thanh trà tại phường Thủy Biều, TP.Huế đem về Nhật Bản phân tích và đã có đánh giá sơ bộ về dinh dưỡng vùng đất trồng thanh trà hiện nay.

Theo đó, đất trồng thanh trà được lấy mẫu đạt số lượng vi khuẩn phù hợp nhưng hàm lượng cacbon, nitơ, phốt-pho, ka-li khá thấp so với tiêu chuẩn Sofix, có thể do việc sử dụng phân bón hóa học, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Sự chuyển hóa vật chất vẫn còn thấp, tính chất vật lý đất cần cải thiện để tăng độ thoát nước...

Trên cơ sở đó, phía Trường Đại học Ritsumekan đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp triển khai giải pháp cải thiện đất vùng trồng thanh trà theo công nghệ Sofix và xây dựng phòng thí nghiệm Sofix tại tỉnh trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng một số sản phẩm đặc sản trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh, thời gian qua, tỉnh xác định áp dụng các công nghệ xanh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, bảo vệ đất và nước trong canh tác, hạn chế sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật. Hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh đang ngày một phát triển, việc xây dựng trung tâm thí nghiệm Sofix tại tỉnh là phù hợp với định hướng của tỉnh và trung ương.

Tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Ritsumekan tổ chức khảo sát, chọn địa điểm để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng công nghệ Sofix bắt đầu từ khâu làm đất đến toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây thanh trà. Về cơ sở vật chất, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng trung tâm thí nghiệm Sofix tại tỉnh...