Người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Bài 1): Sống bình yên nơi rừng vàng biển bạc

Đức Cường Thứ hai, ngày 17/07/2023 06:00 AM (GMT+7)
Vườn quốc gia Núi Chúa ở huyện Ninh Hải tỉnh Ninh Thuận là khu rừng già nổi tiếng với hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng của Đông Nam Á. Trên những vạt rừng xanh thẳm ẩn chứa những giá trị văn hoá, lịch sử của đồng bào dân tộc Raglai quyết một lòng theo Đảng, chống lại ngoại xâm...
Bình luận 0
Người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Bài 1): Sống bình yên nơi rừng vàng biển bạc - Ảnh 1.

Cuộc sống hạnh phúc giữa rừng vàng, biển bạc

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi theo chân đoàn du khách thập phương đến thưởng ngoạn vịnh Vĩnh Hy và tìm hiểu về cuộc sống người đồng bào Raglai ở hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang nằm trong lâm phần Vườn Quốc gia Núi Chúa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Cuộc sống người Raglai trong vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Kỳ 1): Sống thanh bình nơi rừng vàng biển bạc - Ảnh 1.

Tỉnh lộ 702 xuyên qua cánh rừng Núi Chúa dẫn vào 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang, lâm phần Vườn Quốc gia Núi Chúa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Xuất phát từ trung tâm TP. Phan Rang-Tháp Chàm, chúng tôi vi vu bằng xe máy, ngắm cảnh đẹp hữu tình trên cung đường ven biển Ninh Thuận. Suốt chặng đường 30km là những rừng cây, núi đá uốn lượn, những bãi biển trong xanh hút tầm mắt.

Từ làng biển Vĩnh Hy, chúng tôi men theo đường núi khoảng 1km đến cây cầu treo lơ lửng giữa hẻm núi dẫn vào thôn Cầu Gãy và đây là lối đi duy nhất ra vào thôn.

Từ cầu treo nhìn về hướng vịnh Vĩnh Hy là cảnh núi rừng và biển cả giao thoa tạo, phong cảnh hữu tình hiếm nơi đâu có được. Ấn tượng nhất với chúng tôi khi vào thôn Cầu Gãy là những con đường dốc quanh co trong làng được bê tông láng mượt, sạch sẽ, thuận tiện.

Biết chúng tôi từ miền xuôi lên, ông Cao Văn Đen, người có gần 20 năm làm trưởng thôn Câu Gãy vui vẻ rót nước trà mời khách phương xa.

Cuộc sống người Raglai trong vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Kỳ 1): Sống thanh bình nơi rừng vàng biển bạc - Ảnh 3.

Ông Cao Văn Đen, Trưởng thôn Cầu Gãy, lâm phần Vườn Quốc gia Núi Chúa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Ông Đen cho hay, toàn thôn có 94 hộ với 357 khẩu, hầu hết đều là người Raglai mang họ Cao. Nguyên nhân ba con lấy họ Cao là vì có sự giao thoa với dân tộc kinh qua nhiều thế hệ. Hiện có số làm nông, số ít làm du lịch quanh con suối Lồ Ồ mát lành và thơ mộng…

Kể về cái tên Cầu Gãy và cuộc di cư lịch sử của người Raglai, ông Cao Văn Đen cho hay, những năm 90 của thế kỷ trước, người Raglai như ông quen cuộc sống du canh du cư trên độ cao 400 mét cách nơi ở hiện tại khoảng chừng 2km. Suốt một thời gian dài người Raglai tách biệt với thế giới, phát rừng khắp núi Đá Đỏ, Núi Ông trong vườn Quốc gia Núi Chúa để làm rẫy, trồng ngô, trồng khoai sinh sống qua ngày...

Khoảng năm 2000, khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận đã vẫn động bà con người dân tộc Raglai "xuống núi" định cư để bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Cuộc sống người Raglai trong vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Kỳ 1): Sống thanh bình nơi rừng vàng biển bạc - Ảnh 5.

Cây cầu treo là con đường độc đạo vào thôn Cầu Gãy, lâm phần Vườn Quốc gia Núi Chúa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

"Năm đó, cây cầu gỗ duy nhất bắc qua suối Lồ Ồ dẫn vào thôn bị gãy nên từ đó lấy luôn tên Cầu Gãy đặt cho thôn mới hình thành. Thời gian sau, Nhà nước làm cây cầu treo để người dân thuận tiện mua bán hàng hóa cho đến hôm nay…", trưởng thôn Cao Văn Đen nhớ lại.

Theo ông Đen, được sự quan tâm của Nhà nước, cuộc sống người đồng bào Raglai thôn Cầu Gãy đã từng bước cải thiện và nâng cao lên gấp nhiều lần. Từ một cộng đồng dân cư không tên 40 hộ với 90 khẩu, đến nay toàn thôn Cầu Gãy đã có 94 hộ với 357 khẩu.

Ngoài 7 căn nhà tình thương và 40 căn nhà 134 mà nhà nước hỗ trợ ban đầu, đến nay nhiều hộ đã tự cất nhà mới. Hộ nghèo giảm còn 36 hộ/139 khẩu, hộ cận nghèo 23 hộ/83 khẩu.

CLIP: Hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang-nơi đồng bào dân tộc Raglai sinh sống thuộc trong lâm phần Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. T/h: Đức Cường

Di dân để xây hồ trên Núi Chúa

Cùng với thôn Cầu Gãy, cộng đồng bà con dân tộc Raglai ở thôn Đá Hang cũng một thời du canh, du cư khắp những cánh rừng Núi Chúa. Thuở ấy, bà con từng phá rừng để làm rẫy theo mùa mưa mà bà con vẫn quen gọi là "ăn rừng theo nước trời".

Cuộc sống người Raglai trong vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Kỳ 1): Sống thanh bình nơi rừng vàng biển bạc - Ảnh 7.

Hồ Nước Ngọt nằm trên Núi Chúa, cách thôn Đá Hang chừng hơn 1km. Ảnh: Đức Cường

Chúng tôi gặp anh Cao Văn Giác, người mới 37 tuổi đời nhưng đã có hơn chục năm làm trưởng thôn Đá Hang. Anh Giác cho hay, cái tên Đá Hang đã có từ thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chính những hang đá hiểm trở đã trở thành chiến hào kiến cố để các bậc cha ông người Raglai tiếp tế lương thực cho có bộ đội ta suốt những năm dài kháng chiến cho đến ngày thống nhất đất nước 1975.

"Đất nước thống nhất, những người con Raglai khi lập làng cũng lấy luôn tên Đá Hang để đặt cho đơn vị hành chính cấp thôn như nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc cha anh đã đi trước và hy sinh cho quê hương đất nước…", anh Giác cho hay.

Kể về những ký ức của cuộc sống du canh, du cư hơn 20 năm trước, anh Giác cho hay, mỗi năm khi mùa mưa đến thì ai nấy đều phá rừng làm rẫy. Cứ thấy chỗ nào không quá dốc thì mọi người cùng nhau dọn lại một khoảnh rồi đốt để gieo hạt. Bắp và đậu là hai thứ mà bà con ở đây ai cũng biết trồng để có cái ăn trên vùng đất này.

Cuộc sống người Raglai trong vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Kỳ 1): Sống thanh bình nơi rừng vàng biển bạc - Ảnh 9.

Anh Cao Văn Giác, Trưởng thôn Đá Hang hiện nay. Ảnh: Đức Cường

Đến năm 2000, khi Nhà nước có chủ trương xây hồ Nước Ngọt rộng gần 100ha giữa lòng Núi Chúa. Người Raglai thôn Đá Hang được vận động xuống núi để nhường đất làm hồ, sống tập trung để bảo vệ những cánh rừng Núi Chúa.

Hiện nay, người Raglai thôn Đá Hang sống ổn định dọc tỉnh lộ 702, cách nơi sinh sống trước đây khoảng chừng 4km. Toàn thôn hiện có 92 hộ/347 khẩu với 36 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo.

Cuộc sống người Raglai trong vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Kỳ 1): Sống thanh bình nơi rừng vàng biển bạc - Ảnh 10.

Tuyến đường bê tông trung tâm thôn Đá Hang hiện nay. Ảnh: Đức Cường

Người dân trong thôn cũng hưởng lợi trực tiếp từ hồ Nước Ngọt, nước từ hồ chảy về trạm xử lý nước Đá Hang rồi theo ống chảy tận nhà dân. Ngoài ra, hồ Nước Ngọt còn cấp nước sạch cho hoạt động du lịch ở Vĩnh Hy, tưới cho hàng trăm hecta nho, táo và lúa ở cánh đồng thôn Thái An.

"Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng người dân ở đây luôn sống chan hòa, đoàn kết bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa. Bà con xem Núi Chúa như mái nhà chung của người Raglai ở 2 thôn Đá Hang và Cầu Gãy...", ông Cao Văn Giác, trưởng thôn Đá Hang tự hào nói.

Vườn Quốc gia Núi Chúa được thành lập vào tháng 7/2003, trên cơ sở chuyển hạng từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa, tiền thân là Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Bắc được thành lập vào tháng 8/1993. Năm 2021, tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra vào tháng 9/2021 tại Nigeria, Núi Chúa chính thức được tổ chức UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Theo BQL Vườn Quốc gia Núi Chúa, hiện có 4 dân tộc cùng sinh sống trong lâm phần của vườn. Trong đó người Kinh chiếm tỷ lệ cao nhất 75%; người Raglai chiếm 22% và người Chăm chiếm 3%. Ngoài ra, cũng có một tỷ lệ nhỏ người Hoa cũng sinh sống trong Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Cuộc sống người Raglai nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do đất sản xuất chủ yếu là đồi núi khô cắn, chưa chủ động được nguồn nước nên sản lượng còn thấp.

Người dân 2 thôn Đá Hang – Cầu Gãy luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Nhiều chương trình, dự án, các chính sách dân tộc được Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư các công trình trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Mời độc giả Báo điện tử Dân Việt đón đọc: Người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Bài 2): Người Raglai quyết một lòng theo Đảng chống giặc ngoại xâm.

Người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Bài 1): Sống bình yên nơi rừng vàng biển bạc - Ảnh 10.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem