Dân Việt

PGS.TS Vũ Sỹ Cường chỉ ra cơ hội và thách thức của Fintech ở vùng nông thôn

Khải Phạm 18/07/2023 19:06 GMT+7
Nông thôn là thị trường tiềm năng của các công ty khởi nghiệp Fintech Việt Nam, nhưng dám đương đầu với thách thức mới có thể thành công.
Khó khăn và thuận lợi của thị trường Fintech Việt Nam tại nông thôn - Ảnh 1.

Hội nghị online: “Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech và ứng dụng ở vùng nông thôn” do báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức. Ảnh Phạm Hưng.

Trong khuôn khổ Hội nghị online: “Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech và ứng dụng ở vùng nông thôn” do báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức trong sáng 18/7/2023, ông Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC và PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện phát triển công nghệ tài chính đã có nêu thực trạng, những thách thức, cơ hội của thị trường Fintech tại Việt Nam.

Thực trạng Fintech ở Việt Nam hiện nay

PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện phát triển công nghệ tài chính đưa ra số liệu, đến cuối năm 2022, cả nước có 176 công ty về Fintech chủ yếu tập trung về vấn đề thanh toán và cho vay cá nhân.

Trong khi các hoạt động khác như Đầu tư tích luỹ, bảo hiểm, quản lý tài sản, bảo hiểm, mua trước trả sau… vẫn còn hạn chế.

“Con số công ty Fintech ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn khi biết rằng Malaysia có gần 600 công ty, Indonesia là hơn 400 công ty”, ông Cường chia sẻ.

Đặc thù của Fintech hiện nay là có tốc độ tăng trưởng cao và theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước sẽ rơi vào hơn 10 tỷ USD vào năm 2025. Kinh tế trưởng Viện phát triển công nghệ tài chính cho rằng hiện nay tiềm năng phát triển Fintech ở Việt Nam vẫn còn rộng mở.

Cơ hội và thách thức của Fintech ở vùng nông thôn

Không chỉ ở thành thị, ông Cường cho rằng khu vực nông thôn mới là thị trường sẽ phát triển mạnh của Fintech trong thời gian tới.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, có nhiều cơ hội giúp thị trường Fintech ở nông thôn Việt Nam có thể phát triển mạnh trong thời gian tới.

Khó khăn và thuận lợi của thị trường Fintech Việt Nam tại nông thôn - Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện phát triển công nghệ tài chính chia sẻ về thực trạng, khó khăn và cơ hội Fintech ở vùng nông thôn. Ảnh Phạm Hưng.

Đầu tiên, số lượng người dùng điện thoại thông minh (smartphone) ở nông thôn Việt Nam hiện nay rất lớn. Thống kê của Bộ TT&TT, hiện nay có 90% người dân trưởng thành có sử dụng smartphone.

Thứ hai, tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong người dân ở khu vực nông thôn vẫn còn rất cao khoảng 13% người dân vẫn thanh toán tiền mặt. Điều đó cho thấy chúng ta có thể dùng Fintech để hạ tỷ lệ người dùng tiền mặt thanh toán xuống.

Thứ ba, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự hỗ trợ rất lớn về chủ trương, chính sách của Chính phủ cũng các Bộ, Ngành liên quan đến việc phát triển công nghệ số, chuyển đổi số Fintech này.

Cuối cùng, Việt Nam có lực lượng lao động trong ngành công nghệ thông tin tương đối tốt. Trong số ít ngành, công nghệ thông tin của Việt Nam có cơ hội bắt kịp quốc gia khác vì không đòi hỏi quá nhiều điều kiện phát triển như 1 số ngành công nghiệp nặng.

Bên cạnh những cơ hội phát triển Fintech ở nông thôn, vẫn còn nhiều thách thức khi các công ty tài chính phát triển ở khu vực này tại Việt Nam.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là do cơ chế, chính sách pháp luật. Mặc dù hiện nay, có rất nhiều Nghị quyết, quyết định… nhưng không có nhiều cơ chế phát triển thử nghiệm trong lĩnh vực Fintech.

Đơn cử, các cơ chế cho vay ngân hàng đến hiện nay vẫn chưa có có chế chính thống, đầy đủ để đảm bảo việc phát triển Fintech. Đồng thời, các cơ chế pháp lý hiện nay cho các hoạt động cho vay ngân hàng, mua trước trả sau…

Khó khăn tiếp theo đến từ các cơ quản lý vẫn chưa phân chia rõ ràng trong việc phân chia quản lý, giám sát Fintech do Bộ TT&TT, Bộ KH&CN hay Ngân hàng Nhà nước. Do đó, một sản phẩm Fintech phải xin giấy phép của rất nhiều cơ quan khác nhau.

Thách thức tiếp đến từ vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia Fintech là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc bảo mật thông tin cá nhân còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt vùng nông thôn khi người dân chưa có nhiều hiểu biết nên dễ dàng cung cấp thông tin của mình. Trong khi đó, tất cả mọi việc của Fintech đều thông qua phần mềm, một khi thông tin bị rò rỉ sẽ rất rủi ro.

Vấn đề tiếp theo là chia sẻ rủi ro của các công ty tài chính và công ty công nghệ trong Fintech là rất quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để chia sẻ trách nhiệm rủi ro giữa 2 bên.

Chưa dừng lại ở đó, hạ tầng công nghệ viễn thông của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Điển hình là năm vừa qua, hệ thống hạ tầng viễn thông bị ảnh hưởng nặng nề khi các tuyến cáp quang biển đi quốc gần như bị gián đoạn hoàn toàn.

Việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức. Đơn cử như việc định danh cá nhân do Bộ Công an quản lý, nhưng làm sao để chia sẻ những thông tin đó giữa các đơn vị để có thể sử dụng hiệu quả và an toàn.

Cũng theo ông Cường, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào về công nghệ thông tin nhưng việc đào tạo về công nghệ và tài chính còn nhiều hạn chế. Biết rằng, các trường kỹ thuật đào tạo nhiều về công nghệ, nhưng tuyệt nhiên kỹ sư IT lại không hiểu về tài chính. Ngược lại những trường đào tạo về tài chính lại không hiểu về công nghệ nên nguồn lực từ đó hạn chế ngay từ khâu đào tạo.

Cuối cùng, Kinh tế trưởng Viện phát triển công nghệ tài chính cho rằng khó khăn đối với Fintech ở vùng nông thôn là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Do đó, để thay đổi thói quen, để người dân tin tưởng hơn trong việc quản lý và sử dụng Fintech.

Dù còn nhiều dư địa phát triển, nhưng hiện nay các công ty tài chính muốn phát triển được ở vùng nông thôn vẫn còn phải cùng lúc giải quyết được nhiều bài toán. Tuy nhiên, để thành công thì doanh nghiệp luôn cần phải có sự khác biệt.

Khó khăn và thuận lợi của thị trường Fintech Việt Nam tại nông thôn - Ảnh 3.

Ông Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC phát biểu tại Hội nghi. Ảnh Phạm Hưng.

Cũng trong Hội nghị online “Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech và ứng dụng ở vùng nông thôn”, ông Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC đưa ra ví dụ về dám khác biệt của Viettel để có thành công như hiện nay.

Ông Khanh cho biết, khoảng hơn 20 năm về trước, khi VinaPhone và MobiFone phát triển mạnh mẽ ở thành phố thì Viettel đã đi ngược lại tiếp cận với khách hàng nông thôn khi dư địa ở đây còn nguyên. 

Tập đoàn Viettel đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn, không bán sim theo tổng đại lý mà mỗi quán trà đá, mỗi hàng tạp hoá đều là điểm giao dịch. Do đó, sự dám khác biệt đã mang đến một Viettel thành công và có thể cạnh tranh trên thị trường viễn thông ở Việt Nam như hiện nay dù vào sau.

Thế mới thấy, nông thôn Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển thị trường Fintech nếu các công ty tài chính dám thách thức và khác biệt.