Chuyên gia Trần Duy Khanh: “Tư duy khác biệt tạo ra cơ hội khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam”
Chuyên gia Trần Duy Khanh: “Tư duy khác biệt tạo ra cơ hội khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam”
Thanh Tùng
Thứ ba, ngày 18/07/2023 12:39 PM (GMT+7)
Từ về câu chuyện khởi nghiệp và bài học trong cách tiếp cận thị trường của tập đoàn Viettel, ông Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC, cho rằng chính tư duy khác biệt sẽ tạo ra sự thành công cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech.
Trong khuôn khổ hội nghị online: “Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech và ứng dụng ở vùng nông thôn” do báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức trong sáng 18/7, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC Trần Duy Khanh đã có những chia sẻ liên quan đến câu chuyện thúc đẩy khởi nghiệp Fintech.
Nhắc về hành trình thành công của tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, ông Trần Duy Khanh cho rằng chính sự sáng tạo về mặt tư duy trong cách tiếp cận thị trường đã giúp Viettel gặt hái thành công lớn như hiện nay. Cụ thể, thay vì hướng tới các khách hàng tại khu vực thành thị như cách làm của các “ông lớn” thời bấy giờ là Vinaphone hay Mobiphone thì Viettel lại chọn nông thôn là thị trường chính để phát triển. Bởi lẽ, đa số người trẻ ở thành phố đều cần liên lạc với gia đình, người thân ở nông thôn. Do đó, nếu Viettel phủ sóng ở các khu vực nông thôn thì người trẻ ở thành thị buộc phải sử dụng dịch vụ của Viettel để liên lạc với người thân ở quê nhà. Nhờ chính sách và tư duy đột phá này, Viettel đã từng bước phát triển, giành được vị trí hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông hiện nay.
Qua đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC mong muốn truyền động lực tới người trẻ, đặc biệt là những người trẻ có mong muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech. Bởi đây là lĩnh vực có dư địa rất lớn.
Theo đánh giá của ông Trần Duy Khanh, thế hệ trẻ của Việt Nam có nhiều thế mạnh về trí tuệ, tài năng. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công, người trẻ cần phải có tâm huyết, ý chí. Ngoài kiến thức, kĩ năng, người làm khởi nghiệp phải tiềm lực về vốn. Đây là khó khăn chung của tất cả những người làm khởi nghiệp.
Cũng theo đánh giá của ông Trần Duy Khanh, một doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ mất từ một đến hai năm đầu để xây dựng, hoàn thiện sản phẩm và lợi nhuận thưởng chỉ có ở năm thứ ba trở đi. Vì thế, các doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu rất lớn về vốn. Thế nhưng các tổ chức tài chính thường không dám giải ngân do bên vay không có tài sản thế chấp. Đây là điều thực sự khó trong quá trình phát triển lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech.
Từ thực tiễn này, ông Trần Duy Khanh mong muốn đề xuất có thêm những cơ chế chính sách về tài chính, tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp này. Có thể coi đây là quá trình ươm mầm khởi nghiệp để các doanh nghiệp có thêm điều kiện cơ hội phát triển. Để làm được điều này, cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech.
“Ngoài sự tham gia, vào cuộc của cơ quản quản lý, đơn vị nhà nước, cần có thêm những quỹ hỗ trợ, ươm mầm khởi nghiệp từ các tổ chức, đơn vị khác để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thêm niềm tin, sức mạnh ở những bước đi khó khăn ban đầu” – ông Trần Duy Khanh nhấn mạnh.
Cuối cùng, ông Trần Duy Khanh kêu gọi người trẻ hãy mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vào lĩnh vực khởi nghiệp Fintech. Dù rằng đây là lĩnh vực rất tiềm năng nhưng cũng vô cùng mạo hiểm. Thế nhưng càng mạo hiểm thì thành công sẽ càng lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.