Video nét trầm mặc cổ kính của đình làng Trúc Động.
Đình Trúc Động xa xưa gắn với câu chuyện Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Dù qua bao biến thiên của lịch sử, người dân trong làng vẫn luôn tự hào về dấu tích một thời dựng nước và giữ nước của cha ông.
Cụ Trần Văn Trí - cao niên trong làng chia sẻ: "Đình làng có từ lâu rồi, người làng truyền ngày xưa có vị Thành hoàng của làng thờ ở đình Trúc Động tên là Giám Sát - con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã phù hộ cho các anh hùng đánh giặc cũng như bảo vệ dân làng".
Cụ Trí kể, năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Hát Môn. Trong một lần cầm quân đánh đuổi giặc Tô Định xâm lược, Hai Bà nghỉ đêm ở làng Trúc Động.
Đêm đó, Bà Trưng chiêm bao thấy một cụ già dáng người cao lớn từ ngoài đi vào doanh trại xưng tên là Giám Sát con vua Lạc Long Quân, làm thần ở làng Trúc Động, đồng thời cụ già hứa phù hộ Hai Bà đánh tan giặc xâm lược.
Hôm sau, Hai Bà mang quân ra trận tiền đánh tan quân Tô Định, thu non sông về một mối, khôi phục nghiệp xưa của các vua Hùng.
Nghĩ tới công âm phù của vị thần làng Trúc Động, Hai Bà cho dân làng lập miếu thờ phong vị thần Giám Sát vào hàng Thượng đẳng thần và sau này là Thành Hoàng thờ ở đình làng Trúc Động.
Hàng năm, làng tổ chức lễ hội vào hai kỳ: Mùa xuân ngày 12 tháng 2 âm lịch, mùa thu ngày 13 tháng 8 âm lịch. Dân làng và khách thập phương về trẩy hội Trúc đông vui. Ngày 27/3/1991, Đình Trúc Động đã được xếp hạng di tích lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.
Được coi là ngôi đình cổ nhất huyện Thạch Thất còn giữ được cho đến nay, trải qua những biến thiên của lịch sử, đình đã nhiều lần được tu sửa và kiểu dáng kiến trúc đình Trúc Động hiện nay mang đậm dấu ấn của kiến trúc đình chùa Việt Nam thế kỷ XVI-XVII.
Đình Trúc Động thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo có quy mô bề thế, cửa đình ngoảnh hướng Nam, phía trước là một ao sen rộng khoảng một mẫu Bắc Bộ. Cạnh đó là một giếng tròn, thành xây đá ong tường cao 0,7m, đường kính 2,5m.
Đến thăm quan đình Trúc Động, anh Đào Duy Mạnh (Hà Đông, Hà Nội) cảm thấy vô cùng bất ngờ về kiến trúc độc đáo của ngôi đình, đặc biệt là những cổ vật còn sót lại nơi đây.
"Tôi cho rằng ít nơi đâu còn lưu lại được nhiều cổ vật quý như đình Trúc Động. Ngôi đình nói chung và những cổ vật nói riêng là minh chứng rõ nét nhất cho những giá trị lịch sử nơi đây. Tôi mong rằng, chính quyền địa phương và nhân dân trong làng sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy nét đẹp cổ kính của di tích", anh Mạnh chia sẻ cảm xúc.
Diện tích khuôn viên đình trên 3 sào Bắc Bộ, xây tường đá ong bao quanh, sân đình bày đặt hai tượng voi đá hướng chầu vào nhau là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.
Nhà Tiền Tế làm kiểu chồng diêm 8 mái lá đao cong đầu rồng. Những hàng cột gỗ tròn đặt trên chân tảng đá vuông. Toà Đại đình là ngôi nhà dàn hàng ngang 5 gian hình chữ nhật, làm vào thế kỷ XVIII, mái lợp ngói mũi hài, trên có hoa văn hình vân xoắn.
Các mảng chạm khắc chủ yếu là rồng, phượng, các loài vật thiêng, hoa lá… mang tính truyền thống cao, đậm nét phong cách nghệ thuật cuối Lê, đầu Nguyễn. Đặc biệt là các tác phẩm hình rồng ở đầu bẩy, đầu dư của nhà Đại Đình, nét chạm không rườm rà, mạch lạc dứt khoát, chắc, thoáng và khoẻ mang phong cách nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ XVIII.
Đình Trúc Động hiện còn lưu giữ được 33 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam, cổ nhất là đạo sắc phong niên đại Đức Long năm thứ 3 (1632), đạo sắc phong cuối cùng thuộc niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924).
Tại đình cũng còn lưu giữ được 4 bản ngọc phả, trong đó, có bản "Trúc Động xã sự tích" một loại văn bản quý hiếm xét ở góc độ lịch sử thành văn làng xã Việt Nam.
Cụ Trí kể thêm, đình Trúc Động còn có một bia đá thời Lê, nội dung ghi chép điều lệ ruộng đất, chức sắc, thể lệ vui chơi trong lễ hội… Ở Đại đình có đôi hạc gỗ thờ cao tới 2,62m sơn son thiếp vàng đứng trên lưng rùa đặt trên cung thờ.
Kiến trúc đình Trúc Động phản ánh một cách khá tiêu biểu lịch sử nghệ thuật kiến trúc đình Việt Nam. Đình Trúc Động là nơi thường xuyên tiếp đón du khách thập phương, các nhà khoa học, các đoàn thực tập về nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hoá làng xã, kiến trúc, tôn giáo…