Bí ẩn ít biết về căn hầm ngầm dưới đình cổ Quán La

Duy Huy Thứ hai, ngày 30/01/2023 11:26 AM (GMT+7)
Đình Quán La ở Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) có một cửa hang dẫn xuống một căn hầm ngầm bí ẩn với nhiều giai thoại truyền miệng khác nhau.
Bình luận 0

Video căn hầm bí ẩn ở đình cổ Quán La. Thực hiện: Duy Huy.

Huyền tích ly kỳ về địa đạo Quán La

Căn hầm này gồm các cổng vòng ống được xây dựng bằng gạch cổ với ba đường hầm riêng biệt khác nhau. Mỗi ngách hầm rộng khoảng 1,5m, cao khoảng 1,6m.

Bí ẩn ít biết về căn hầm ngầm dưới đình cổ Quán La - Ảnh 2.

Cửa hang nằm ở phía sau đình Quán La.

Các ngách hầm được xây dựng bằng gạch in các hoa văn rất đẹp. Cửa hầm đầu tiên sâu khoảng 3m, cửa hầm thứ hai dài khoảng 5m. Hiện nay lối đi sâu vào hầm đã bị bịt kín.

Vừa soi đèn pin, ông Nguyễn Văn Lực - thủ từ đình Quán La vừa giới thiệu với chúng tôi về căn hầm bí ẩn này. Theo ông Lực, hiện tại khu "địa đạo" này có 3 ngách, theo lời các cụ kể lại thì một ngách đi Hồ Tây, một ngách đi Xuân Đỉnh và một ngách đi sông Hồng.

Cửa hầm đầu tiên sâu khoảng 3m, cửa hầm thứ hai sâu khoảng 5m, đều bị bịt kín từ lâu. Cửa hầm thứ 3 vẫn mở và có thể nhìn rõ đường đi lối lại bên trong. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Lực, chưa một ai dám khám phá, khai thác sâu trong hầm đó là gì.

Bí ẩn ít biết về căn hầm ngầm dưới đình cổ Quán La - Ảnh 3.

Gạch xây mộ là gạch có hoa văn trám và một số gạch không có hoa văn, gạch xây cuốn hình múi bưởi có hoa văn, những điểm này có nét tương đồng với mộ Hán.

"Các cửa hầm đã bị bịt kín từ thời Lý, đến nay không ai dám phá cửa đi sâu vào bên trong. Hôm nào trời nắng, người ở dưới này rất khó thở, khỏe cũng chỉ được 1 phút là phải lên", ông thủ từ kể lại.

Ông Lực cho biết thêm, có giả thuyết cho rằng, đây là loại mộ táng xây bằng gạch thời Bắc thuộc. Hầm mộ ăn sâu dưới nền thượng điện đình Quán La.

Bí ẩn ít biết về căn hầm ngầm dưới đình cổ Quán La - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Lực - thủ từ đình Quán La giới thiệu về căn hầm bí ẩn.

Trước khi được khảo sát và kết luận là ngôi mộ Hán, có rất nhiều lý giải của dân gian về địa đạo dưới đình Quán La. Nhiều người nói, đây là huyệt đạo do Cao Biền cho đào để yểm trấn; người lại nói địa đạo được xây dựng từ thời Lý dài hàng chục km nối từ Xuân La, một tiền đồn phía Tây kinh thành Thăng Long đến với khu vực Cấm Thành tại Cửa Bắc và bốn hướng khác...

Về chiều dài địa đạo, nhiều cụ cao niên trong làng cho biết, Quán La xưa kia nằm ngay sát sông Hồng nên vào mùa nước lên địa đạo cũng bị chìm trong nước.

Bí ẩn ít biết về căn hầm ngầm dưới đình cổ Quán La - Ảnh 5.

Trong lòng mỗi đường hầm chỉ cao khoảng 1,6m, không khí tương đối ngột ngạt đặc biệt trong những ngày nắng nóng.

Có người đã từng thử tìm cửa ra của địa đạo trên bằng cách dùng một quả bưởi đánh dấu lại và thả xuống cửa địa đạo nằm bên hông đình và sau đó đã tìm thấy chính quả bưởi trên ở hồ Tây.

Ngôi đình cổ có lối kiến trúc đặc sắc

Đình Quán La tọa lạc trên gò Thất Diệu, trung tâm làng Quán La. Đình gồm ba gian thờ dọc, hai gian tiền tế và một gian mật cung. Qua cách xây dựng và bài trí thì thấy đình làng thờ vị thần tướng có công với dân vùng này.

Bí ẩn ít biết về căn hầm ngầm dưới đình cổ Quán La - Ảnh 6.

Tam quan đình Quán La.

Hiện dân làng không giữ được thần tích, tại các thư viện cũng không có thần tích về Quán La nên không thể khảo cứu rõ ràng về lịch sử thần. Dựa theo Tây Hồ chí thì có thể đây là vị sơn thần đã được dân Quán La phụng thờ vào cuối thời Trần.

Trong 18 đạo sắc còn lưu giữ tại đình, do các triều đại phong kiến phong cho thành hoàng làng Quán La Xã có nhiều đạo sắc phong rất quý: sắc năm Thịnh Đức 1 (1653) đời Lê Thần Tông, sắc Cảnh Trị 7 (1670) đời Lê Huyền Tôn, Đức Nguyên (1674), Vĩnh Thịnh 1 (1705)...

Bí ẩn ít biết về căn hầm ngầm dưới đình cổ Quán La - Ảnh 7.

Tòa thượng điện đình Quán La.

Như vậy chỉ với những sắc phong đã cho chúng ta biết lịch sử của ngôi đền là rất cổ, nó phải ra đời sớm hơn những ngày phong sắc cho thần hoàng làng mà chúng ta đã kể ở trên. 

Đình Quán La được xây theo hướng Nam ghé Tây, đầu đốc trở ra, đây là một đặc điểm riêng của ngôi đình này, với đặc điểm này chúng ta thấy rất ít ở miền Bắc mà chỉ phổ biến ở miền Nam.

Ở miền Bắc loại đình có đầu đốc quay ra chỉ có ở Sơn Đông, Nghệ Tĩnh. Đặc biệt tại tòa Đại đình còn 1 đôi câu đối có lối viết khoa đẩu rất đặc biệt (ở mặt ngoài là chữ hoa triện nhưng mặt trong lại là chữ thật), đây là phong cách riêng ở nghệ thuật của ngôi đình này.

Với những giá trị hiện còn cụm di tích đình và chùa Quán La Xã được xếp vào loại di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và thắng cảnh. Cụm di tích được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng ngày 31/1/1992.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem