Kiến trúc độc đáo ở ngôi đình có cổng tam quan cổ bậc nhất Thủ đô

Duy Huy Chủ nhật, ngày 05/02/2023 12:56 PM (GMT+7)
Đình Yên Bình thuộc thôn Yên Bình (xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật và kiến trúc độc đáo.
Bình luận 0

Ngôi đình có cổng tam quan cổ bậc nhất Thủ đô. Thực hiện: Duy Huy

Kiến trúc độc đáo cổ xưa

Đình Yên Bình là nơi thờ phụng thành hoàng làng là thần Lý Khuê - một trong 12 sứ quân thời loạn thập nhị sứ quân cát cứ ở Siêu Loại (tức Dương Xá, Gia Lâm). Đình Yên Bình tọa lạc trên một mảnh đất cao rộng, thoáng mát trong khu vực cư trú của làng.

Ngôi đình có cổng tam quan cổ bậc nhất Thủ đô - Ảnh 2.

Nghi môn cổ được xây dựng cách đây hàng trăm năm.

Ông Nguyễn Dương Quân – Trưởng thôn Yên Bình cho biết "Các công trình kiến trúc của ngôi đình được xây dựng trên một trục chính dọc từ ngoài vào trong gồm nghi môn, đại đình, ống muống và hậu cung. Đây là một tổng thể thống nhất, nối liền nhau, kiểu kiến trúc xây gạch kết hợp với bộ mái làm bằng gỗ, kiểu tàu đao chéo gác".

Nghi môn của đình kiểu hai tầng tám mái. Tầng dưới dạng "ngũ môn" có các cửa hình vòm kích thước dài rộng khác nhau. Tầng trên xây theo kiểu "Vọng lâu" dạng tam quan với ba cửa. Đôi chỗ ở tầng trên và các ô cửa được xếp bằng gạch gốm màu tạo ánh sáng và để trang trí.

Qua nghi môn là đến sân gạch khá rộng dẫn vào đại đình. Đại đình là một nếp nhà năm gian làm theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Hai đầu hồi đắp đầu kìm hình rồng hướng vào nhau.

Ngôi đình có cổng tam quan cổ bậc nhất Thủ đô - Ảnh 3.

Tòa đại đình của đình Yên Bình mới được trùng tu xây dựng năm 2020.

Ông Quân cho biết thêm, bộ khung nhà đại đình làm bằng gỗ với sáu bộ vì kèo chịu lực đỡ mái. Các vì kèo đều sử dụng kiểu giá chiêng chồng rường bốn hàng chân với vì nóc có kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường con nhị.

Kết cấu này gồm ba thanh rường dài ngắn khác nhau, kê trên nhau qua những đấu vuông nhỏ, thót đáy. Hệ thống kẻ trong vì ăn mộng qua các cột cái, cột quân.

Đặt trên các thanh kẻ chắc khỏe là hệ thống hoành phân theo kiểu "thượng tứ hạ tứ" – lối rải hoành phổ biến của kiến trúc thời Nguyễn.

Hậu cung là một nếp nhà kiểu bốn mái, xây trên mặt bằng gần vuông. Nhà lợp mái ta, bờ dải đắp hình đầu kìm nhìn vào nóc mái. Bộ khung nhà bằng gỗ với hai bộ vì làm theo kiểu chồng rường con nhị.

Ngôi đình có cổng tam quan cổ bậc nhất Thủ đô - Ảnh 4.

Mái vòm của nghi môn đình Yên Bình được dựng bằng gạch nung Bát Tràng cổ.

Vì kia có kết cấu kiểu vì kèo với hai kẻ dài gác chéo nhau theo chiều dốc mặt mái, ăn mộng với nhau ở đỉnh vì, đỡ thượng lương chạy xuống đầu cột cái, cột trốn đứng chân trên quá giang vươn lên đội vào chỗ đầu hai kẻ gác mộng tạo nên bộ vì đơn giản, vững chắc.

Những cổ vật dân làng xem như "báu vật"

Trải qua thời gian dài tồn tại, đình Yên Bình còn bảo lưu được nhiều di vật quý mang giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử. Trong nhiều di vật còn lại của di tích trước hết phải kể đến bộ 7 sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho vị thành hoàng. 

Bản sắc phong cổ nhất còn được lưu giữ trong đình là bản sắc phong: Quang Trung ngũ niên thất nguyệt nhị thập bát nhật (1792).

Ngôi đình có cổng tam quan cổ bậc nhất Thủ đô - Ảnh 5.

Bản sắc phong cổ còn được lưu giữ trong đình.

Trang trí trên cấu trúc đình Yên Bình tập trung chủ yếu tại thân rường, đấu kê, vì nách, vì nóc và các hiện vật như hương án, kiệu bát cống, long ngai.

Tiếp đến là một cỗ long ngai đặt trong ống muống, có tay ngai hình rồng chạm nổi rồng phượng, hổ phù. Một kỷ tam sơn bằng gỗ được chạm thủng, chạm lộng, nhiều họa tiết đẹp như hoa thị, hoa chanh, hổ phù, rồng chầu mặt nguyệt.

Cùng với đó, đình còn một kiệu bát cống được tạo tác công phu tỉ mỉ với những đường nét trang trí tài hoa, tạo nên những hình ảnh rồng phượng, hổ phù, phật thủ sinh động tự nhiên. Hai hương án, một được đặt ở trong ống muống, một đặt ở ngoài đại đình.

Ngôi đình có cổng tam quan cổ bậc nhất Thủ đô - Ảnh 6.

Hậu cung của đình hiện nay vẫn còn các bức hoành phi, câu đối, án gian từ khi lập đình.

Đặc biệt đình Yên Bình vẫn còn giữ bốn bức hoành phi bằng gỗ ghi chữ Hán sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ông Trần Đắc Lành – Phó Trưởng thôn Yên Bình, người trông coi di tích chia sẻ: "Nét nổi bật trên các cổ vật được lưu giữ trong đình là những mảng chạm khắc được làm bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm bong kênh rất chau chuốt với các đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, rồng, phượng, long mã, hổ phù đều là những linh vật của vũ trụ đặc trưng cho thánh thần.

Đây cũng chính là ý nghĩa của các mảng trang trí, là ước vọng của con người luôn cầu sự no ấm, đầy đủ và may mắn".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem