Dân Việt

Thông tin mới nhất về lễ tang của Giáo sư, NSND Trần Bảng

Hà Tùng Long 20/07/2023 15:34 GMT+7
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, gia đình sẽ phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức tang lễ cho Giáo sư, NSND Trần Bảng vào 13h30 ngày 24/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Thông tin Giáo sư, NSND Trần Bảng – "ông trùm" làng chèo qua đời khiến nhiều thế hệ đồng nghiệp, học trò, người yêu mến chèo vô cùng thương tiếc. Dẫu biết, sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của tạo hoá không ai tránh khỏi... nhưng sự ra đi của ông đã để lại những khoảng trống khó lòng bù lấp.

Trao đổi với Dân Việt, NSND Trịnh Thúy Mùi – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: "Giáo sư, NSND Trần Bảng là một nhân cách lớn, một đạo diễn hàng đầu của nghệ thuật chèo. Ông đã có công lớn trong việc dẫn dắt, định hướng cho cả ngành chèo gìn giữ, bảo tồn và phát triển trong suốt giai đoạn đất nước đầy những khó khăn, thách thức.

Thông tin mới nhất về lễ tang của Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng NSND Lê Tiến Thọ và đại diện Hội NSSKVN từng đến thăm NSND Trần Bảng. Ảnh: LTT.

Ông đã thổi hồn cho chèo phát huy được những giá trị tinh hoa riêng có của nó. Bằng tâm huyết tài năng của mình, ông gây dựng Nhà hát Chèo Việt Nam thành một trong những Nhà hát quốc gia vững mạnh trong nhiều thập niên. Ông cũng đã đào tạo ra nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên, nghệ sĩ… đặc biệt tâm huyết với chèo. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu nghệ thuật chèo có giá trị và tầm ảnh hưởng rộng lớn cho ngành mà bây giờ nhiều học trò của ông đã và đang kế thừa, phát huy. Các học trò của ông hiện có nhiều người là Nhà quản lý, Nhà giáo, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú… vẫn đang tiếp bước con đường của ông".

Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, NSND Trần Bảng không chỉ là người của chèo mà nhiều năm làm Phó Vụ trưởng Vụ nghệ thuật sân khấu, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam… Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

"Vẫn biết, quy luật không thể tránh, nhưng cả làng chèo vẫn bàng hoàng, không muốn tin là NSND Trần Bảng đã rời cõi tạm, rời xa những người thân trong gia đình - một gia đình giàu truyền thống văn hoá và các thế hệ học trò thân yêu để bay về miền mây trắng".

Thông tin mới nhất về lễ tang của Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 2.

Thông tin mới nhất về lễ tang của Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 3.

NSND Trần Bảng cùng các thế hệ học trò và nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam trong lễ mừng thọ tuổi 90. Ảnh: NHCVN.

NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, gia đình sẽ phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức tang lễ cho Giáo sư, NSND Trần Bảng vào 13h30 ngày 24/7/2023 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Giáo sư, NSND Trần Bảng là người gần gũi, nhẹ nhàng, yêu quý đồng nghiệp trẻ

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chia sẻ với Dân Việt rằng, ngày xưa, nhà của ông và nhà của NSND Trần Bảng đều ở khu Văn công Mai Dịch (Hà Nội). Thỉnh thoảng, ông vẫn bắt gặp NSND Trần Bảng phóng chiếc xe máy của Đức đi lên phố. Thời đó, ai mà có chiếc xe máy đều được liệt vào hàng "oách", "đại gia"… Sau này, gia đình NSND Trần Bảng chuyển hẳn lên phố nên ông ít gặp hơn. Năm 1968, chính NSND Trần Bảng lúc đó là Phó Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu (sau là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) đã ký bằng tốt nghiệp Trung cấp lớp Kịch hát dân tộc cho ông ra trường.

"NSND Trần Bảng vốn xuất thân không phải từ cái nôi của chèo. Ông là người được tiếp cận Tây học từ rất sớm, thông thạo nhiều loại ngoại ngữ và có tư tưởng cấp tiến. Lúc đầu ông tham gia các đội kịch trong đội văn nghệ của chiến khu, đến năm 1946 thì thành lập đội kịch tuyên truyền nhỏ có tên Sao Mai. Vốn sẵn có năng khiếu văn chương nên ông vừa viết kịch bản, vừa đảm trách vai trò đạo diễn. Sau này, ông mới được phân công về đội chèo.

Thông tin mới nhất về lễ tang của Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 4.

NSND Trần Bảng đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo Việt Nam. Ảnh: GĐCC.

Dù không hiểu biết về chèo nhưng bằng sự nỗ lực học hỏi, năng khiếu nghệ thuật và kinh nghiệm của bản thân mà NSND Trần Bảng đã có nhiều ý tưởng cải biên chèo để "phục sinh" chèo. Ông trở thành "trùm chèo", nâng cấp các vở chèo truyền truyền thống với nhiều sự cách tân mới mẻ. Ông đã cùng với các nghệ nhân chèo thời bấy giờ thành lập đội nghiên cứu phát triển chèo truyền thống. NSND Trần Bảng đã lớn lên cùng sân khấu văn nghệ cách mạng trong thời kỳ ấy", NSND Lê Tiến Thọ cho biết thêm.

Theo NSND Lê Tiến Thọ, sự cách tân của NSND Trần Bảng đối với chèo đó là xây dựng nhân vật tập trung vào chủ đề, không tạo ra sự lan man trong một vở diễn. Ông làm cho nét truyền thống vươn đến những giá trị hiện đại mà nhưng không phá vỡ bản sắc của sân khấu chèo. NSND Trần Bảng có công làm cho sân khấu chèo Việt Nam vươn đến sự tiên tiến.

"NSND Trần Bảng từng làm đề án về dạy chèo truyền thống ở Trường Nghệ thuật Sân khấu (nay là Đại học Sân khấu – Điện ảnh). NSND Trần Bảng cũng từng mời tôi cộng tác triển khai đề án đào tạo tuồng tại trường này. Ông là người đã dạy lớp Đạo diễn Kịch hát dân tộc và vợ tôi là một trong những học trò cưng của ông. Thời điểm tôi còn làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, năm nào tôi cũng cùng anh em trong Hội đến thăm NSND Trần Bảng vì ông vừa là nghệ sĩ lão làng của Hội, vừa là cán bộ của Hội. Ngoài đời, NSND Trần Bảng là người rất gần gũi, nhẹ nhàng và yêu quý đồng nghiệp trẻ.

Thông tin mới nhất về lễ tang của Giáo sư, NSND Trần Bảng - Ảnh 5.

NSND Trần Bảng cùng con trai Trần Lực. Ảnh: GĐCC.

Tôi vẫn nhớ, trong một hội diễn sân khấu ở Hải Phòng do ông làm Chủ khảo (Trưởng BGK), khi xem tôi biểu diễn xong ông có nhận xét: "Xem nghệ sĩ Tiến Thọ biểu diễn trong vai Đinh Công, tôi thấy anh ấy đang trình bày một luận án về nghệ thuật tuồng thời hiện đại". Sau tôi gặp ông, cảm ơn về lời đánh giá, ông nói với rằng: "Anh xứng đáng, anh diễn hay lắm!".

Thời điểm, hồ sơ của ông không được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật, tôi đã đại diện cho Hội nhờ ông viết mấy chữ để chúng tôi có căn cứ làm văn bản gửi lên Hội đồng đề nghị xem xét lại nhưng ông bảo "Không được thì thôi, có cái gì đâu mà phải làm thế, được thì vui, không được cũng vẫn vui thôi". Dẫu vậy, chúng tôi vẫn cảm thấy những đánh giá của các cấp chưa thực sự thỏa đáng nên vẫn đệ đơn đề nghị xem xét lại trường hợp của NSND Trần Bảng. Với tôi, NSND Trần Bảng là người đã một đời cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật chèo. Những đóng góp của ông đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này", NSND Lê Tiến Thọ bày tỏ.