Giáo sư, NSND Trần Bảng: Người sinh ra là để thuộc về... chèo!

Yến Thanh Thứ tư, ngày 19/07/2023 11:24 AM (GMT+7)
Giáo sư, NSND Trần Bảng đã giúp hàng loạt nhân vật như: Suý Vân, Thị Kính "sống lại" và đi sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ khán giả.
Bình luận 0

Từ hậu duệ của gia đình văn chương tới "ông trùm" của nghệ thuật chèo

NSND Trần Bảng sinh năm 1926 tại huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Cha ông là nhà văn Trần Tiêu (người viết các cuốn tiểu thuyết "Con trâu", "Chồng con"). Bác ruột ông là nhà văn Khái Hưng - cây bút chính của nhóm "Tự Lực văn đoàn", từng nổi danh với những tác phẩm như "Nửa chừng xuân", "Hồn bướm mơ tiên", "Gánh hàng hoa", "Đời mưa gió"...

Cũng bởi thế, ngay từ thuở ấu thơ, cậu bé Trần Bảng đã lớn lên cùng sách vở. Gia đình đều muốn ông theo đuổi sự nghiệp văn chương, kế tiếp nghiệp nhà. Hai mươi tuổi, nghệ sĩ đã đọc được sách Hán Nôm, biết tới nhiều ngoại ngữ. Ông say mê các tác phẩm văn học và kịch nghệ nước ngoài, luôn ý thức trau dồi thêm vốn hiểu biết về văn hoá. 

Giáo sư, NSND Trần Bảng: Người đưa nghệ thuật chèo cổ "tái sinh" trên sân khấu hiện đại - Ảnh 1.

Giáo sư, NSND Trần Bảng. (Ảnh: TP)

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, nghệ sĩ Trần Bảng đã tham gia vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Năm 1946, Trần Bảng thành lập đội kịch tuyên truyền nhỏ có tên Sao Mai. Do có năng khiếu văn chương, ông bắt đầu bắt tay viết kịch bản rồi kiêm luôn đạo diễn. 

Cơ duyên đã khiến nghệ sĩ Trần Bảng đến với nghệ thuật chèo, dù trước đó ông chưa bao giờ nghĩ tới. Năm 1952, ông được phân công về Đoàn Văn công Trung ương, khi ấy có tổ kịch, tổ chèo và tổ ca múa. Một năm sau, Trung ương có chỉ thị các đoàn văn công chú ý khai thác các di sản văn hóa dân tộc. Trước ngã rẽ, ông từng có những băn khoăn, nhưng được cấp trên và nhiều đồng nghiệp động viên. Nhà văn Hoài Thanh nói: "Tớ cũng như cậu thôi, có khi còn không hiểu chèo bằng cậu. Cậu cứ nghe tớ, gắn bó, tâm huyết với chèo, nó sẽ mang lại cho cậu sự nghiệp".

Lời tiên tri của nhà văn Hoài Thanh không mất nhiều thời gian để trở thành sự thật. Trong lần chọn vở diễn cho một hội nghị Trung ương, vở chèo "Chị Trầm" do nghệ sĩ Trần Bảng dựng đã được lựa chọn. Trong buổi duyệt vở kịch, Bác Hồ cũng có mặt. Xem xong Bác khen: "Cái phường chèo này hát hay lắm!" và mời nghệ sĩ Trần Bảng ngày hôm sau dùng cơm với Bác. Trong bữa cơm, Bác khen nghệ sĩ trẻ tuổi biết yêu văn hóa dân tộc và dặn phải học các cụ nghệ nhân, cố gắng giữ gìn, phát huy di sản. Đây cũng là vở chèo hiện đại đầu tiên sau Cách mạng, được nghệ sĩ Trần Bảng viết khi ông mới 26 tuổi, mở đường cho sự phục hưng của nền nghệ thuật chèo sau đó. 

Năm 1957, Trần Bảng cùng các nghệ sĩ Bùi Đức Hạnh, Hoàng Kiều, Hà Văn Cầu, Hồ Ngọc Cẩn, các nghệ nhân Trùm Thịnh, Cả Tam, Lý Mầm, Năm Ngũ thành lập Ban Nghiên cứu chèo. Ông đi sâu vào nghiên cứu, khai thác và bảo tồn các vở chèo cổ. Nhiều vở chèo cổ như "Quan Âm Thị Kính", "Súy Vân", "Nàng Thiệt Thê" được ông dựng lại, chinh phục nhiều thế hệ khán giả Việt. Nghệ sĩ Trần Bảng cũng dàn dựng nhiều vở chèo hiện đại như "Lọ nước thần", "Tình rừng", "Cờ giải phóng", "Đường đi đôi ngả", "Máu chúng ta đã chảy"... 

Nhắc đến nghệ sĩ Trần Bảng, nhiều khán giả nghĩ ngay đến những hình ảnh của Súy Vân, Thị Kính - các nhân vật không chỉ tồn tại trên sân khấu mà đã thực sự sống trong lòng người, đi vào từng câu chuyện... Hơn cả một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu, ông được phong là "ông trùm", là "tượng đài" của môn nghệ thuật chèo - một loại hình sân khấu vừa đậm chất dân gian, vừa giàu chất thơ, chất trữ tình...

NSND Trần Bảng trong chương trình "Nhật ký người Việt" phát sóng tháng 1/2021. Clip: VTV

Minh mẫn, lạc quan đến tận những phút cuối đời

NSND Trần Bảng kết hôn với NSƯT Trần Thị Xuân, cũng là một diễn viên chèo. Hai người con của ông là diễn viên, đạo diễn Trần Lực và họa sĩ, kiến trúc sư Trần Thị Mây. Để chồng yên tâm nghiên cứu chèo, hai con được chăm sóc đủ đầy, cố nghệ sĩ Trần Thị Xuân quyết định bỏ nghiệp diễn, về giảng dạy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Nhắc tới vợ, nghệ sĩ Trần Bảng luôn bày tỏ sự biết ơn, quý trọng và thương nhớ.  

Tình yêu nghệ thuật của vợ chồng nghệ sĩ Trần Bảng ảnh hưởng nhiều tới cậu con trai duy nhất. NSƯT Trần Lực kể lại: Khi còn bé, anh thường tha thẩn chơi quẩn quanh sau cánh gà của Nhà hát Chèo Việt Nam. Không ai dạy Trần Lực hát chèo, nhưng các làn điệu cứ thế trở nên quen thuộc trong tâm trí anh. Sau khi đạt nhiều thành công với điện ảnh, Trần Lực quyết định tiếp bước cha, dành nhiều thời gian cho công việc đạo diễn. "Luc team" - đoàn kịch do anh thành lập mang nhiều yếu tố của nghệ thuật truyền thống lên sân khấu, đặc biệt là phong cách thể hiện ước lệ. Nhắc đến con, nghệ sĩ Trần Bảng rất tự hào và hãnh diện.

Giáo sư, NSND Trần Bảng: Người đưa nghệ thuật chèo cổ "tái sinh" trên sân khấu hiện đại - Ảnh 2.

NSND Trần Bảng chụp ảnh cùng cháu trai. (Ảnh: FBNV)

Ở tuổi ngoài 90, NSND Trần Bảng vẫn minh mẫn và cập nhật tin tức. Ông được NSƯT Trần Lực mua tặng chiếc Ipad, lập tài khoản facebook, kết nối thành viên trong nhà. Ông dành nhiều tình yêu thương và sự quan tâm cho con cháu: "Từ dạo tôi tập saxophone, cha theo dõi và chịu khó nghe tôi tập mặc dù các bài tập cứ nhai đi nhai lại, đủ biết cha chịu đựng và yêu con trai đến thế nào" - nghệ sĩ Trần Lực chia sẻ.

Trong ký ức của những học trò, NSND Trần Bảng vẫn luôn hài hước, tếu táo dù già yếu. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát từng kể chuyện đến thăm ông sau một lần "thập tử nhất sinh" vào 5 năm trước: "Hôm nay đến thấy thầy đã khỏe, da dẻ hồng hào, trí nhớ vẫn minh mẫn. 

Thầy hài hước kể là trong viện tay thầy đã bắt chuồn chuồn, nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, sợ sắp đi nên ông trăng trối với hai người con ruột là đạo diễn Trần Lực và họa sĩ Trần Thị Mây những điều cần thiết. Ông còn hài hước bảo: "Tiếc nhất là ông khai ra mất quỹ đen vì sợ đi rồi chúng nó không biết mình để đâu mà lấy, bây giờ phải làm lại". 

Qua đời ở tuổi 97, NSND Trần Bảng để lại một sự nghiệp nghệ thuật đồ sộ, ở đó ông cần mẫn khai phóng và không ngừng sáng tạo. Với những người thân yêu, với học trò, ông là vị "thuyền trưởng" vừa tận tụy, vừa yêu thương, vừa hài hước. Những tác phẩm ông "trùm chèo" đã đóng góp nhiều giá trị quý báu đối với kho tàng văn hoá nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Tên tuổi của ông xứng đáng được đặt cho những con đường để các thế hệ hậu sinh luôn nhớ đến những cống hiến của NSND Trần Bảng đối với nghệ thuật nước nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem