"Chúng tôi gọi Giáo sư, NSND Trần Bảng là Papacute"

Hà Thúy Phương Thứ tư, ngày 19/07/2023 15:00 PM (GMT+7)
NSND Quốc Anh, biên kịch Trịnh Thanh Nhã, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ với Dân Việt những kỷ niệm khi được là học trò, nhân viên... của GS - NSND Trần Bảng.
Bình luận 0
"Chúng tôi gọi GS - NSND Trần Bảng là Papacute" - Ảnh 1.

GS, NSND Trần Bảng với các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam - Ảnh: NHCVN

NSND Quốc Anh: "Thầy Trần Bảng không bao giờ minh họa nhân vật"

GS-NSND Trần Bảng là thầy của các thầy, là người nắm được bản chất, đặc trưng của chèo và truyền lại cho các thế hệ. Tất nhiên, ai cũng đến lúc phải "về với các cụ" nhưng thầy đi xa là một mất mát lớn cho nền nghệ thuật chèo Việt Nam. Mặc dù gia đình, con cháu đã xác định tinh thần từ trước nhưng việc thầy ra đi vẫn để lại vô vàn niềm thương tiếc.

Tôi là học trò cưng của thầy. Thầy đã để lại cho tôi nhân cách của nghệ sĩ, vừa truyền dạy cho tôi rất nhiều về nghề, dạy cả nhân cách sống. Đó là điều thực sự quan trọng với tôi cũng như các học trò may mắn được thầy dạy dỗ.

Thầy là chủ nhiệm lớp chèo của tôi khi thầy đang là Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu của Bộ Văn hóa - Thông tin. Một tuần thầy chỉ xuống dạy vài buổi nhưng luôn trăn trở với lớp chèo. Khi lớp chèo của tôi lần đầu chạy vở, hồi đó là vở Câu chuyện tình 80, thầy Trần Bảng xuống chỉ đạo trực tiếp. Thầy mời cả thầy Nguyễn Đình Nghi đến xem lớp tôi chạy. Thầy Nguyễn Đình Nghi khi đó có nói về tôi với thầy Trần Bảng là "Trong khóa này có cậu đóng vai phản diện thoại rất hay". Hồi đó, có người hướng tôi sang kịch nói nhưng tôi rất mê chèo nên vẫn ở lại với chèo. 

Trong công việc thầy Trần Bảng không khó tính. Thầy tình cảm và thương học sinh, anh em nghệ sĩ. Điều đặc biệt nhất ở thầy là đạo diễn bằng cách phân tích nhân vật. Thầy nói về nhân vật cho nghệ sĩ, học sinh lắng được. Cái giỏi nhất của thầy là không minh họa nhân vật trên sân khấu mà phân tích, lý luận để nghệ sĩ hiểu được và thể hiện ra.

"Chúng tôi gọi GS - NSND Trần Bảng là Papacute" - Ảnh 2.

GS-NSND Trần Bảng và cháu nội. Ảnh: CAND

Điều gì nghệ sĩ thể hiện chưa tới thầy lại phân tích tiếp. Đó là điều nổi bật nhất trong phong cách làm việc của thầy Trần Bảng. Làm như vậy, người nghệ sĩ sẽ hiểu được cái cốt lõi của nhân vật, khi thể hiện mới ra được chất của nhân vật. Người nghệ sĩ tư duy, quan sát để làm cho ra nhân vật, đó mới là việc của nghệ sĩ.  Tôi nghĩ đây là điều quan trọng nhất mà các đạo diễn sau này nên học từ thầy.

Lớp học sinh của chúng tôi gần đây cũng đã tổ chức vào thăm khi thầy Trần Bảng nằm viện, khi đó thầy còn rất minh mẫn. Tôi chơi với Trần Lực – con trai thầy Trần Bảng từ thời học sinh. Trần Lực hội tụ tất cả tinh hoa của thầy Trần Bảng. Với tôi, Trần Lực là một nghệ sĩ tài năng. Tôi rất thiện cảm với Lucteam của Trần Lực, đó mới là kịch của Việt Nam.


Theo tôi cảm nhận, thầy Trần Bảng hài lòng với những việc Trần Lực đã làm được. Thầy đã truyền lửa được cho con trai và Trần Lực không phụ lòng bố mình.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã:  "Chúng tôi gọi ông là Papacute"

Nghe tin GS - NSND Trần Bảng mất tôi rất sốc. Tôi coi NSND Trần Bảng như bố mình và thân với cả gia đình ông. Trong mắt tôi, ông không chỉ là trùm chèo mà còn có những lý luận sâu sắc. Ông thường nói chuyện với chúng tôi về sân khấu bằng những câu hóm hỉnh, ngắn gọn nhưng làm nổi lên những điều rất thú vị, khiến chúng tôi học hỏi được rất nhiều.

Trong đời thường ông là người dí dỏm, chúng tôi gọi ông là "Papacute". Ấn tượng mạnh nhất về ông là không bao giờ chịu làm một người già. Ông không chịu già từ nụ cười, sự hóm hỉnh trong lời nói, trong sinh hoạt. Trong gia đình, con trai - NSƯT Trần Lực rất chiều cha. Ít có gia đình nào mà cha mẹ có thể yêu cầu con những việc như đêm buồn ông bảo "Lực ơi thổi kèn đi!" hoặc "Lực ơi hút tiếp đi!" để ông ngửi mùi thuốc. Thực ra ông cũng không còn hơi để hít nhưng vẫn đề nghị con làm những việc lặt vặt đó để cho thấy sự gần gũi giữa cha con. 

"Chúng tôi gọi GS - NSND Trần Bảng là Papacute" - Ảnh 4.

Cảnh NSND Trần Bảng được con trai thổi kèn cho nghe giữa đêm khuya. Ảnh: FBNV

Tôi có dịp được làm việc với ông khi tôi chuyển thể tiểu thuyết Chồng conCon trâu của cụ Trần Tiêu (cha của GS-NSND Trần Bảng) thành một kịch bản phim truyền hình dài tập. Trước khi viết, tôi nói chuyện với ông rất  kỹ và ông cho tôi nhiều ý kiến để hiểu về cụ Trần Tiêu và về thời đại mà cụ viết tiểu thuyết. Khi viết xong, tôi gửi tập kịch bản đầu tiên cho ông đọc. Ông rất hứng thú, bảo Trần Lực "Gọi ngay nó đến đây cho bố!". Tôi đến nói chuyện với ông say sưa về tập kịch bản, ông hào hứng đùa là "Cháu bịa vào đây còn hay hơn cả bố bác!". Ông nói đùa thế, tôi biết làm sao có thể qua mặt cụ Trần Tiêu. Nhưng đó là cách ông động viên và khuyến khích tôi.

Trong công việc ông đòi hỏi cao và kỹ lưỡng. Người nào không làm vừa ý thì ông kiên nhẫn giải thích và thường mọi người sẽ bị ông thuyết phục. Ông rất giỏi thuyết phục. Tôi không làm về sân khấu nên không biết khi ông đứng trên sân khấu thì như thế nào nhưng trong công việc với tôi, ông rất nhũn nhặn, tếu táo nhưng cách nói rất giản dị và dễ thuyết phục.

Thời gian gần đây, ông vẫn minh mẫn. Ông vẫn bảo Trần Lực đọc sách cho mình nghe và lắng nghe rất hào hứng, không để cho đầu nghỉ ngơi. Tôi vẫn theo dõi ông qua facebook và thỉnh thoảng vẫn trêu đùa ông.

TS Nguyễn Thị Minh Thái: "Bây giờ tôi không nhìn thấy đạo diễn nào như ông"

GS - NSND Trần Bảng là người không chỉ giữ được chèo mà cách tân được chèo. Ông đã mang vở Quan Âm Thị Kính sang Châu Âu như một báu vật vô giá. Ông đã mất 50 năm để thay đổi và hoàn chỉnh vở diễn đó, để Châu Âu thấy rằng Quan Âm Thị Kính vừa có sự can thiệp của đạo diễn Châu Âu và vừa giữ được tinh túy của chèo Việt Nam.

Sự xuất hiện của ông làm cho nghệ thuật chèo phát triển ở một tầm vóc mới. Nếu chèo giữ được bản thể và kết hợp được sân khấu hiện đại thì chèo chinh phục được Châu Âu, không chỉ quẩn quanh ở chiếu chèo của làng như xưa. Khi tôi đọc tham luận viết về ông, ông rất cảm động. Ông rất thích nói chuyện với tôi về sân khấu. Tôi thường qua nhà ông nói chuyện với ông thời gia đình còn ở khu Giảng Võ.

"Chúng tôi gọi GS - NSND Trần Bảng là Papacute" - Ảnh 6.

GS - NSND Trần Bảng là đạo diễn sân khấu độc nhất của Việt Nam với những thành công không ai vượt qua. Ảnh: ĐCS

GS - NSND Trần Bảng tuổi Dần, tôi cũng tuổi Dần. Tôi từng làm nhân viên của GS - NSND Trần Bảng thời ông làm TBT Tạp chí Sân khấu. NSND Trần Bảng khi đó không cần tôi hỗ trợ việc viết lách như những người làm lãnh đạo khác nhưng cần người tri âm tri kỷ với chèo. Vì chèo không phải lúc nào cũng có thể làm được tử tế. Có người làm chèo mà lụi bại, ông muốn bảo vệ những người làm chèo giữ được căn cơ văn hóa của nó. Chèo cổ phải được bảo tồn, tiếp thu và giao hòa. Bây giờ tôi không nhìn thấy đạo diễn nào như ông, kể cả con ông, may mà Trần Lực đi theo hướng sân khấu. Anh đã tiếp thu được những căn cốt của cha.

Tôi biết GS - NSND Trần Bảng rất mừng khi Trần Lực quay về với sân khấu và áp dụng các phương pháp ước lệ vào sân khấu. Từ khi Trần Lực làm sân khấu, hai bố con đã đối thoại được với nhau. Tôi cũng nói với Trần Lực là anh nên làm sân khấu, khi có một ông bố như vậy thì nên "khai thác". Khi chuyển đi khỏi Hà Nội, tôi vẫn luôn yên tâm là có Trần Lực ở đó, để bất cứ lúc nào có thể thì tôi đến thăm ông. Mặc dù ông ốm nhưng vẫn minh mẫn. Vậy mà lần này định ra Hà Nội sẽ đến trò chuyện với ông nhưng chưa kịp đến thì ông đã đi xa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem