Chiều 22/7, Công an phường An Phú (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) cùng lực lượng chức năng phường này bắt giữ Lê Thanh Giàu (SN 1969, quê Kiên Giang).
Giàu đang chấp hành án 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Trại giam An Phước - Bộ Công an (huyện Phú Giáo, Bình Dương). Ông ta bỏ trốn vào sáng cùng ngày.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Trại giam An Phước đã ra quyết định truy nã Giàu.
Khi Giàu bỏ trốn đến phường An Phú (TP.Thuận An) cách trại giam gần 70km đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Theo nguồn tin của phóng viên, Giàu có vợ hờ sinh sống tại phường An Phú.
Trước đó, năm 2021, tại Trại giam An Phước từng có hai phạm nhân bỏ trốn gồm: Phạm Văn Sây (SN 1991) chấp hành án 25 năm tù về tội Trộm cắp tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Đinh Văn Dương (SN 1990) chấp hành án 17 năm tù về tội Giết người.
Cả hai phạm nhân sau đó bị công an bắt giữ.
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 21/7, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đơn vị đã phối hợp với Công an quận Phú Nhuận bắt giữ Lâm Minh Quang (23 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận,TP.HCM) để điều tra về hành vi "Giết người" do mâu thuẫn nợ nần.
Trước đó, khoảng 8h cùng ngày, Công an quận Phú Nhuận nhận được tin báo về việc xảy ra vụ giết người tại địa chỉ 133A Lê Văn Sỹ, phường 12, quận Phú Nhuận. Nạn nhân được công an xác định tên K.
Theo điều tra, Quang khai do mâu thuẫn cá nhân nên đã giết nạn nhân.
Cụ thể, năm 2022, Quang cho K. vay tiền nhưng K. chưa trả hết nợ cho Quang. Ngoài ra, Quang cho rằng K. thường xuyên đi nói xấu mình với bạn bè nên dẫn tới thù hận.
Sáng 21/7, Quang đi xe máy từ nhà đến nơi ở của K. tại số 133A, đường Lê Văn Sỹ, phường 13, quận Phú Nhuận. Quang điện thoại nhưng K. không nghe máy nên Quang lên phòng tìm. Trong lúc K. đang cúi người lấy đồ thì Quang dùng dao đâm nạn nhân tử vong.
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 22/7, phiên tòa xét xử ông Trần Hùng (cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304 Tổng cục QLTT) và 35 bị cáo, tiếp tục với phần tranh luận.
Ông Hùng bị VKS đề nghị truy tố mức án từ 9-10 năm tù về tội "Nhận hối lộ" để bao che cho hành vi sản xuất sách giả của Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát). Bào chữa cho ông Trần Hùng, luật sư cho rằng VKS chỉ dựa vào lời khai của Nguyễn Duy Hải (lao động tự do, bị VKS truy tố về tội Môi giới hối lộ vì nhận 300 triệu từ Cao Thị Minh Thuận để đưa cho Trần Hùng) để buộc tội ông Hùng mà không đưa ra các chứng cứ vật chất khác.
Theo vị luật sư này, tại tòa, bị cáo Hải xác nhận đưa tiền cho Trần Hùng vào khoảng 13h ngày 15/7/2020. Tuy nhiên, cáo buộc của VKS không nêu cụ thể thời gian mà chỉ ghi là "đầu giờ chiều". Luật sư nêu câu hỏi: Theo VKS, "đầu giờ chiều" này là 12h, 13h hay 14h.
Luật sư cho biết, trưa 15/7/2020 (thời điểm ông Hùng bị cáo buộc nhận tiền hối lộ), ông Hùng ở nhà vì hôm đó gia đình có đám giỗ. Dẫn chứng các dữ liệu thu thập từ nhà mạng Mobifone, luật sư cho hay thời gian bị cáo Hải gọi điện cho ông Hùng ở khoảng cách địa lý xa nhau.
Theo dữ liệu trích xuất từ nhà mạng, từ 11h44 đến 14h02 ngày 15/7/2020, định vị cột sống của ông Hùng ở quận Ba Đình. Tuy nhiên, cùng thời gian này, định vị của Hải ở quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Luật sư đặt giả thuyết việc ông Hùng về nhà rồi lại trở lại cơ quan để nhận tiền là không khả thi.
Trước câu hỏi tại sao có việc định vị của một thiết bị nhưng tại 2 địa điểm khác nhau, đại diện Mobifone có mặt tại tòa sáng nay cho biết, trong quá trình sử dụng thuê bao di động có thể di chuyển. Tại thời điểm thuê bao di chuyển giữa ranh giới của hai cột phát sóng, cột sóng nào mạnh hơn sẽ ghi nhận thuê bao ở cột đó.
"Tin nhắn ghi nhận ở cột sóng này nhưng cuộc gọi lại được ghi nhận ở cột sóng khác là chuyện bình thường", đại diện Mobifone nói và khẳng định mọi tài liệu cung cấp được trích xuất trên hệ thống của nhà mạng đều rất chính xác.
Trước câu hỏi về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng, đại diện Mobifone nói chỉ cung cấp dữ liệu thuê bao khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước, dựa vào thông tư của TAND Tối cao và Bộ Công an. Bên nhà mạng thường chỉ cung cấp ngày giờ cuộc gọi, định vị cột phát sóng, chứ không cung cấp nội dung cuộc gọi.
Đối đáp lại luật sư bào chữa cho ông Trần Hùng, đại diện VKS khẳng định có đủ căn cứ kết luận ông Trần Hùng nhận 300 triệu đồng thông qua Nguyễn Duy Hải, chứ không chỉ căn cứ vào duy nhất lời khai của bị cáo Hải.
Theo VKS, chứng cứ có thể từ nhiều nguồn khác nhau, đó có thể là lời kể lại, lời khai, không nhất thiết phải có nhân chứng, vật chứng. Đại diện VKS khẳng định lời khai của Nguyễn Duy Hải về việc đưa tiền cho ông Trần Hùng đảm bảo sự logic phù hợp với chứng cứ khác.
Bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đọc thơ khi nói lời sau cùng.
Bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bị Viện kiểm sát đề nghị 7 – 8 năm tù do có hành vi nhận hối lộ 5 tỷ đồng sau khi cấp phép cách ly người về từ các chuyến bay giải cứu.
Tại phần tranh luận, vị này cho hay không có ý thức, mong muốn nhận hối lộ. Số tiền 5 tỷ đồng do doanh nghiệp "cảm ơn" sau khi công việc đã hoàn thành; ông Tân không đòi hỏi, ép buộc để có được.
Nói lời sau cùng sáng 22/7, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết trong suốt quá trình công tác 22 năm luôn: "Nỗ lực, cố gắng, làm việc bất kể ngày đêm, kể cả ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật để giải quyết hồ sơ, thủ tục nhanh nhất cho công dân. Bị cáo nói mình đã hết lòng hết sức vì Quảng Nam phát triển, giàu đẹp hơn".
Về gia đình, ông Tân cho hay cha mẹ, anh, em vợ con ông đã vượt qua được "khó khăn rất lớn do tôi gây ra"; vẫn lao động học tập tốt, nên có phần yên tâm. Cựu Phó chủ tịch đọc 2 câu của Trúc Lâm Đại Sỹ: "Vườn nhà dẫu vắng người chăm sóc; Lý trắng, đào hồng tự nở hoa".
Ông Tân cho hay rất hối tiếc khi nhận tiền "cảm ơn" từ doanh nghiệp và nảy câu Kiều: "Trót đà gây việc chông gai; Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng".
Vị này khẳng định: "Sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì xảy ra đối với mình. Đó là sự trả nghiệp hoàn hảo nhất" và hẹn ngày về với gia đình: "Một nhà sum họp trúc mai; Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông".
Cũng nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Hoàng Linh, cựu Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và người thân vì những sai phạm của bản thân đã ảnh hưởng đến mọi người.
Vị này cho hay, từ khi công tác tại cơ quan đại diện Malaysia, bản thân Linh luôn "giữ ngọn lửa nhiệt huyết cháy trong tim", làm việc tận tâm, nhiệt huyết, hết mình.
Đến giai đoạn tổ chức chuyến bay giải cứu, khi có thêm cán bộ từ Việt Nam sang đã thổi một luồng gió mới, mặc dù trong dịch nhưng mọi người luôn trong trạng thái làm việc bất kể ngày, đêm, trực 24/7. Ông Linh cho hay đã cùng đồng nghiệp làm hết sức để đưa công dân về nước trong bối cảnh nước sở tại khó khăn, phong tỏa toàn bộ.
"Mong HĐXX ghi nhận việc chúng tôi dám nghĩ, dám làm để khuyến khích động viên những cán bộ, cơ quan khác vì những lợi ích chung của Đảng, của nhân dân mà dám nghĩ dám làm", bị cáo Linh nói.
Cùng là cán bộ ngoại giao, bị cáo Lý Tiến Hùng, cựu Bí thư thứ Nhất Đại sứ Việt Nam tại Nga, chia sẻ xuất thân dân tộc Nùng, từ vùng núi khó khăn nhưng vươn lên trong cuộc sống, chỉ mong làm việc có lợi cho người dân.
Ông Hùng cho hay rất "ân hận, xót xa" khi trong vụ án, chỉ vì ko vững vàng trước cám dỗ của kinh tế thị trường và vi phạm pháp luật. Tuy vậy, việc ông phạm tội do hoàn cảnh giai đoạn Covid-19 khó khăn, nhiều học sinh cần về nước và ông đã cố gắng làm hết sức để đảm bảo an toàn cho mọi người.
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 22/7, thông tin từ Công an TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đơn vị này vừa phát hiện 2 cán bộ điều tra có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.
Theo đó, cơ quan Công an TP.Hạ Long cho biết, trong quá trình giải quyết tin báo, điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, Công an TP.Hạ Long đã phát hiện 2 cán bộ điều tra có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.
Hai cán bộ này là Hà Huy Đạt và Nguyễn Xuân Nam, đều là cán bộ điều tra thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ngay sau khi phát hiện, Công an TP.Hạ Long đã báo cáo Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đề nghị xử lý kỷ luật bằng hình thức Tước danh hiệu Công an nhân dân.
Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hạ Long đã phối hợp, trao đổi thông tin vụ việc trên cho Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để điều tra theo thẩm quyền.
Đồng thời, Công an TP.Hạ Long tiếp tục phối hợp xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm khác (nếu có).