Gia đình chị Đỗ Thị Chiều, thôn Đồng Cướm là một trong những hộ có đàn lợn đen nhiều nhất xã Trung Sơn (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang). Hiện nay, đàn lợn đen bản địa của chị Chiều đã phát triển lên đến hơn 400 con, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Từ năm 2019, khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi lợn đen sinh sản giống bản địa theo hướng an toàn sinh học, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia.
Việc chăm sóc lợn đen bản địa khá đơn giản, chủ yếu tận dụng các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như rau lang, cây chuối, sắn, ngô, cám gạo.
Về dịch bệnh thì lợn đen giống bản địa ít bị dịch bệnh hơn so với lợn trắng thông thường, nuôi trong khoảng hơn 8 - 10 tháng thì xuất chuồng, giá lợn đen luôn ổn định từ 100 đến 150 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho gia đình chị thu lãi trên 80 triệu đồng/năm từ nuôi lợn đen.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang thì lợn đen là một trong những giống lợn có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với nhiều điều kiện sống.
Chính vì thế, tỉnh đã lựa chọn, hỗ trợ người dân nhân giống lợn đen bản địa phát triển chăn nuôi quy mô lớn, bảo đảm lợn đen trở thành hàng hóa chủ lực đặc sản của địa phương.
Việc nhân rộng và phát triển mô hình lợn đen bản địa đã làm thay đổi nhận thức của người dân về việc chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập.
Người dân xã Côn Lôn (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) phát triển giống ngỗng bản địa.
Từ lâu, nuôi ngỗng đã gắn liền với đời sống sản xuất của bà con xã Côn Lôn (Na Hang). Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, có dòng suối Nặm Mường chảy qua địa bàn xã nên nhiều hộ dân xã Côn Lôn đã chăn thả ngỗng cỏ, giống ngỗng “cỏ” bản địa của địa phương.
Ngỗng Côn Lôn có nhiều ưu điểm như cổ ngắn, chân nhỏ, được chăn thả ở suối với nguồn thức ăn là cua, ốc, rong rêu nên cho chất lượng thịt nạc, chắc, ngọt và có vị thơm riêng biệt.
Anh Nguyễn Quảng Bé, thôn Trung Mường, xã Côn Lôn cho biết, từ nhiều đời nay, gia đình anh đã nuôi giống ngỗng bản địa này. Trong chuồng lúc nào cũng có hàng chục, có khi gần trăm con ngỗng.
Hiện nay, gia đình anh luôn duy trì nuôi gần 50 con ngỗng, ngỗng nuôi 6 tháng đạt trọng lượng khoảng 4,5 đến 5 kg là xuất bán, với giá bán 140.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh thu gần 50 triệu đồng.
Nếu so với chăn nuôi lợn, chăn nuôi ngỗng hiệu quả hơn nhiều vì vốn đầu tư ít, không tốn tiền mua thức ăn nhưng để nuôi thành công ngoài việc chịu khó học tập kinh nghiệm, cần phải chú trọng cách chăm sóc, phòng bệnh nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Trước hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi ngỗng mang lại, xã Côn Lôn đang khuyến khích người dân nuôi ngỗng bản địa.
Chủ tịch UBND xã Côn Lôn Mông Văn Pó cho biết, để xây dựng thương hiệu ngỗng Côn Lôn, trong thời gian tới xã sẽ tổ chức liên kết các hộ sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, phát huy vai trò của hợp tác xã trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Qua đó, xã Côn Lôn hình thành vùng chăn nuôi ngỗng tập trung thành mô hình sản xuất thành hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Việc phát triển giống nuôi bản địa đã và đang trở thành biện pháp hữu hiệu góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn.
Để việc gìn giữ và phát triển giống vật nuôi bản địa hiệu quả, bền vững, các địa phương cần hướng tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm có nguồn gốc bản địa để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho đàn vật nuôi.